19/05/2020 09:45 GMT+7

Tư liệu Hoàng Sa - hành trình trái tim -Kỳ 4: Những 'tư liệu sống' cuối cùng

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Những ngày giữa tháng 1 hằng năm có một sự kiện xúc động được tổ chức ở hai tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng: thăm hỏi nhân chứng Hoàng Sa!

Tư liệu Hoàng Sa - hành trình trái tim -Kỳ 4: Những tư liệu sống cuối cùng - Ảnh 1.

Không gian trang trọng để vinh danh những chứng nhân lịch sử Hoàng Sa - Ảnh: B.D.

Những người lính Việt từng trấn thủ Hoàng Sa như chúng tôi có thể kể chính xác từng gốc cây, từng viên đá, từng nấm mộ người Việt trên đảo. Đó cũng chính là những chứng cứ xác thực chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam.

Cựu binh Nguyễn Văn Đức (đảo trưởng Hoàng Sa, phiên thứ 38-1969)

Mỗi năm nhân chứng lại ít dần

Một buổi sáng đầu tháng 1, sau nhiều chuyến rảo quanh trung tâm TP Đà Nẵng để thăm hỏi một số nhân chứng, nhóm cán bộ trẻ của Nhà trưng bày Hoàng Sa rẽ vào một con hẻm nhỏ trên đường Hoàng Diệu, tìm nhà cụ Võ Như Dân, 84 tuổi - cựu cán bộ khí tượng Hoàng Sa.

Trong tập Kỷ yếu Hoàng Sa được in bản mới nhất vào năm 2017, thông tin của cụ Dân được ghi trang trọng: "Cụ Dân sinh năm 1937, từng là nhân viên Trạm quan trắc Hoàng Sa thuộc Đài khí tượng Sài Gòn. Cụ Dân có 10 năm gắn bó với Hoàng Sa, năm 1956 cụ nhận lệnh ra đảo công tác. Trạm quan trắc có năm nhân viên, bao gồm ba quan trắc viên, một vô tuyến điện và một phục vụ. Có những năm cụ Dân ra Hoàng Sa tới hai lần, tới năm 1969 do bị bệnh nên cụ xin nghỉ việc".

Người cán bộ khí tượng năm nào từng cưỡi sóng đạp gió đôi ba lần mỗi năm để ra "bắt mạch" thời tiết ở Hoàng Sa nay nằm trên chiếc ghế xếp những ngày cuối đời. Buổi sáng hôm anh em Nhà trưng bày Hoàng Sa tới thăm, cụ vừa trải qua quá trình điều trị dài ngày vì tai biến.

Những người con của cụ Dân cho biết nhiều năm kể từ khi huyện Hoàng Sa tổ chức liên lạc, gặp mặt những người từng làm việc, bảo vệ Hoàng Sa thì cụ Dân sống phấn chấn và vui vẻ hẳn. Đặc biệt cứ tới gần dịp 19-1 là cụ lại ngóng lịch, hỏi con cái rằng có thấy bên huyện Hoàng Sa gọi điện báo sẽ tới thăm hay không. 

Trong số các cán bộ, cụ rất mến thân ông Lê Phú Nguyện hiện là chánh Văn phòng UBND huyện Hoàng Sa. Dịp 19-1-2019 khi đoàn tổ chức tới thăm, cụ Dân đưa mắt đảo một vòng nhìn những người trẻ đang ngồi vây quanh mình rồi rướn lên hỏi con trai: "Sao không thấy Nguyện tới?".

Ông Lê Phú Nguyện tâm sự rằng ông cũng rất quý mến các nhân chứng Hoàng Sa và mỗi lần tới thăm các cụ, dường như những câu chuyện về Hoàng Sa được kể không có hồi kết. 

"Tôi nghĩ rằng cần phải đẩy nhanh hơn nữa, tranh thủ nhiều hơn nữa để ghi chép lại những tư liệu mà các cụ đang nhớ được. Bởi mỗi năm cơ hội chúng ta được gặp họ lại mỗi ít. Còn cá nhân tôi khi quá bận không thể tới thì trong lòng cũng rất nhớ nên tôi tranh thủ được lúc nào rỗi là lại chạy tới" - ông Nguyện nói.

Tư liệu Hoàng Sa - hành trình trái tim -Kỳ 4: Những tư liệu sống cuối cùng - Ảnh 3.

Cựu binh Lê Lan - chứng nhân bảo vệ Hoàng Sa - Ảnh: B.D.

Những người kể chuyện Hoàng Sa

Ông Lê Tiến Công, phó giám đốc Nhà trưng bày Hoàng Sa, cho biết sự kiện Trung Quốc đổ quân cưỡng đoạt Hoàng Sa vào ngày 19-1-1974 là dấu mốc lịch sử bi tráng không được phép lãng quên. 

Ngoài việc đi tìm chứng cứ pháp lý lịch sử, những nhân chứng Hoàng Sa chính là "tư liệu sống" và làm chứng đặc biệt cho quá trình bảo vệ chủ quyền trước khi Hoàng Sa bị chiếm đóng bất hợp pháp. 

"Các nhân chứng Hoàng Sa đều được lập danh sách để liên lạc, thăm hỏi, gặp mặt vào các dịp quan trọng. Chúng tôi cố gắng dành toàn bộ thời gian có thể để ghi hình, lưu lại câu chuyện về họ và cho số hóa toàn bộ dữ liệu này" - ông Công nói.

Chúng tôi tìm tới gặp cựu binh Lê Lan, 68 tuổi, người đã trực tiếp cầm súng trên lô cốt ở Hoàng Sa và chứng kiến lính Trung Quốc dùng xuồng nhỏ từ tàu chiến ồ ạt đổ bộ lên chiếm Hoàng Sa ngày 19-1-1974. Ông Lan (hiện sống ở Hội An) có lẽ là nhân chứng Hoàng Sa minh mẫn và còn mạnh khỏe nhất trong số 13 người còn sống (đã xác định được thông tin).

Ông Lan kể rằng năm 1971 mình nhận lệnh lên đường ra Hoàng Sa. Tới năm 1973, ông đã có ít nhất trên dưới chục lần vào ra đảo và đất liền. Mọi việc bắt đầu xấu đi nhanh chóng từ sau năm 1973. 

"Hoàng Sa nóng theo tình hình chiến sự của miền Nam và trên bàn đàm phán. Từ đầu năm 1973, tàu cá giả dạng của Trung Quốc liên tục áp gần đảo, tìm cách quẫy nhiễu. Lúc đó tôi cùng anh em trung đội bảo vệ Hoàng Sa bắt đầu cảnh giác hơn, việc tuần tra gần như liên tục để không cho tàu Trung Quốc tiến sát đảo" - ông Lan kể trước máy quay của Nhà trưng bày Hoàng Sa.

Cựu binh này ngấn nước mắt khi chứng kiến khoảnh khắc lính Trung Quốc tràn lên đảo: "Sau hải chiến vòng ngoài, tàu chiến Trung Quốc tiến sát đảo rồi thả neo. Xuồng nhỏ chở lính tràn vào tứ bề, pháo giội liên tục vào đảo, đạn nổ rát mặt..." - cựu binh Hoàng Sa nói trong nỗi uất nghẹn.

Ông Lan còn kể một chi tiết mà ông cùng anh em cho tới giờ vẫn còn nhớ mãi. Đó là trước khi Trung Quốc xâm chiếm, lính đảo có làm được một con heo quay thì lính Trung Quốc tràn lên. Họ cướp luôn con heo quay ngồi ăn trước mặt mọi người. 

"Mấy ngày sau thì những người sống sót chúng tôi bị đưa lên tàu về giam ở đảo Hải Nam. Ba tháng sau thì chuyển về trại Thu Dung (Quảng Châu), rồi không lâu sau thì tất cả lính Hoàng Sa được giao cho tổ chức Hồng thập tự quốc tế thuộc Anh để đưa về lại Sài Gòn" - ông Lan trầm giọng kể.

Ông Lan cũng kể rằng thời điểm ông bị bắt sau hải chiến Hoàng Sa, bị đưa về trại tập trung, điều phẫn nộ nhất của ông và anh em lính là các buổi học tập chính trị do Trung Quốc cưỡng ép. 

"Họ quây chúng tôi lại thành một nhóm, suốt ngày cử một viên lính cứ cầm sách đọc đi đọc lại tiếng Trung Quốc rồi có người dịch lại bằng tiếng Việt, nội dung là họ "nhồi sọ" rằng Hoàng Sa là của Trung Quốc. Nhưng chúng tôi đâu có chịu, mỗi lần họ đọc vậy chúng tôi đều bảo không phải, Hoàng Sa là của Việt Nam. Nghe vậy họ tiếp tục bắt ép rồi cho lên gặp chỉ huy cấp cao. Khi gặp viên chỉ huy, ông ta cũng nói y hệt cấp dưới. Chúng tôi cứ bảo rằng không bao giờ có chuyện Hoàng Sa là của Trung Quốc" - ông Lan kể.

Mong ngày Hoàng Sa trở về đất mẹ Việt Nam

"Mấy chục năm nay kể từ giây phút đảo bị chiếm, cứ mỗi lần nghĩ về Hoàng Sa là tim tôi lại đau thắt. Tôi mong làm sao nước mình giàu lên, mạnh lên, đầu tư xứng đáng cho quốc phòng để có thể bảo vệ vững chắc chủ quyền. Đồng thời cũng cần có các chính sách, đường lối xử lý phù hợp để một ngày nào đó có thể đòi lại được mảnh đất thiêng liêng nơi chúng tôi đã từng cầm súng giữ gìn.

Tôi lớn tuổi rồi và mai này cũng sẽ nằm xuống, nhưng dù có chết đi rồi thì lòng dạ tôi cũng không thôi chờ đợi, không thôi hi vọng ngày Hoàng Sa trở về với Tổ quốc thiêng liêng" - cựu binh Lê Lan nói.

46 năm trôi qua, kể từ ngày bi tráng 19-1-1974 đến nay, một người vợ ở Cần Thơ vẫn gìn giữ vẹn nguyên những kỷ vật đặc biệt của chồng để mãi mãi nhắc nhớ Hoàng Sa là của Việt Nam.

Kỳ tới: Kỷ vật người chồng tử trận ở Hoàng Sa

Tư liệu Hoàng Sa - hành trình trái tim - Kỳ 3: Người vẽ Tư liệu Hoàng Sa - hành trình trái tim - Kỳ 3: Người vẽ 'bản đồ' Hoàng Sa bằng trí nhớ

TTO - Gian trưng bày các tài liệu, hiện vật chủ quyền tại Nhà trưng bày Hoàng Sa có một tấm bản đồ rất đặc biệt: được vẽ bằng tay tái hiện sinh động cảnh sinh hoạt và bố phòng quân sự trên đảo.


THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên