30/08/2019 11:20 GMT+7

Tử tế với Sa Cần - Kỳ 2: Người hùng thầm lặng

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Cửa biển Sa Cần có lẽ sẽ còn chịu đựng lượng rác thải nhựa lớn hơn rất nhiều nếu không có vợ chồng ông Lê Văn Sơn (54 tuổi, thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn) tự nguyện đi thu gom rác trong khu dân cư đem đến điểm tập kết rác.

Tử tế với Sa Cần - Kỳ 2: Người hùng thầm lặng - Ảnh 1.

Ông Sơn và bà Bảy - hai người hùng thầm lặng của thôn Hải Ninh - Ảnh: TRẦN MAI

Mong sao có nhà hảo tâm nào đó hỗ trợ để chú Sơn có chiếc xe đi thu gom rác. Việc này rất có ý nghĩa đối với những người làm sạch môi trường như vợ chồng chú Sơn.

Trưởng thôn DƯƠNG DUY DIN

Người tự nguyện

Chiều tà, ánh nắng tạo thành vệt dài ở những con đường ngoằn ngoèo nơi xóm biển, ông Sơn cùng vợ là bà Nguyễn Thị Bảy (47 tuổi) đang thu gom rác thải. Ông Sơn bị tật ở chân vẫn phải kéo xe rác nặng hơn 200kg, còn bà Bảy đẩy chiếc xe rùa kẹt cứng rác đi bên cạnh.

Chiếc xe rùa còn kiêm luôn nhiệm vụ đi vào những con đường nhỏ thu rác mang ra xe kéo. Trên đường chuyển rác, đoạn nào dốc bà Bảy bỏ xe rùa đẩy phụ chồng. Hai vợ chồng ông Sơn đi thu gom rác hoàn toàn tự nguyện.

Nhớ lại việc tự nguyện thu gom rác, ông Sơn kể: Chừng hai năm trước, trong buổi tuyên truyền của chính quyền địa phương có kêu gọi người dân không vứt rác bừa bãi ra biển và bỏ rác đúng nơi quy định.

Giữa tuyên truyền và thực tế có khoảng cách rất xa, vì chẳng mấy người có ý thức mang rác đi bỏ đúng nơi quy định.

Thói bạ đâu vứt đó của người miền biển hai năm trước còn nặng nề, ông Sơn đứng ra nhận trọng trách đi thu gom rác với lý do đơn giản: "Tôi bị tật, vợ cũng ốm yếu không làm được việc gì có ích, giờ đi thu gom rác thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn".

Suy nghĩ mộc mạc ấy biến đôi vợ chồng này thành "người tuyên truyền" chống rác thải nhựa đặc biệt ở Hải Ninh.

Người dân từ chỗ bỏ rác lung tung dần biết gom vào một bao để đúng nơi quy định cho ông Sơn dễ lấy, một số ít vẫn giữ thói quen cũ vứt rác ra biển khiến ông Sơn cố rỉ rả với họ: "Làm ơn bỏ vào một bao để trước nhà, tôi mang đi đổ cho".

2 triệu đồng/tháng không đáng là bao, nhưng những tuyến đường trở nên sạch sẽ từ đôi tay của mình là động lực khiến vợ chồng ông Sơn gắn bó với nghề mà trong thôn không ai chịu làm. Nhưng rác mỗi ngày một nhiều hơn, trong khi sức khỏe ông Sơn lại đi xuống, chiếc xe kéo đã quá sức với ông.

Ông tâm sự: "Hai vợ chồng chia thôn thành bốn khu, mỗi ngày đi hai khu. Ngày nào cũng đi từ sáng sớm đến tận chiều tối mà vẫn dọn không xong. Nhưng phải cố lấy cho xong rác, vì tôi sợ người làng thấy tôi không đến lại mang bỏ lung tung. Cái nghề này vui nhất là làm sạch cho đời, nhờ đó mà gắn bó được chứ rất cực".

Ước mong lớn nhất của ông Sơn là có một chiếc xe điện chở rác, lúc đó sẽ đỡ mất sức hơn và thu gom được nhiều rác hơn.

Anh Dương Duy Din - trưởng thôn Hải Ninh - cho biết: "Tôi nhiều lần nghe vợ chồng chú Sơn tâm sự. Ở quê bà con cũng còn chật vật, mong sao có nhà hảo tâm nào đó hỗ trợ để chú Sơn có chiếc xe đi thu gom rác. Việc này rất có ý nghĩa đối với những người làm sạch môi trường như vợ chồng chú Sơn".

Tử tế với Sa Cần - Kỳ 2: Người hùng thầm lặng - Ảnh 3.

Các tình nguyện viên vui vẻ sau khi dọn sạch rác thải ở cửa biển Sa Cần - Ảnh: DUY SINH

Cần 400 sự tử tế

Việc tử tế mà vợ chồng ông Sơn làm đã trở thành câu chuyện kể của nhiều người. Với ông Sơn và những người dân Hải Ninh, tuyên chiến với rác thải nhựa vẫn cần nhiều hơn những sự tử tế của con người với biển. Khởi đầu là 400 hộ dân sống ven cửa biển Sa Cần.

Con số 400 trở thành mấu chốt của các lời kêu gọi như: "400 giờ dọn rác, 400 thùng chứa rác, 400 cây xanh, 400 giỏ nhựa đi chợ...". Có lẽ sự tử tế với đại dương đang lan tỏa ra cộng đồng.

Không còn sự ích kỷ chăm chút cho sân vườn nhà mình sạch, người dân đã biết cúi xuống nhặt túi nilông ai đó vứt để mang đi bỏ đúng nơi quy định. Bác ngư dân thấy chai nhựa trôi ngoài biển đã vớt lên thuyền thúng mang vào bờ, người nuôi cá lồng bè đã thu gom bao cám chuyển vào bờ thay vì vứt thẳng xuống biển...

Nhưng số lượng người ý thức vẫn còn khiêm tốn, vì để thay đổi một nếp sống chưa bao giờ là điều dễ dàng. Những người tiên phong hiểu rõ điều đó, họ chấp nhận đối diện với khó khăn.

Trưởng thôn Hải Ninh đời 8X Dương Duy Din hiểu rõ điều đó hơn ai hết. Thế nên, mỗi buổi sáng anh lại kéo chiếc loa đến chợ phát những lời kêu gọi nói không với rác thải nhựa.

"Tôi thấy người cầm trịch trong nhà là những người mẹ, người vợ, họ là người trực tiếp tiếp xúc với rác xả ra mỗi ngày. Tôi muốn mỗi lần đi chợ họ sẽ nghe tôi. Mưa dầm thấm lâu, chính các chị sẽ phải hành động trước" - anh Din nói.

Sau gần một tháng bỏ công sức tuyên truyền, anh Din đã cảm nhận được sự đổi thay. Chỉ cần nhìn nơi tập kết rác thùng nào cũng đầy thì ổn. Có những túi rác thải nhựa và rác thông thường để riêng biệt, hay một vài nhà dân bắt đầu thiết kế nơi để rác, rác nào có thể sử dụng làm phân bón được người dân giữ lại mà không vứt đi.

Những thay đổi này đủ khiến anh Din có động lực để tiếp tục câu chuyện "tử tế với Sa Cần" của mình.

Lắp camera theo dõi

Nằm trong hoạt động dự án "Tử tế với Sa Cần", các nhà hảo tâm đã hỗ trợ và thôn Hải Ninh lắp đặt 6 camera giám sát hành vi xả rác ở các khu vực trọng điểm.

"Các khu vực này trước kia là nơi tập kết rác thải của người dân, họ đem rác đến đổ không đúng nơi quy định. Nhằm chấm dứt đổ rác không đúng nơi quy định, các khu vực này được lắp camera giám sát để nhắc nhở trực tiếp người dân" - thôn trưởng Din cho biết.

Camera giúp ghi hình người dân xả rác bừa bãi. Lần đầu chỉ nhắc, nhưng lần sau sẽ họp dân để yêu cầu những người xả rác phải tham gia dọn rác công ích ở bãi biển, trong trường hợp tái phạm sẽ báo cáo UBND xã Bình Thạnh xử phạt vi phạm hành chính.

Thôn Hải Ninh lập một tổ giám sát gồm 10 người với đủ các thành viên của chi hội phụ nữ, trưởng thôn, chi đoàn thôn, công an viên... để làm công tác giám sát xử lý ban đầu.

___________________________

Kỳ tới: Mỗi người góp một tay

Tử tế với Sa Cần - Kỳ 1: Câu chuyện của Thương Tử tế với Sa Cần - Kỳ 1: Câu chuyện của Thương

TTO - Tại cảng biển Sa Cần (Quảng Ngãi), có một câu chuyện tử tế được viết lên từ công việc chống rác thải nhựa.


TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên