23/08/2021 09:23 GMT+7

Tử tế với chính mình và với cộng đồng

BÌNH MINH
BÌNH MINH

TTO - Từ khi dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020 đến nay, những người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam đã nỗ lực để vượt qua thử thách trong cuộc sống, đồng thời thực hiện nhiều dự án hỗ trợ ngược lại cho cộng đồng người Việt Nam.

Tử tế với chính mình và với cộng đồng - Ảnh 1.

Shireen Nathaniel (bìa phải) bên bạn bè - Ảnh: NVCC

"Tôi nghĩ tôi đặc biệt may mắn khi ở Việt Nam từ năm 2020 đến nay, bởi nhờ vậy mà phần lớn cuộc sống của tôi vẫn bình thường. Tôi có thể ổn định cuộc sống, kết bạn và khám phá TP.HCM trong thời gian đầu, sau đó còn được đi du lịch đến vài nơi trong nước", chị Nilisha Bhimani, doanh nhân người Ấn Độ hiện đang sinh sống cùng chồng tại quận 2, chia sẻ.

Tôi mong rằng khi mọi việc đã qua đi, mỗi chúng ta đều nhìn lại và biết cách quý trọng những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống.

LINDA BECK

Tôi biết ơn tất cả các mạng lưới và cộng đồng đã giúp tôi cảm thấy không cô đơn.

NILISHA BHIMANI

May mắn khi ở Việt Nam

Hiện nay, những kế hoạch công việc của chị Nilisha đều bị đình trệ do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, trong khi tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, nữ doanh nhân này nói chị vẫn nhìn vào mặt tích cực của mọi việc. Nilisha sống tại chung cư, nhờ vậy không gặp quá nhiều khó khăn trong việc mua được nhu yếu phẩm.

"Đúng là mọi thứ giờ đây không còn dễ dàng để mua như lúc trước, nhất là rau củ và bánh mì nhưng cũng may những người Việt Nam mà chúng tôi quen ở chung cư lẫn siêu thị gần nhà đều rất dễ thương. Mỗi khi gặp bất đồng ngôn ngữ, tôi đành "mượn tạm" chức năng dịch thuật của Google, nhờ vậy cũng tự lo liệu được việc mua sắm", chị cho biết.

Trong khi đó, chị Shireen Nathaniel, giáo viên người Anh đang dạy tại một trường tiểu học ở TP.HCM, gặp khá nhiều khó khăn trong giao tiếp. Sống trong khu vực bị phong tỏa, Shireen nói chị không biết khi nào sẽ dỡ phong tỏa vì không thể cập nhật được thông tin bằng tiếng Anh, trong khi giao tiếp với cộng đồng xung quanh khá hạn chế.

"Tuy nhận được sự hỗ trợ từ một số người dân trong khu vực nhưng nhìn chung, việc thiếu thông tin về các chỉ thị, quy định về thị thực khiến nhiều người nước ngoài hoang mang và lo lắng", Shireen chia sẻ.

Sống tại Việt Nam được hai năm rưỡi, trong đợt giãn cách đầu tiên vào năm 2020, nữ giáo viên người Anh không thể làm việc và rơi vào trạng thái lo lắng, căng thẳng cả về tình hình tài chính lẫn dịch bệnh. Lần này, Shireen cho biết chị may mắn hơn vì vẫn còn làm việc từ xa được. Tuy vậy, trong thời điểm không có gì là chắc chắn, sự căng thẳng và cảm giác bị cô lập do phong tỏa đôi lần vẫn khiến Shireen mệt mỏi.

"Tôi nghĩ điều may mắn nhất là tôi ở Việt Nam trong thời gian này. Nhờ vậy, cuộc sống của tôi phần nào đó vẫn diễn ra bình thường", chị trải lòng.

Với Linda Beck, cô đến Việt Nam vào năm 2014. Ban đầu, cô gái người Phần Lan này chỉ định ở lại vài tháng, rồi dần dà dành nhiều tình cảm hơn cho mảnh đất và con người ở nơi đây.

Từ khi dịch bệnh ập đến vào năm 2020 đến nay, mô hình kinh doanh của Linda may mắn trở thành điểm sáng trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp rơi vào khó khăn. Cô tạo ra ứng dụng cho phép người dùng thể hiện tài năng của bản thân như hát, nhảy, đọc rap... và thi tài với những người chơi khác qua điện thoại. Hiện nay, tình hình giãn cách khiến những ứng dụng dạng này trở nên phổ biến hơn để người dùng xả stress và giết thời gian, kết nối lẫn nhau.

"Tôi cảm thấy mình may mắn vì ứng dụng của tôi chỉ yêu cầu người chơi có điện thoại để tham gia mà không cần bất cứ hình thức gặp mặt trực tiếp nào. Hiện nay, số người tải ứng dụng tăng rất nhanh. Tôi nghĩ rằng đó là vì họ có nhiều thời gian hơn để tìm hiểu các ứng dụng, đặc biệt là với mục đích giảm căng thẳng", cô chia sẻ.

Kết nối và chia sẻ

Cả Linda, Nilisha và Shireen đều tham gia những cộng đồng dành riêng cho người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM. Ở đây, họ tìm thấy những thông tin cần thiết và sự sẻ chia giúp vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn.

Nilisha là thành viên của nhóm Girl Gone International (GGI) và International Ladies in Vietnam (ILV) dành cho nữ giới. Họ tổ chức những sự kiện trực tuyến nhằm đảm bảo các thành viên không bị cô lập hoặc mất cân bằng do dịch bệnh ảnh hưởng. GGI thực hiện những buổi gặp mặt hằng tuần trên Zoom để các thành viên gặp gỡ, chia sẻ cảm xúc. Trong khi đó, ILV thực hiện những buổi cà phê sáng trực tuyến hằng tuần, nơi thành viên trò chuyện cùng nhau để tiếp thêm năng lượng tích cực.

Linda cũng là thành viên của GGI. Tương tự Nilisha, cô cũng tìm được cho mình những người bạn trong cộng đồng này để chia sẻ những cảm xúc trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh ảnh hưởng.

"Mọi người đều đau khổ vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời, bất kể họ là ai, họ đã trải qua những gì hay đến từ đâu. Chúng ta không thể so sánh nỗi đau hay những khó khăn bởi mỗi người có những trải nghiệm và cách xử lý khác nhau. Tất cả chúng ta đều là duy nhất và cảm xúc của chúng ta cũng vậy", cô nói.

"Nếu không có bạn bè trong cộng đồng, mọi thứ trong cuộc sống của tôi sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Tôi nhận được những hỗ trợ và tìm được nhiều mối quan hệ từ những người tôi chưa từng gặp ngoài đời", Linda trải lòng.

Theo Shireen Nathaniel, ngoài GGI, có nhiều cộng đồng khác mà người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM có thể tham gia như Viral Kindness Saigon - nơi chia sẻ những câu chuyện tích cực, Help Saigon's Homeless - cộng đồng quyên góp và trao tặng thực phẩm cho người vô gia cư.

"Nếu cảm thấy buồn chán, bạn cũng có thể đăng ký nhận nuôi các bé thú cưng từ những cộng đồng cứu trợ động vật như I-PAW Saigon hay ARC", cô nói. Vừa qua, Shireen cùng các thành viên của GGI tổ chức phát quà cho người có hoàn cảnh khó khăn tại TP.HCM.

Để vượt qua cảm giác căng thẳng do giãn cách xã hội gây ra, Shireen luôn khiến bản thân bận rộn với công việc và các dự án. Bên cạnh đó, cô cũng học cách tử tế và yêu thương chính bản thân mình, nhất là trong những ngày cô cảm thấy căng thẳng hay nản lòng.

"Giãn cách xã hội khiến bạn trở nên cô độc, vậy nên tôi nghĩ giữ được các kết nối là điều rất quan trọng. Hãy liên lạc với những người bạn yêu thương. Tử tế chính mình và với mọi người. Mọi thứ có thể khó khăn lúc này, nhưng tôi thấy mình may mắn khi ở Việt Nam. Tôi không muốn ở nơi nào khác!", Shireen bộc bạch.

Sống với năng lượng tích cực

"Tôi thực sự tin rằng luôn có rất nhiều điều để chúng ta biết ơn dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Có rất nhiều người trên khắp thế giới đang phải vật lộn để kiếm sống. Tôi và chồng cảm thấy may mắn vì có thể sống cuộc sống bình thường trong phần lớn thời gian", chị Nilisha chia sẻ. Trải qua mỗi ngày, chị đều ghi nhớ những điều tích cực trong hành trình, học cách biết ơn hoàn cảnh thay vì tập trung vào những tiêu cực.

Trong khi đó, Linda Beck nhấn mạnh cô luôn nghĩ về tất cả những điều tốt đẹp vẫn đang xảy ra bất chấp dịch bệnh.

Anh Trần, thành viên trong nhóm sáng lập cộng đồng GGI tại TP.HCM, cho biết trong thời gian giãn cách xã hội, cộng đồng này tổ chức nhiều hoạt động trực tuyến tập trung vào sức khỏe tinh thần và sự an lạc của các thành viên. Trên thế giới, GGI được thành lập từ năm 2010, hiện nay có hơn 500.000 thành viên tại 200 cộng đồng ở nhiều quốc gia.

"Chúng tôi cố gắng đảm bảo những người phụ nữ sống xa gia đình có thể vượt qua giãn cách mà không cảm thấy bị cô lập hoặc cô đơn trong đại dịch. Chúng tôi cũng mong đóng góp cho cộng đồng tại TP.HCM và những người dân đang gặp khó khăn, bởi chúng tôi quan tâm đến thành phố và xem nơi đây như ngôi nhà thứ hai của mình", cô nói.

Hơn 210.000 người nước ngoài sống tại TP.HCM mong muốn được tiêm vắc xin Hơn 210.000 người nước ngoài sống tại TP.HCM mong muốn được tiêm vắc xin

TTO - Ngày 6-8, Sở Ngoại vụ đã có văn bản gửi UBND TP.HCM về việc tiêm vắc xin cho người nước ngoài trên địa bàn TP. Theo đó, có hơn 210.000 người có nguyện vọng được tiêm vắc xin.

BÌNH MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên