Xe
07/06/2024 17:00 GMT+7

Từ vụ ô tô bị tàu hỏa tông biến dạng: Dừng xe cách đường sắt bao xa thì không lo bị đâm?

Chỉ cần chú ý các quy tắc an toàn, những trường hợp như vụ ô tô đậu sát đường sắt bị tàu hỏa tông biến dạng sẽ không thể xảy ra.

Hình ảnh chiếc Hyundai Creta sau khi bị tàu hỏa đâm ngày 5-6 - Ảnh: Facebook

Hình ảnh chiếc Hyundai Creta sau khi bị tàu hỏa đâm ngày 5-6 - Ảnh: Facebook

Vụ xe Hyundai Creta đỗ sát đường ray và bị tàu hỏa tông đang gây xôn xao dư luận gần đây có thể khiến nhiều người kinh ngạc. Nhưng hẳn ít người biết rằng, chỉ tính riêng ở Mỹ, cứ khoảng 2-3 phút là có một người bị tàu đâm.

Người lái xe có nguy cơ tử vong khi va chạm với tàu hỏa cao gấp 20 lần so với khi va chạm với ô tô khác, theo Operation Lifesaver - tổ chức phi lợi nhuận nâng cao nhận thức về an toàn khi băng qua đường sắt. Rất may với vụ việc của chiếc Creta ở Việt Nam, tài xế chỉ dừng xe bên cạnh đường ray mà không ngồi trong đó.

Tuy nhiên, những sự cố như vậy hoàn toàn có thể tránh được.

Nhìn từ xa, đoàn tàu dường như đang di chuyển chậm hơn thực tế. Một số người cho rằng tàu có thể dừng lại để tránh va chạm. Trên thực tế, một đoàn tàu chạy với vận tốc 80km/h sẽ phải mất 2,4km mới dừng lại hoàn toàn, kể từ lúc bắt đầu phanh.

"Điều cơ bản nhất mà ai cũng cần hiểu là trong một vụ va chạm giữa tàu hỏa và xe con, xe con luôn là bên thua cuộc", Jon Paul, giám đốc cấp cao về an toàn giao thông và các vấn đề công cộng của AAA Northeast - chi nhánh thuộc công ty bảo hiểm nổi tiếng AAA - cho biết.

Chuyên gia này cũng đưa ra các lưu ý để chủ xe tránh bị tàu hỏa tông vào.

Tôn trọng các biển báo, tín hiệu, rào chắn

Theo Paul, bất kể có con tàu nào đi tới hay không, các tài xế phải luôn nghĩ như thể tàu đang đến gần. Tại các điểm giao nhau giữa đường dân sinh và đường sắt, thường sẽ có vạch dừng đánh dấu. Những vạch này đã được tính toán kỹ để đảm bảo hành lang an toàn.

Mô phỏng vụ va chạm giữa tàu hỏa và ô tô - Video: NCDOTcommunications/YouTube

Theo Operation Lifesaver, nhiều người cố nán qua vạch hay thản nhiên cho xe dừng ngay cạnh đường ray chỉ vì cho rằng chỉ cần không chạm đến đường ray là đủ để an toàn. Thực tế, mỗi bên tàu hỏa thường rộng hơn 1m so với đường ray.

Ở một số quốc gia, thanh chắn giữa đường dân sinh và đường sắt tự động đóng lại khi có tín hiệu báo tàu đến gần. Nếu rơi vào trường hợp đã trót đi vào đường ray mà thanh chắn tự động đã kéo ra thì sẽ phải làm như thế nào?

Paul cho hay, đơn giản là hãy đâm vào barrier và chạy xa. Trang web của Sở Giao thông vận tải bang Indiana của Mỹ cũng viết: mục đích của các barrier tại điểm giao cắt với đường sắt là "để cảnh báo người lái xe, không phải là một rào cản không thể xuyên thủng".

Tốt nhất là không lại gần

Vậy khoảng cách giữa các phương tiện giao thông đường bộ với đường sắt là bao nhiêu thì đảm bảo an toàn? Ở những nơi có vạch và thanh chắn, chỉ cần tuân thủ hàng rào này là được.

Còn ở những nơi không có, Operation Lifesaver cho biết khoảng cách cần đảm bảo là 4,5 - 15m, xa hơn mức này thường sẽ gây cản trở cho các phương tiện khác trên đường dân sinh.

Dừng xe quá gần tàu hỏa rất dễ bị va chạm - Ảnh: Queensland Police News

Dừng xe quá gần tàu hỏa rất dễ bị va chạm - Ảnh: Queensland Police News

Quy tắc này cũng cần được áp dụng ngay cả khi có một đoàn tàu vừa đi qua xong. Điều đó nghĩa là, chỉ băng qua đường sắt khi đảm bảo được rằng bản thân có thể cách đường sắt ít nhất 4,5m sau khi đi qua. Nói một cách đơn giản, không có sự cản trở nào từ phía bên kia và xe có thể đi một cách thông thuận.

Tàu sẽ (gần như) không dừng

Nếu ô tô hay xe máy bị mắc kẹt trên đường ray, cách tốt nhất là bỏ xe đấy mà chạy đi, theo Paul.

Nhân viên trên tàu có thể giảm tốc độ đoàn tàu, nhưng ngay cả khi phanh gấp, phải mất ít nhất 1,6km tàu mới có thể dừng hoàn toàn. Theo Libby Rector Snipe, giám đốc truyền thông của Operation Lifesaver, khoảng cách dừng của một đoàn tàu chở hàng tương đương 18 sân bóng đá.

Tàu hỏa rất khó dừng lại - Ảnh: Carscoops

Tàu hỏa rất khó dừng lại - Ảnh: Carscoops

Paul nói rằng các tài xế đừng xem phim hành động và thấy tàu có thể dừng lại mà đánh cuộc với số phận. Thông thường, các nhân viên trên tàu rất khó quan sát có vật cản trở từ khoảng cách 1km. Do đó, đến lúc họ nhận ra và phanh gấp thì chiếc xe bị mắc kẹt cũng đã tan tành.

Nhưng chạy cũng phải biết cách chạy

Với những người trong hoàn cảnh xe mắc kẹt, quyết định mở cửa ra và chạy trong tình huống tàu đến, chỉ đơn giản chạy thục mạng cũng có thể là sai lầm.

Theo Libby Rector Snipe, "nếu chạy cùng hướng với tàu đang chạy, khi tàu đâm vào ô tô, bạn có thể bị thương do các mảnh vụn văng ra".

Ngay cả xe tải, xe container lớn cũng không là gì trước tàu hỏa - Ảnh: Carscoops

Ngay cả xe tải, xe container lớn cũng không là gì trước tàu hỏa - Ảnh: Carscoops

Do đó, cách chạy đúng là chạy theo hướng đoàn tàu đang lao tới ở một góc 45 độ so với đường ray.

Paul cho biết lực tác động của tàu có thể khiến đẩy ô tô đi hàng chục, thậm chí hàng trăm mét. Nhưng đó là còn chưa tính đến các mảnh vụn văng ra từ vụ va chạm. Nếu đã xem bất cứ video nào quay lại cảnh tàu hỏa va chạm ô tô đều có thể thấy có những mảnh bay đi rất xa.

"Do đó, chúng tôi khuyến cáo hãy chạy càng xa càng tốt", Libby Rector Snipe cho hay.

Đỗ cạnh đường ray, Hyundai Creta bị tàu hỏa đâm có được bảo hiểm bồi thường không?Đỗ cạnh đường ray, Hyundai Creta bị tàu hỏa đâm có được bảo hiểm bồi thường không?

Giám đốc một công ty chuyên tư vấn luật khẳng định chủ xe Hyundai Creta bị tàu đâm vẫn sẽ được bồi thường thiệt hại nếu mua bảo hiểm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên