02/03/2021 09:50 GMT+7

Tuần tra thực hiện 'nhiệm vụ kép' nơi địa đầu Tổ quốc

M.PHƯỢNG - H.THANH - N.TRẦN
M.PHƯỢNG - H.THANH - N.TRẦN

TTO - Mùa xuân về, cao nguyên đá Đồng Văn nở hoa, những người lính đồn biên phòng Lũng Cú lại tiếp tục những bước chân tuần tra bảo vệ biên cương cột mốc, giữ vững chủ quyền biên giới.

Tuần tra thực hiện nhiệm vụ kép nơi địa đầu Tổ quốc - Ảnh 1.

Cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng Lũng Cú đi tuần tra giữa trời mưa mù, thời tiết khắc nghiệt - Ảnh: NAM TRẦN

Xuân về trên biên cương, niềm mong ước lớn nhất của các anh là người dân có cuộc sống yên bình, dịch bệnh được đẩy lùi. Ở độ cao hơn 1.400m so với mực nước biển, đồn biên phòng Lũng Cú (Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Giang) quanh năm bao phủ bởi sương mù. Buổi sáng khi cái lạnh còn thấm vào da thịt, cán bộ, chiến sĩ vai đeo súng lên đường tuần tra.

Sau khi triển khai nhiệm vụ, thượng úy Nguyễn Việt Đức, đội trưởng Đội vũ trang đồn biên phòng Lũng Cú, cùng anh em lên đường đi tuần tra khu vực mốc 419 trên tuyến biên giới Việt - Trung.

Trên đường tuần tra

Gọi là đường tuần tra nhưng chỉ là những lối mòn mà bao năm tháng qua những người lính quân hàm xanh vén cây, rẽ lối tạo thành. Nhiều đoạn trơn trượt, núi đồi hiểm trở, họ phải dìu, nâng đỡ nhau trên từng bước chân.

"Đi tuần mà trời mưa mù như thế này hạn chế tầm nhìn, đi lại rất khó khăn. Tôi nhắc nhở anh em mặc trang phục đủ ấm, đường trơn thì chú ý cẩn thận", thượng úy Đức chia sẻ. Những người lính quân hàm xanh bộc bạch đi tuần tra ban ngày còn đỡ chứ ban đêm rất khó, đường không có, nhiều điểm vẫn còn bom mìn sót lại, mùa mưa vắt bám đầy bìa rừng.

Đại úy Nguyễn Bình Minh, chính trị viên phó đồn biên phòng Lũng Cú, cho biết có những vị trí anh em đi tuần tra rất vất vả, khó khăn nhất là đoạn đường biên giới đến sông Nho Quế. "Nếu đi cắt từ mốc 428 đến sông Nho Quế vòng về đến thôn Ma Xí A, B của xã Ma Lé rơi vào gần 12km, anh em phải đi bộ hết, đi tuần mất cả ngày trời mới về đến đồn", đại úy Minh cho biết.

Hiện nay, đồn biên phòng Lũng Cú quản lý đoạn biên giới dài 26,343km gồm 26 cột mốc, trong đó có 18 mốc chính và 8 mốc phụ. Địa bàn rộng, phức tạp, thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt trong năm qua ngoài nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng Lũng Cú phải thực hiện nhiệm vụ kép là phòng chống dịch COVID-19, ngăn chặn người xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới. Thế nhưng những người lính của đồn Lũng Cú luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

"Trong năm 2020, đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được tặng thưởng danh hiệu đơn vị quyết thắng. Phát huy truyền thống đó, trong năm 2021 đơn vị tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc mệnh lệnh của biên phòng, tập trung vào nhiệm vụ quản lý bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc, xây dựng kế hoạch nghiệp vụ trong đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn khu vực biên giới" - thiếu tá Đỗ Đăng Nhiệm, đồn trưởng đồn biên phòng Lũng Cú, quyết tâm.

Bảo vệ biểu tượng tình đoàn kết 54 dân tộc

Những ngày đầu xuân, người dân đến với cột cờ Lũng Cú để cảm nhận rõ sự thiêng liêng về chủ quyền nơi địa đầu Tổ quốc. Trên đỉnh Rồng, lá cờ đỏ sao vàng rộng 54m2 là biểu tượng khát vọng hòa bình của 54 dân tộc anh em. Để lá cờ khẳng định chủ quyền biên cương phần phật tung bay, những người lính đồn biên phòng Lũng Cú không quản ngày đêm âm thầm bảo vệ, tuần tra canh gác.

Người đồn trưởng - thiếu tá Đỗ Đăng Nhiệm giọng đầy tự hào cho biết đồn biên phòng Lũng Cú có nhiệm vụ vinh quang là bảo vệ cột cờ quốc gia Lũng Cú. Đây là cột mốc thiêng liêng, khẳng định chủ quyền quốc gia dân tộc, cũng là nơi nhiều đoàn khách du lịch là con dân Việt Nam đến để đến tham quan, trải nghiệm nơi thiêng liêng của Tổ quốc.

"Ngay từ ngày mùng 1 tết, các đoàn đã ghé thăm cột cờ và động viên, giao lưu với cán bộ, chiến sĩ của đơn vị, đây là tình cảm, sự quan tâm đối với cán bộ chiến sĩ của đồn biên phòng Lũng Cú đang làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu Tổ quốc", thiếu tá Nhiệm nói.

Nơi cột cờ Lũng Cú quanh năm sương mù bao phủ, cộng thêm sức gió rất lớn, anh em cán bộ, chiến sĩ phải thường xuyên luân phiên trông coi và bảo vệ để lá cờ luôn tung bay trên đỉnh Rồng.

"Cờ theo định kỳ, nếu gió mưa thì 2-3 ngày phải thay một lần, liên tục có anh em cán bộ, chiến sĩ lên trông coi" - thiếu tá Nguyễn Vũ Quỳnh, trạm trưởng trạm Lũng Cú, đồn biên phòng Lũng Cú, chia sẻ.

Là trạm trực tiếp được giao nhiệm vụ bảo vệ cột cờ quốc gia Lũng Cú, thiếu tá Quỳnh cho biết anh em cán bộ chiến sĩ rất vinh dự, luôn khắc phục khó khăn, vất vả để đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực cột cờ và bảo vệ lá cờ biểu tượng đoàn kết của 54 dân tộc Việt Nam.

Xa nhà đã thành thói quen

Nhiều năm ăn tết xa nhà, xa gia đình, với người lính quân hàm xanh đã thành thói quen là "điều bình thường". Thượng úy Nguyễn Việt Đức cho biết 10 năm là bộ đội biên phòng chỉ có 2 cái tết anh ở nhà với gia đình.

Năm trước cưới vợ, hai vợ chồng có một bé 9 tháng tuổi nhưng anh mới chỉ gặp con được 2 lần. Ngày vợ sinh anh cũng không có mặt vì đang nhận nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19.

22 năm gắn bó với biên cương, với thiếu tá Vũ Đức Quỳnh những lần cả nhà đoàn tụ đã hiếm, đến dịp lễ tết lại càng khó sum vầy. Vợ lên vùng cao dạy học, chồng nhận nhiệm vụ biên cương, các con phải gửi gắm ông bà chăm sóc. "Mình cũng động viên bố mẹ già vì nhiệm vụ nên không thể về nhà thường xuyên, bố mẹ và các con cũng hiểu được công việc của bố", anh Quỳnh tâm sự.

Mùa xuân biên viễn của những người lính biên phòng Mùa xuân biên viễn của những người lính biên phòng

TTO - Tết đến, hoa đào nở rộ dọc biên cương phía Bắc. Gác lại nỗi niềm riêng, bộ đội biên phòng vẫn căng mình tuần tra kiểm soát khu vực đường mòn, lối mở ngăn người nhập cảnh trái phép, vừa bảo vệ an ninh chủ quyền, vừa phòng chống dịch COVID-19.

M.PHƯỢNG - H.THANH - N.TRẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên