17/10/2017 10:05 GMT+7

Từ tấm áo thầy vá cho em...

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TTO - Hôm qua, khi mở trang báo Tuổi Trẻ, đọc câu chuyện "Thầy vá quần áo cho trò", người bạn của tôi bên ly cà phê đầu ngày chợt thảng thốt:

"Xúc động quá anh ạ, sao bây giờ những chuyện có vẻ bình thường như thế này lại khiến mình rung động lạ lắm".

Không xúc động sao được khi câu chuyện vá may vốn dường như gắn với phụ nữ, chuyện khâu áo vá quần gợi lên hình ảnh mẹ - con, còn câu chuyện trên báo Tuổi Trẻ hôm qua là câu chuyện ấm áp yêu thương của người thầy giáo cắm bản giữa heo hút rừng sâu miền tây Nghệ An với đứa học trò khó nghèo.

Thầy Lô Văn Thanh, giáo viên điểm trường Huồi Máy (miền tây Nghệ An), thấy học sinh mình, cậu bé Mông Văn Châu - người dân tộc Khơ Mú, quần áo rách quá, bảo cởi ra cho thầy vá lại. Nhìn gương mặt háo hức của cậu bé đứng nhìn thầy đang vá quần, trên tay của em là chiếc áo rách đang chờ được thầy khâu nốt bỗng dưng có một điều gì đó lớn lao hơn cả niềm xúc động.

Đó là lòng nhân hậu của người thầy, là nỗi khát khao niềm nhân hậu của xã hội hôm nay, là bức tranh khó nghèo của bà con miền núi, là giấc mơ cơm no áo lành của trẻ con rẻo cao... 

Tất cả những điều ấy xoáy vào người xem, vừa như nỗi niềm, vừa như những câu hỏi. Tấm ảnh tình cờ của thầy giáo Lô Văn Tương chụp đồng nghiệp mình chắc bằng một chiếc smartphone đời cũ, "out" nét, nhưng dù tấm ảnh bị nhòe nét thì thông điệp của nó gợi lên lại vô cùng rõ ràng.

"Có gì to tát đâu", đấy là câu trả lời của thầy giáo Thanh khi phóng viên Tuổi Trẻ hỏi thầy về câu chuyện trong bức ảnh. Nhưng cuộc sống đang rất khát những câu chuyện "có gì to tát đâu" như thế.

Không chỉ ở miền tây tỉnh Nghệ An. Chúng tôi đã từng đặt chân đến những điểm trường gian khó nhất của Tây Bắc.

Thầy vá quần áo cho trò Thầy vá quần áo cho trò

TTO - Thương cậu học trò nghèo mặc bộ quần áo đã sờn vải, rách nhiều chỗ, thầy giáo cắm bản ở điểm trường Huồi Máy, Trường tiểu học Cắm Muộn 2, huyện Quế Phong (Nghệ An) mang kim chỉ vá lại cho trò.

Giữa heo hút rừng sâu Tây Bắc ấy, học sinh vẫn còn học trong những ngôi trường tạm bợ. Cái gọi là "nhà công vụ" của thầy cô là lán trại sơ sài. Đường đến trường vẫn là đèo dốc mà để đến trường chỉ có cách cuốc bộ hàng chục cây số. Ước mơ về một nhịp cầu để con em đi qua con suối ngày mưa lũ vẫn chỉ là ước mơ từ mãi rất lâu rồi!

Giữa rừng già Tây Bắc, chúng tôi đã gặp những lớp học mầm non, những đứa trẻ bi bô hát: "Khi ở nhà mẹ cũng là cô giáo. Khi đến trường cô giáo như mẹ hiền", nhưng người bắt nhịp cho các bé hát lại là một thầy giáo... mầm non. 

Thầy dạy mầm non chứ không phải cô vì ở đó điều kiện tự nhiên không đảm bảo cho phụ nữ sinh hoạt bình thường, núi cao quanh năm thiếu nước, đường sá nguy hiểm. 

Ở miền tây Thanh Hóa, có ngôi trường mấy chục năm nay chưa hề có giáo viên nữ bởi không một nữ giáo viên nào đủ sức khỏe và lòng dũng cảm để băng qua những vực sâu đèo cao đến điểm dạy, và vì thế, trong bài tập làm văn tả người của các em học sinh nơi đây chưa bao giờ có đề bài "Hãy tả cô giáo của em".

"Có gì to tát đâu". Bởi thầy giáo Thanh đã làm điều đó như là cha mẹ chăm lo cho con.

Giữa thâm u heo hút núi rừng, niềm yêu thương bảo bọc học trò là chuyện "đương nhiên", vì thế nó không to tát, khi so với sự hi sinh của những đời thầy cắm bản, chuyện ấy lại càng bé nhỏ. 

Nhưng giữa vần xoay chóng mặt của đời sống hôm nay, câu chuyện "có gì to tát đâu" lại lấp lánh vẻ đẹp của tin yêu và hi sinh, bao dung và nhân hậu - những điều dường như cuộc sống hôm nay mỗi chúng ta đang "khát"!

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên