10/12/2013 03:05 GMT+7

Không khuất phục bất kỳ kẻ tàn bạo nào

NELSON MANDELA - TS TRẦN NHU dịch
NELSON MANDELA - TS TRẦN NHU dịch

TT - Đầu thập niên 1970, nhà cầm quyền cử đại tá Piet Badenhorst làm chỉ huy đảo. Ông ta nổi tiếng là ác ôn tàn bạo hạng nhất của Nam Phi.

Việc đầu tiên của Badenhorst khi đến đảo Robben là vặn lại đồng hồ trên đảo. Mọi phản kháng đều bị trừng phạt. Ông ta bãi bỏ ngay tức khắc chế độ thăm tù mà không cần bất kỳ lời giải thích nào. Bữa ăn của tù kém hơn trước, hình phạt nặng hơn. Người ta khám xét xà lim chúng tôi, thu hết sách báo, cắt cơm người tù nào nếu hắn muốn và sẵn sàng thượng cẳng chân hạ cẳng tay với bất cứ tù nhân nào.

XR9iEvgn.jpgPhóng to
Nelson Mandela năm 1960. Ông là một người yêu thích thể thao, đặc biệt là đánh box - Ảnh: Getty Image

“Người tù nói có lý”

Vào một buổi sáng, khoảng một tuần sau khi ra đảo, Badenhorst xuất hiện ở mỏ đá mà không báo trước. Ông ta quan sát chúng tôi làm việc từ khoảng cách vừa phải. Chúng tôi cũng quyết định nhân dịp này quan sát “quan lớn” kỹ hơn. Bỗng Badenhorst kêu to: “Mandela, rút ngay tay ra khỏi túi quần!”. Dường như ông ta cảm thấy chưa đủ sức thị uy người tù mà còn muốn tác oai tác quái nhiều hơn, tàn bạo hơn.

Dường như chính quyền apartheid đã tuyển lựa tất cả những tên thuộc hàng anh chị trong đám lưu manh cao thủ nhất, những người thù hận người Phi nhất để quản lý mà thực chất là để đàn áp thẳng tay người tù. Họ trở thành công cụ rẻ mạt cho một chính sách cực kỳ tàn bạo của những kẻ vỗ ngực tự xưng là văn minh. Một sự sỉ nhục cho nền văn minh tư sản.

Người tù trên đảo Robben không chịu khuất phục bất kỳ một kẻ tàn bạo nào. Chúng tôi quyết định chấp nhận trận đấu không cân sức với Badenhorst. Lãn công, không thực hiện định mức, mang dụng cụ từ trong nhà tù ra ngoài mỏ đá, thành lập “ban đại diện thống nhất” để khi cần đối mặt với ông ta. Tôi và Walter thay mặt anh em Đại hội Dân tộc Phi (ANC) đòi có cuộc đối mặt với Badenhorst. Viên sĩ quan ngạo mạn này chấp nhận cuộc đối mặt. Chúng tôi tuyên bố công khai với ông ta rằng nếu y tiếp tục giở những trò tàn bạo thì người tù sẽ sử dụng tất cả những biện pháp họ có thể sử dụng: đình công, tuyệt thực, gây mất trật tự trong các banh.

Badenhorst đã buộc phải thay đổi. Ông ta phải sửa lại một số điều mà khi mới ra đảo đã ra uy với tù như cắt xén tiêu chuẩn ăn, không cho người nhà đến thăm, cấm gửi và nhận thư... Tóm lại ông ta đã phải chăm chú nghe chúng tôi nói chứ không thể phớt lờ. Đối với chúng tôi, hành động phản kháng kiên quyết này coi như đạt thắng lợi. Những cuộc phản kháng của chúng tôi về hành động tàn bạo, độc đoán của Badenhorst đã được đưa ra bên ngoài, đến đất liền. Một cuộc “xem xét tại chỗ” đã được hoạch định. Chúng tôi chỉ không biết vị đại diện nào sẽ ra đảo thôi.

Ba ngày sau, chúng tôi được báo tin có ba vị thẩm phán ra đảo. Như mọi khi, tôi được anh em tù cử làm đại diện trước các ngài “cầm cân pháp luật” này. Ba thẩm phán thuộc tòa án tối cao, được tướng Steyen tháp tùng. Tôi nói với các vị thẩm phán tất cả những gì xảy ra từ khi Badenhorst được cử ra là chúa đảo: dung túng cho canh tù đánh đập người tù, bản thân ông ta đã đánh đập tù và che chắn cho tay chân trong hàng loạt hành động bạo ngược với tù chính trị cũng như tù thường phạm, cúp bữa ăn, nhục mạ người tù bằng thứ ngôn ngữ thô lỗ lưu manh...

Trong khi tôi nói tất cả cho các vị thẩm phán, Badenhorst lúng túng đi đi lại lại như bị kiến đốt. Có lúc ông ta ngắt lời tôi: “Ông có chứng kiến tận mắt những vụ ấy không?”. Tôi từ từ nói rằng mình không tận mắt chứng kiến những vụ hành hung ấy nhưng người tù tin tôi và đã nói rõ tất cả những gì Badenhorst và đồng bọn gây ra cho họ. Ông ta đưa nắm đấm trước mặt tôi đe dọa: “Mandela, hãy cẩn thận đấy!”. Tôi nói với ba ông thẩm phán những gì đang diễn ra ngay trước mắt họ. Trước mặt pháp luật mà ông ta vẫn đe dọa và sẵn sàng làm tất cả thì thử hỏi con người ấy tàn ác đến đâu, mất tính người tới mức nào khi chỉ có người tù đối mặt với ông ta. Một trong ba ông thẩm phán đã phải khẳng định: “Người tù nói có lý!”. Sau khi nói tất cả những gì cần nói, tôi chào các vị thẩm phán, trở về xà lim.

Tôi không biết họ đã nói gì với tướng Steyen và Badenhorst. Chỉ biết rằng thời gian tiếp theo Badenhorst như người bị trói tay chân. Sự thô lỗ giảm hẳn. Ba tháng sau chúng tôi được tin: Badenhorst bị sa thải.

xnbflDzn.jpgPhóng to
Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng phu nhân và hai con gái thăm phòng giam Nelson Mandela trên đảo Robben vào tháng 6-2013 - Ảnh: Pete Souza

Thắng lợi

Vài ngày trước khi rời đảo, Badenhorst gọi tôi lên văn phòng nhà tù. Tướng Steyen thăm đảo và muốn tìm hiểu xem chúng tôi có điều gì kháng nghị. Với sự hiện diện của Badenhorst, tôi nói rõ một loạt đòi hỏi của người tù. Sau khi tôi nói xong, Badenhorst tiến đến trước mặt tôi, ông ta thông báo rằng mình sẽ rời đảo, rồi ngập ngừng nói: “Tôi chúc ông nhiều hạnh phúc!”.

Tôi không biết mình hóa rồ hay mê muội không còn tự chủ khi nghe từ chính miệng kẻ ác này những lời tử tế đến thế. Ông ta nói những lời của một con người đối với một đồng loại và qua đó ông ta thể hiện một mặt của bàn tay mà trước đó chúng tôi chưa bao giờ tin là có. Tôi cảm ơn ông ta về những lời chúc tốt đẹp và chúc ông ta mọi việc tốt lành, suôn sẻ trong công việc mới của mình.

Phút giây này lưu giữ khá lâu trong suy nghĩ của tôi. Badenhorst là cai tù độc ác và tàn bạo nhất trong số những tên cai tù mà tôi từng biết suốt mấy chục năm trên đảo Robben. Thế mà con người cực kỳ tàn bạo ấy cũng đã có lúc, ngay trong văn phòng đầy quyền uy của mình, trình diễn một bộ mặt khác, khác như hai thái cực với bộ mặt thật của ông ta khi đối xử với người tù.

Như vậy trong con quỷ người vẫn tồn tại cái thiện. Chỉ có điều xã hội đã kích động cái phần thú ấy và người ta đã trả công hậu cho nó, để nó che lấp phần đẹp nhất mà con người nào khi cha mẹ sinh ra đều sở hữu. Đó là tính thiện. Khi con tim của họ rung động trước sự thật thì sự phản tỉnh, cái thiện ấy vẫn có thể sống lại như một bản năng mà không có sức mạnh bạo tàn nào xóa sạch đi được, trừ bọn diệt chủng, diệt ngay cả cha mẹ, anh em, họ hàng chúng như những hoang thú trong rừng, trên sa mạc. Hóa ra Badenhorst khi sinh ra cũng không phải là con ác quỷ. Sự vô nhân đạo, mất nhân tính của ông ta là sản phẩm của xã hội phi đạo lý, phi nhân tính, xã hội tội ác. Cái xã hội ấy cần những con quái vật và trả lương hậu cho những hành động của quái vật.

Năm 1977, cuộc đấu tranh của chúng tôi mang lại kết quả tốt. Nhà cầm quyền công bố quyết định bãi bỏ chế độ lao động nặng nhọc ở mỏ đá. Từ hôm đó chúng tôi chỉ làm những việc mình ưa thích và quanh quẩn trong hành lang, sân nhà tù. Thắng lợi này là kết quả của cuộc đấu tranh kiên trì nhiều năm của người tù và hợp logic. Từ nay chúng tôi có thể đọc, viết thư, bàn cãi và nhất là làm quen với những điều khoản của luật pháp.

Năm 1976, tôi đón vị khách đặc biệt từ đất liền: Jimmy Kruger, bộ trưởng phụ trách các vấn đề nhà tù. Đối với tôi, đây là cơ hội tốt để đưa ra những kiến nghị và những lời tố cáo của tù nhân. Tôi viết cho Kruger về những điều kiện tồi tệ của nhà tù trên đảo, nhấn mạnh nhiều lần cho ông ta biết chúng tôi không phải là tội phạm hình sự mà là tù chính trị, do đó phải được đối xử như tù chính trị. Nhưng ông bộ trưởng chỉ cười và nói nhát gừng: “Ồ không, tất cả các anh đều là những tên chuyên khủng bố”.

Kruger mang ra đảo thông điệp rõ ràng: nếu tôi công nhận chính quyền là hợp hiến và sẵn sàng trở về đó thì người ta sẽ giảm án rất đáng kể cho tôi. Tôi đáp lại một cách công khai rằng chính sách phân biệt chủng tộc và chính sách chia để trị tệ hại, nhằm sử dụng người Phi da đen trị người Phi da đen không bao giờ nhận được sự công nhận chứ đừng nói là ủng hộ. Quê nhà tôi là Johannesburg và tôi sẽ trở lại nơi đó.

Kỳ tới: Những ngày cởi mở và sục sôi

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Nelson Mandela - Hành trình dài đến tự do Kỳ 2: Không thể buông xuôi hai tay Kỳ 3: “Người phát ngôn” và “luật sư” trong tù

NELSON MANDELA - TS TRẦN NHU dịch
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên