Chung cư Ruby Garden, quận Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Chuyện "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản bị đề nghị truy tố về tội lừa dối khách hàng mới đây đã khiến người dân kỳ vọng tình trạng chủ đầu tư vi phạm cam kết với khách hàng sẽ được xử lý.
Muôn kiểu "treo" sổ hồng của khách
Tình trạng khách hàng bị chủ đầu tư "treo" sổ hồng hàng chục năm trời là chuyện khá phổ biến.
Điển hình như các dự án khu nhà ở ven sông phường Bình An (TP Thủ Đức, TP.HCM) do Công ty Tân Hồng Uy làm chủ đầu tư, chung cư Ruby Garden (P.15, Q.Tân Bình) và Ruby Land (Q.Tân Phú) do Công ty Tân Hoàng Thắng làm chủ đầu tư, đã được giao căn hộ và đất ở từ 10 - 20 năm nhưng hiện vẫn chưa có chủ quyền.
Hay như dự án nhà ở có diện tích hơn 9ha tại phường Linh Tây (TP Thủ Đức) do Công ty Tân Hải Minh làm chủ đầu tư. Người dân mua nhà đất và căn hộ đã gần 20 năm nhưng vẫn chưa được cấp sổ, do chủ đầu tư có nhiều vi phạm trong sử dụng đất.
Tương tự, dự án khu dân cư Phước Kiển (huyện Nhà Bè, diện tích hơn 20ha, do Công ty Tân An Huy làm chủ đầu tư) đã 17 năm qua nhưng người mua nền vẫn chưa được bàn giao do chủ đầu tư có các sai phạm về quản lý, sử dụng đất khi triển khai dự án. Một số dự án như Bảy Hiền Tower (Q.Tân Bình), khu dân cư Đại Thành (Q.Tân Phú), dự án Tân Bình Apartment (Q.Tân Bình)... cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Phải xử lý chủ đầu tư bội tín!
Theo luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP Hà Nội), tình trạng lừa dối khách hàng trong lĩnh vực bất động sản đã và đang xảy ra nhan nhản khắp nơi. Một số vi phạm thường thấy như xin phép một đằng xây dựng một nẻo, xin phép 20 tầng nhưng thực tế xây dựng 30 tầng, chào bán căn hộ 100m² nhưng diện tích thực tế 95m², hoặc đơn giản là quảng cáo view bờ hồ nhưng thực tế cách rất xa...
Hiện nhiều chủ đầu tư tung hàng trăm "chiêu trò" rút tiền khách hàng nhưng vẫn ung dung không bị xử lý, người dân bức xúc vì thiệt hại nhưng chỉ có thể căng băngrôn phản đối.
Luật sư Tú cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến việc sai phạm kéo dài là do cơ quan chức năng buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra dẫn đến tình trạng thị trường bất động sản bát nháo "trăm người bán, vạn người mua"; nhiều dự án chưa đủ điều kiện đã mở bán, đưa người dân vào ở. Và đặc biệt là tình trạng "đi đêm" giữa chủ đầu tư với một bộ phận cán bộ dẫn đến tình trạng hàng loạt công trình xây dựng vi phạm vẫn được hợp thức hóa.
"Một chuồng gà xây dựng trái phép có thể bị phát hiện ngay, nhưng một đại công trình xây dựng trái phép thì không. Phải chăng đây là hiện tượng con voi lọt qua lỗ kim? Vụ án của ông Lê Thanh Thản là bài học cảnh tỉnh cho các đại gia bất động sản phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng lợi ích của khách hàng" - luật sư Tú nói.
Tương tự, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng quy định chỉ cần có hành vi thu lợi bất chính từ 5 triệu đồng nếu gian dối trong hoạt động mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thì có thể bị xử lý hình sự về tội "lừa dối khách hàng" là quy định theo hướng mở, nên việc áp dụng để xử lý các hành vi phạm tội này là tương đối dễ dàng.
Thực tế hiện nay có nhiều công trình xây dựng đã bàn giao nhưng lâu năm vẫn chưa giao sổ cho khách hàng là rất phổ biến. Tuy nhiên, việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp này là rất hiếm.
"Từ vụ việc của ông Lê Thanh Thản, nếu quy kết hành vi xây dựng trái pháp luật dẫn đến khách hàng mua căn hộ không được cấp sổ đỏ và nhận định số tiền khách hàng đã thanh toán là tiền thu lợi bất chính của chủ đầu tư thì cũng phải xử lý tất cả những trường hợp khác có hành vi và gây hậu quả tương tự", luật sư Trạch nói.
Khách hàng cần kiểm tra điều kiện bán nhà
Dù pháp luật đã có quy định rõ ràng, nhưng trên thực tế nhiều người dân vẫn "dở khóc dở cười" vì mua phải những dự án rủi ro.
Luật sư Huỳnh Văn Nông (Đoàn luật sư TP.HCM) phân tích: Theo quy định Luật nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản hiện hành, để bán nhà ở hình thành trong tương lai với các dự án thì phải bảo đảm 2 điều kiện quan trọng. Đó là phải có văn bản của Sở Xây dựng cấp về việc nhà ở đủ điều kiện đưa vào kinh doanh (gọi nôm na là giấy phép bán nhà) và phải có chứng từ bảo lãnh của ngân hàng về nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư khi không bàn giao nhà ở đúng tiến độ.
Khi có giấy phép bán nhà nghĩa là dự án đó đã bảo đảm các điều kiện pháp lý để mua bán, giao dịch. Còn có bảo lãnh của ngân hàng thì khách hàng được ngân hàng đứng ra bảo đảm quyền lợi (giao nhà, làm giấy chủ quyền...) mà không sợ chủ đầu tư lừa dối, vi phạm cam kết.
Luật quy định chủ đầu tư có trách nhiệm phải bảo đảm các loại giấy tờ trên mới được phép bán nhà cho khách hàng, nếu thiếu sẽ bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt. Đồng thời khi bán nhà, chủ đầu tư phải cung cấp các loại giấy tờ trên cho khách hàng.
Về phía khách hàng, khi mua nhà cần yêu cầu chủ đầu tư cung cấp giấy phép bán nhà. Trong đó, kiểm tra rõ Sở Xây dựng cho phép chủ đầu tư được bán bao nhiêu căn nhà, gồm những căn nào... để chọn mua bảo đảm điều kiện pháp lý. Đồng thời, khách hàng yêu cầu chủ đầu tư cung cấp bảo lãnh của ngân hàng đối với dự án.
Nhiều kênh để người dân tra cứu thông tin
Công chứng viên Nguyễn Thành - trưởng Văn phòng công chứng Nguyễn Thành (Biên Hòa, Đồng Nai) - khuyên khách hàng cần tìm hiểu thông tin pháp lý dự án (cũng như nhà, đất nói chung) tại UBND quận huyện nơi dự án, nhà đất tọa lạc. UBND quận, huyện có nghĩa vụ cung cấp thông tin pháp lý dự án, nhà đất theo yêu cầu của người dân.
Theo một cán bộ Sở Xây dựng TP.HCM, đối với các dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai thì khách hàng cần tìm hiểu thông tin từ Sở Xây dựng. Thực hiện quy định Luật kinh doanh bất động sản, từ 2015 đến nay trang thông tin điện tử của Sở Xây dựng có công bố, cập nhật đầy đủ thông tin các dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Ngoài ra, người dân có thể cài đặt app SXD247 trên điện thoại thông minh để tra cứu các dự án nhà ở thương mại, tra cứu quy hoạch...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận