Nguyễn Mạnh Huy bây giờ là giám đốc Xí nghiệp In báo Thanh Niên - Ảnh: TỰ TRUNG
Các anh chị báo Tuổi Trẻ không bỏ cuộc. Họ bảo tôi: Nhất định phải lập lại công bằng.
Thay đổi số phận, mang đến bước ngoặt vào lối đi thênh thang hơn cho những nhân vật. Tác động để những chính sách sát đời sống hơn, nhân văn hơn, thúc đẩy tiến bộ xã hội… Giờ đây, những nhân vật đó kể lại câu chuyện thay đổi của chính mình, từ trang báo Tuổi Trẻ.
Bước ngoặt Nguyễn Mạnh Huy
Nhắc về câu chuyện của mình trên Tuổi Trẻ, anh Nguyễn Mạnh Huy nói đó là "bước ngoặt của cuộc đời" và chỉ vào chồng tài liệu mà anh đã trân trọng gìn giữ. Xấp giấy tờ sần đen, tập nhật ký ố vàng, hàng trăm lá thư to nhỏ đủ loại giấy đủ nét chữ được giữ kèm cả phong bì và những bài báo.
"30-9-1987... Mình phải chuẩn bị tìm một nghề khác để làm, nghề mộc chắc không theo được nữa. Mình đã cố gắng đấu tranh nhưng không biết sẽ đi đến đâu. Mọi đau buồn uất ức đều do sự phân biệt sau chiến tranh. Tôi có làm gì nên tội, sao tôi lại không được đi học?".
"16-9-1988... Thế là mọi thủ tục đã xong, chủ nhật này mình sẽ vào lại Sài Gòn nhập học. Đã 7 năm rồi mới được trở lại với mái trường, mình cảm thấy như được sống lại.
Bảy năm với bao khổ cực, bao sức lực, bao sự giúp đỡ của mọi người để giờ đây mình được vào giảng đường đại học. Mình sẽ cố gắng hết sức và cũng mong đợi hết sức những bước ngoặt mới, lớn hơn để được cống hiến tri thức một cách xứng đáng".
Giữa sự biến chuyển tâm trạng của những dòng nhật ký ấy là những bài báo trên Tuổi Trẻ: Tại sao con tôi không vào đại học? (15-6-1986), Nguyễn Mạnh Huy nói "Không" trước số phận (15-11-1987), Còn bao nhiêu Nguyễn Mạnh Huy khác? (6-12-1987)...
"Các bạn trẻ sau này, cũng như các con tôi, không thể hiểu được việc phân biệt lý lịch cũng như sức mạnh chi phối của lý lịch trong thời kỳ mà nhiều thế hệ đi trước đã phải trải qua. Tôi có kiên nhẫn và quyết tâm khi đi thi đại học đến lần thứ tư, đậu đại học đến lần thứ tư.
Quyết tâm ấy đã cho tôi may mắn tiếp theo khi câu chuyện của mình được báo Tuổi Trẻ biết đến, lên tiếng, đấu tranh kiên quyết. Sau này, tôi biết rằng đó gần như là cuộc đấu tranh đầu tiên mở đầu công cuộc đổi mới báo chí. Và lại là đấu tranh với chủ nghĩa lý lịch ăn sâu bám rễ vững chắc như một thành trì trong chủ trương, chính sách và suy nghĩ của bao người.
Báo Tuổi Trẻ khi ấy đã rất dũng cảm. Không chỉ kể lại câu chuyện của tôi, báo còn đi khắp tỉnh Nghĩa Bình tìm "những Nguyễn Mạnh Huy khác", những người bạn đồng cảnh với tôi đã cam chịu lặn sâu xuống trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn, từ bỏ việc phấn đấu cho tương lai thông qua cánh cửa đại học.
Gặp rất nhiều cản trở, gặp câu trả lời "Không" khăng khăng của ban tuyển sinh Nghĩa Bình, các anh chị của báo Tuổi Trẻ khi ấy không bỏ cuộc. Họ bảo tôi: Nhất định phải lập lại công bằng, những chuyện vô lý này phải được chấm dứt".
Thông qua địa chỉ báo, hàng trăm lá thư từ mọi miền gửi đến Huy. Những lá thư được anh Huy và vợ giữ gìn suốt mấy chục năm như món đồ gia bảo. Huy nói anh đã đọc thấy trong ấy sự đồng cảm, thấu hiểu sâu sắc, đằng sau những dòng chữ là những câu chuyện đầy ẩn ức và niềm hi vọng rất lớn vào một sự thay đổi.
Thay đổi đã đến và tiếp tục được ghi nhận bởi những bài báo: UBND tỉnh Nghĩa Bình đã gửi hồ sơ của Nguyễn Mạnh Huy đến Đại học Bách khoa TP.HCM (Tuổi Trẻ 5-1-1988), Tỉnh Nghĩa Bình chấp thuận cho tất cả học sinh thi đậu đại học được đi học (Tuổi Trẻ 22-9-1988), Nguyễn Mạnh Huy đã tốt nghiệp đại học với điểm số 8,9 (Tuổi Trẻ 5-10-1993).
Cuộc đời Nguyễn Mạnh Huy và những "Nguyễn Mạnh Huy khác" lật sang trang mới, bước trên những con đường mới. Thành trì của chủ nghĩa lý lịch rơi xuống từng viên gạch, từng mảng tường để công bằng lập lại.
Nhà báo Nam Đồng, người trực tiếp thực hiện tuyến bài Nguyễn Mạnh Huy, nhớ lại kỷ niệm đáng nhớ ngày ấy: "Điểm son ấy của báo Tuổi Trẻ rất đáng tự hào, là nguồn động viên lớn trước những vận hội mới. Chúng tôi thêm tin tưởng vào khả năng của báo chí, nhiệm vụ của báo chí: Vì một ngày mai tốt đẹp hơn. Và cứ như thế, chúng tôi làm báo".
Niềm tin của tôi
Thái Tuyết Dung (ĐH Luật TP.HCM)
Cách đây 26 năm, tôi được đọc tờ Tuổi Trẻ tại thư viện của trường và từ đó, đây là tờ báo không thể thiếu đối với tôi, đến độ tôi đọc không bỏ mục nào.
Mỗi bài báo dù nhỏ trong tờ báo luôn mở ra cho tôi một khung trời kiến thức mới mẻ và đa dạng.
Có một lần tôi thổ lộ câu chuyện của gia đình mình với phóng viên báo Tuổi Trẻ. Nhận định đây không phải một việc riêng mà là bất hợp lý trong chính sách của Nhà nước đối với người có công, nhà báo đã đặt vấn đề phân tích trên suốt ba số báo Tuổi Trẻ.
Và tôi cũng không ngờ điều bất hợp lý trên đã nhanh chóng được thay đổi về căn bản. Các bà mẹ liệt sĩ đã tái giá được công nhận danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có mẹ tôi.
Chính sách này có thể không tác động lớn về mặt xã hội, nhưng là niềm an ủi rất lớn đến tâm tư tình cảm của các mẹ đã có chồng con hi sinh nhưng lại bị "để bên lề" bởi những quan điểm "bảo thủ". Qua tình huống này, những người có thẩm quyền ban hành chính sách cũng được hướng góc nhìn nhân văn hơn trong một đất nước đầy "đau thương" từ cuộc chiến.
Từ câu chuyện này, tôi nhận ra nếu đề tài được báo chí theo đuổi đến cùng, chắc chắn sẽ có nhiều người biết, nhất là những người có tiếng nói trong việc thay đổi pháp luật, các chính sách sẽ được thay đổi theo hướng tốt đẹp.
Tôi cũng ước ao những vấn đề còn bất cập sau khi được báo chí phản ánh cũng có cơ hội thay đổi nhanh chóng như trường hợp trên, để cầu nối giữa người dân - báo chí - Nhà nước được thông suốt và hiệu quả.
Lẽ dĩ nhiên cuộc cách mạng công nghệ thông tin đã tác động mạnh mẽ đến vị trí và vai trò của báo chí, nhất là truyền thông qua mạng xã hội, và báo Tuổi Trẻ cũng không là ngoại lệ.
Nhưng đối với tôi, tiếng nói của Tuổi Trẻ vẫn luôn có một vị trí quan trọng trong tổng thể chung. Tôi luôn mong báo sẽ có nhiều hướng đi mới và tiếng nói của sự thật, tác động và thay đổi xã hội theo hướng tốt hơn. Cảm ơn báo Tuổi Trẻ.
Chúc mừng tuổi 45 tràn đầy sức sống của Tuổi Trẻ!
THÁI TUYẾT DUNG (ĐH Luật TP.HCM)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận