21/02/2025 11:13 GMT+7

'Túi tiền vừa vừa' và 'chỗ ở vừa túi tiền'

Khi trao đổi về chỗ ở, không ít bạn trẻ tâm sự nếu có một điều ước, họ chỉ ước các chính sách về nhà cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội, nhà cho thuê hay nhà cho người trẻ... mà báo chí thông tin trở thành hiện thực.

'Túi tiền vừa vừa' và 'chỗ ở vừa túi tiền' - Ảnh 1.

Nhà ở xã hội tại quận 8, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Vì sao không ước cho mình, họ nói khó lắm. Vì chỉ khi các chương trình này đi vào cuộc sống, mọi người cùng có cơ hội như nhau về tiếp cận chỗ ở, khi đó cơ hội mới thực sự dành cho từng cá nhân. Có lạ quá không?

Những người tâm tư cũng có lý của họ. Từ lâu rồi, người ta nói thị trường bất động sản méo mó, toàn cao cấp.

Trong khi sức mua nhà đại đa số là người có thu nhập thấp. Nhưng rồi sự lệch pha này vẫn cứ nghiêm trọng hơn. Những căn hộ vài chục triệu đồng/m2 "tuyệt chủng". Giá căn hộ lên đến trăm triệu đồng/m2 cũng chưa có điểm dừng.

Các chương trình nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân cũng có nhưng như muối bỏ biển, khó chen chân để có suất.

Vì vậy cũng có bạn trẻ đưa ra suy nghĩ họ chẳng quan tâm nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp hay nhà ở cho công nhân... mà chỉ cần chỗ ở vừa túi tiền.

Bởi vì họ đang có chỗ ở vừa túi tiền, đó chính là chỗ ở mà họ đang thuê mướn đa phần là tạm bợ, chắp vá mà người dân tự cắt xén nơi ở của mình hoặc cơi nới để cho thuê.

Hệ quả là gì? Người ta đang nói đến người trẻ ngại kết hôn, tỉ lệ sinh giảm. Có đủ lý do nhưng áp lực về tài chính khá lớn, trong đó có gánh nặng chi phí về chỗ ở. Họ không muốn con mình lớn lên mà cha mẹ phải chật vật tìm chỗ ở. Chẳng lẽ cả xã hội cứ loay hoay mãi với bài toán khó này?

Nhưng giải bài toán chỗ ở này đâu chỉ là giá "nhà vừa túi tiền", mà còn làm sao để người dân có "túi tiền vừa vừa" để thuê hay mua chỗ ở. Muốn có chỗ ở vừa túi tiền thì không thể thiếu bàn tay của Nhà nước thông qua chính sách về đất đai, về thuế.

Phải có những dự án nhà ở xã hội từ khi triển khai đến khi giao nhà chỉ 12 tháng, may ra mới có giá rẻ. Chứ cứ loay hoay với thủ tục, kéo dài vài năm, tiền lãi làm dự án mỗi năm trôi qua cộng vào rồi tính đủ vào giá bán thì làm gì có giá rẻ.

Sau nữa là tạo điều kiện để người dân có "túi tiền vừa vừa" mà trả tiền mua chỗ ở vừa túi tiền. Chính sách thuế thu nhập cá nhân với mức giảm trừ gia cảnh như hiện nay, dù có được tăng lên trong thời gian tới nhưng vẫn bị nhiều người kêu là chưa tính đúng, tính đủ mọi chi phí sinh hoạt của người dân.

Mà mua nhà, dù có thu nhập thấp hay nhà ở xã hội, thì cũng phải trả góp. Mức giảm trừ gia cảnh những năm qua quá thấp trong khi lạm phát qua các năm cộng lại thì ngất ngưởng, lãi suất vay phải theo lạm phát, cứ thế tăng lên, còn giảm trừ gia cảnh thì neo một chỗ. Chỉ khổ cho đã lỡ mua nhà trả góp.

Có quá nhiều ví dụ và những con số nhức nhối về thu nhập và giá chỗ ở. Chẳng hạn người lao động có thu nhập trung bình 7,7 triệu đồng/tháng, dành tất cả để mua căn hộ 36m2 (chuẩn diện tích nhỏ nhất), giá 35 - 45 triệu đồng/m2 (tính ra 1,26 - 1,62 tỉ đồng) thì phải mất 14 - 17 năm.

Đấy là ước tính trong điều kiện bất biến: toàn bộ thu nhập dành để mua nhà, giá nhà không tăng vượt quá mức tăng của thu nhập, việc làm ổn định, không gặp biến cố lớn trong cuộc sống... Những con số này có thể nhức nhối nhưng rồi cũng quen vì đó là thực tế chậm thay đổi.

Thêm chương trình cho vay với người trẻ dưới 35 tuổi mua nhà. Đó là một cố gắng lớn của ngân hàng, của thị trường.

Nhưng vẫn cần sự can thiệp mạnh hơn từ Nhà nước để có sự song hành: người dân có tích lũy với túi tiền vừa vừa - để đủ điều kiện mua nhà vừa túi tiền.

'Túi tiền vừa vừa' và 'chỗ ở vừa túi tiền' - Ảnh 1.Thủ tướng sẽ chủ trì hội nghị về phát triển nhà ở xã hội trong tháng 1-2025

Bộ Xây dựng đang trình Thủ tướng việc tổ chức hội nghị thúc đẩy nhà ở xã hội và thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên