12/12/2013 08:56 GMT+7

Tự do!

NELSON MANDELA TS TRẦN NHU dịch
NELSON MANDELA TS TRẦN NHU dịch

TT - Năm 1987, chính quyền thành lập “Tổ công tác tuyệt mật” để tiến hành những cuộc đối thoại với tôi. Cuộc gặp gỡ mang tính nghi thức đầu tiên giữa Tiểu ban công tác đặc biệt của chính quyền và tôi diễn ra tháng 5-1988 tại câu lạc bộ quân nhân ở nhà tù Pollsmoor. Trong suốt nhiều tháng, tuần nào chúng tôi cũng gặp nhau.

z3iEmUxB.jpgPhóng to
Ông Nelson Mandela và vợ Winnie rời nhà tù ngày 11-2-1990 - Ảnh: NYT

Tiếng nói từ con tim mình

Tháng 8-1989, Botha tuyên bố từ nhiệm chức vụ tổng thống. Sau đó, Frederick Willem de Klerk tuyên thệ nhậm chức quyền tổng thống Nam Phi. Tại lễ nhậm chức, ông tuyên bố chính sách cải cách của chính phủ, thay đổi đường lối cũ của Botha. Ngày 2-2-1990, trong diễn văn khai mạc kỳ họp Nghị viện Nam Phi, De Klerk tuyên bố quyết tâm dỡ bỏ chế độ phân biệt chủng tộc và tạo tiền đề cho một nhà nước Nam Phi dân chủ. De Klerk tuyên bố sẽ hủy bỏ đạo luật cấm ANC, PAC, Đảng Cộng sản và 31 tổ chức đảng phái hoạt động bí mật khác, tuyên bố thả tất cả tù chính trị, hủy bỏ án tử hình và mọi quy định hạn chế mà đạo luật ban bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước quy định. Ông ta tuyên bố: “Thời kỳ của đàm phán đã đến!”. Chỉ trong một ngày đêm, thế giới của chúng tôi bỗng thay đổi hẳn.

Ngày 11-2-1990 là một ngày xuân trời trong xanh, không chút gợn mây. Tôi dậy sớm như thường lệ, tập bài thể dục hằng ngày rồi đi tắm rửa, ăn sáng. Cuộc trả lại tự do cho tôi được quyết định tiến hành vào 15 giờ, nhưng cuối cùng phải lùi lại do Winnie và các con tôi chưa thể đến kịp cho dù đã đặt máy bay chuyến. Vài phút trước 16 giờ, xe chở tôi tiến từ trong sân nhà tù Victor Verster chạy ra. Hàng trăm phóng viên quay phim, chụp ảnh, nhà báo với cả một rừng micrô vây lấy chúng tôi. Phóng viên bắt đầu hỏi rất to. Máy quay hướng tứ phía đổ dồn vào tôi. Quần chúng hoan hô như sấm động, rầm trời, đất dưới chân tôi như rung chuyển. Cuối cùng tôi bước ra khỏi cổng nhà tù. Dù đã 71 tuổi, tôi vẫn cảm nhận rất rõ rằng một cuộc đời mới, hoàn toàn mới đang bắt đầu trong lồng ngực, trong trái tim mình. Hơn 10.000 ngày ngồi trong tù bây giờ đã trở thành quá khứ. Trong lời phát biểu của mình với đồng bào, đồng chí trong giờ tự do đầu tiên, tôi nghẹn ngào không nói được thành lời. Tôi giơ cao cánh tay phải. Tiếng reo hò nổi lên như sấm. Một không khí tôi chưa từng chứng kiến.

Cuộc đón tiếp tôi ở Kapstadt được tổ chức tại quảng trường lớn. Tôi sẽ đứng trên lan can trụ sở Hội đồng thành phố nói chuyện với dân chúng. Tất cả đường phố trong thành phố đông nghịt người từ khắp nơi đổ về chứng kiến giờ phút mà họ cho là đã chờ đợi suốt gần 30 năm. Trong tay rừng người là cờ, băngrôn, khẩu hiệu. Trong cơn tưởng là hỗn loạn ấy, bây giờ là những đợt hô khẩu hiệu rất đều và tiếng cười vang như sấm. Tôi giơ cao cánh tay phải gửi biển người lời chào chiến đấu của ANC. Tiếng hô đáp lại thật vang trời như muốn sụp tòa thị chính. Khi biển người đã dịu lại, tôi rút bài diễn văn từ trong túi áo và tìm kính. “Các bạn, các chiến hữu và đồng bào châu Phi yêu quý. Tôi nhiệt liệt chào mừng các bạn nhân danh hòa bình, dân chủ và tự do cho tất cả, của tất cả chúng ta! Tôi đứng trước mặt các bạn không phải với tư cách là một nhà tiên tri mà là một đầy tớ khiêm tốn, đầy tớ của nhân dân. Sự hi sinh mang tính lịch sử và rất anh hùng của các bạn đã góp phần quyết định để tôi có mặt hôm nay, tại đây. Vì lẽ đó những năm cuối cùng của đời tôi xin được trao vào tay các bạn”.

Tôi nói từ con tim mình. Tôi khẳng định một cách không chút mập mờ rằng chủ nghĩa apartheid không bao giờ có tương lai và tất cả mọi người không thể không tiếp tục phấn đấu cho mục tiêu này. Tôi khẳng định mình đã, đang và mãi mãi là chiến sĩ trung kiên của ANC, sẵn sàng ra chiến lũy lao vào cuộc chiến đấu bất cứ lúc nào. Tôi cũng khẳng định rằng những mét cuối cùng dẫn đến đích tôi sẽ cùng nhân dân vai kề vai xốc tới.

Cuộc trường chinh còn chưa kết thúc

Tôi không bao giờ quan tâm nhiều đến những giải thưởng dành cho cá nhân mình. Một chiến sĩ đấu tranh cho tự do dấn thân vào hiểm nguy không phải để hi vọng đoạt được phần thưởng này, giải thưởng nọ. Tuy vậy khi được thông báo là cùng De Klerk được nhận giải thưởng Nobel hòa bình năm 1993, tôi đã thật sự xúc động. Giải thưởng Nobel hòa bình có ý nghĩa đặc biệt phản ánh hiện thực của lịch sử Nam Phi.

Tôi là người Phi da đen thứ ba nhận giải thưởng Nobel hòa bình kể từ sau Thế chiến thứ hai. Tù trưởng Albert Luthuli được trao tặng giải này năm 1960. So sánh với con người vĩ đại này thì tôi thật bé nhỏ. Người thứ hai là tổng giám mục Desmond Tutu, người đã có những đóng góp lớn lao, rất có ý nghĩa trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc phi nhân đạo hoành hành nhiều năm trên quê hương Nam Phi chúng tôi. Phần thưởng là vinh dự cho tất cả nhân dân Nam Phi, đặc biệt cho những ai trực tiếp tham gia cuộc chiến đấu gian khổ và cực kỳ anh dũng này. Tôi là người được vinh dự thay mặt họ nhận giải thưởng này.

Ngày 10-5-1994, tôi tuyên thệ nhậm chức tổng thống nhà nước Nam Phi dân chủ. Lễ tuyên thệ nhậm chức diễn ra tại Nhà hát lớn Amphi, Pretoria. Hàng chục năm nay, nơi đây là trung tâm quyền lực của “nền thống trị da trắng”. Và hôm nay, vào một ngày mùa xuân tuyệt đẹp, quảng trường nhà hát lộng lẫy, sặc sỡ hơn bất cứ lúc nào trước kia, nơi hàng vạn người tập trung ca hát, hoan hỉ trong những bộ quần áo mới nhất, đẹp nhất thuộc đủ mọi màu da, sắc tộc. Họ đến đây để chứng kiến giờ khai sinh chính phủ không phân biệt chủng tộc đầu tiên trong lịch sử nước nhà. Trước quan khách năm châu, trước toàn thế giới và đồng bào Nam Phi, tôi trịnh trọng tuyên bố: “Không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ đất nước này rơi vào thảm cảnh người bị người áp bức, bóc lột tàn bạo nữa. Hãy để cho tự do ngự trị!”.

Tôi đã bước đi trên con đường dài dẫn đến tự do. Tôi đã gắng hết sức mình không đi lạc đường. Trên con đường dài ấy tôi từng mắc lỗi lầm. Nhưng tôi đã phát hiện bí mật rằng sau khi trèo qua một ngọn núi cao, phải khẳng định còn phải vượt lên nhiều ngọn núi khác xung quanh. Khi qua được một ngọn núi cao ta phải dừng trong chốc lát, đánh giá những cố gắng đã đạt được để hướng tới phía trước tiến lên. Nhưng tôi chỉ có thể xả hơi một lúc thôi, bởi vì cuộc trường chinh còn chưa kết thúc.

Số phận may mắn của cuốn hồi ký

Cựu bộ trưởng giao thông Nam Phi Mac Maharaj là một trong ba cựu tù thâm niên ở đảo Robben đã bí mật tập hợp bản thảo cuốn hồi ký của nhà lãnh đạo Nelson Mandela. Ngoài ra, còn có hai người khác là Ahmed Kathrada và Walter Sisulu, đều là thành viên ANC. Theo dòng ký ức của cựu tù 76 tuổi này, trong những xà lim biệt lập, ông Mandela viết hồi ký vào mỗi buổi tối và viết được khoảng 10-12 trang. Sáng hôm sau, bản thảo được chuyển đến cho hai ông Kathrada và Sisulu bình luận, nhận xét cho ý kiến thêm và sau đó được đưa đến cho ông Maharaj ghi chép lại. Những người tù này đôi khi giả vờ bị bệnh để có thể ở trong tù không làm việc, dành thời gian viết và ghi chép hồi ký.

Để có được những trang bản thảo này, Mandela và ba người bạn tù đã sử dụng những tờ giấy A4 rất mỏng mà ông Maharaj được cấp. “Tôi phải chép sang một dạng có thể giấu được. Chúng tôi sử dụng cả hai mặt tờ giấy và viết chữ nhỏ xíu” - ông Maharaj cho biết. Ông Maharaj cẩn thận cất giấu 60 trang bản thảo này trong những tập sách tư liệu mà ông dùng để nghiên cứu. Còn bản thảo viết tay nguyên gốc do ông Mandela viết được cất trong một thùng thiếc và chôn dưới luống rau ở vườn rau của nhà tù. Điều này giải thích vì sao lại có hai bản thảo khác nhau về cuốn hồi ký trên. Bản gốc viết tay của ông Mandela được phát hiện tại đảo Robben và hiện lưu trữ tại Quỹ Nelson Mandela ở Johannesburg. Và bản thảo chép lại của ông Maharaj đã đến tay người đọc qua cuốn hồi ký Hành trình vào năm 1994.

Ở trang 572, bản thân ông Mandela tôn vinh tầm quan trọng của tập bản thảo viết lại của ông Maharaj trong việc hình thành bản mẫu của một trong những cuốn sách bán chạy nhất thế giới này. “Mặc dù không được xuất bản khi tôi còn ở trong tù, nhưng nó (bản thảo tập hợp của Maharaj) là cơ sở của cuốn hồi ký này” - ông Mandela nói.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Ra đảo Robben Kỳ 2: Không thể buông xuôi hai tay Kỳ 3:“Người phát ngôn” và “luật sư” trong tù Kỳ 4: Không khuất phục bất kỳ kẻ tàn bạo nào Kỳ 5: Những ngày “cởi mở” và sục sôi

NELSON MANDELA TS TRẦN NHU dịch
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên