Phóng to |
Cuộc thảm sát đẫm máu ở Sharpeville (Nam Phi) tháng 3-1960. Cảnh sát đã bắn vào những người da đen khi họ biểu tình phản đối chế độ phân biệt chủng tộc apartheid - Ảnh: stanford.edu |
Những người chưa có bằng phổ thông trung học đều ghi danh. Một số khác học bậc đại học, còn tôi thì trước khi vào tù đã đỗ kỳ thi nghiên cứu sinh, nay tiếp tục nghiên cứu chương trình của Trường đại học London. Những người trình độ học vấn thấp thì được anh em khác dạy ngay trong nhà tù. Chúng tôi từng nói với nhau nhà tù trên đảo Robben chính là giảng đường đại học của chúng tôi.
Cuốn sách tâm đắc
Dĩ nhiên việc học phải gắn liền với những điều kiện do nhà cầm quyền đặt ra: không được học môn chính trị và lịch sử quân sự. Nhiều người không có tiền mua sách vì gia đình quá nghèo. Còn nhà tù quy định ngặt nghèo: tù nhân không được phép chuyển sách cho nhau. Đã học thì phải có sách, nhưng người tù lại không được chọn những loại sách mà mình cho là cần thiết. Chúng tôi còn cần những tờ báo phục vụ học tập, nghiên cứu. Sau sách báo đến bàn ghế. Chúa đảo từ chối. Tôi gửi yêu sách lên Hội Chữ thập đỏ và sau đó cai ngục đã lắp “bàn” cho chúng tôi. Đó là một tấm ván gắn vào tường cao ngang ngực. Không có ghế. Chúng tôi lại đòi. Ba tháng sau nhà tù cấp ghế ba chân bằng gỗ, đồng thời hạ bàn xuống thấp hơn.
Đọc sách là cách tốt nhất để không chỉ giết thời gian mà còn rất có ích. Chỉ có điều sách được gửi đến đảo Robben đều bị kiểm duyệt gắt gao. Những sách nói về chủ nghĩa xã hội đương nhiên không lọt qua được mạng lưới kiểm tra hết sức chặt chẽ và tỉ mỉ của cơ quan an ninh. Trừ cuốn Chiến tranh và hòa bình của Lev Tolstoy thì cả quản trại đến người tù đều đọc một cách thích thú. Sách Mỹ cũng thu hút sự chú ý của tôi, đặc biệt là cuốn Chùm nho uất hận của John Steinbeck. Ở cuốn sách này, tôi nhận ra được những hình ảnh tương tự giữa sự khốn cùng của những người lao động lưu vong trong truyện và người lao động Nam Phi kiếm sống bằng đồng lương chết đói.
Cuốn sách, hay nói đúng hơn là nhân vật tôi tâm đắc nhất là Kutuzov của nước Nga (trong Chiến tranh và hòa bình của Tolstoy). Vị tướng này không được triều đình Sa hoàng đánh giá cao. Chính ông đã đánh bại Napoleon là bởi lẽ ông đã không nghe theo những ý kiến bàn lùi của các “nhà thông thái” trong triều đình vốn không có mấy giá trị về mặt chiến thuật và chiến lược. Kutuzov chỉ dựa vào những quyết định căn cứ vào sự uyên bác của ông và của nhân dân nước ông. Điều này nhắc nhở tôi không chỉ một lần rằng người ta chỉ có thể lãnh đạo, dẫn dắt một dân tộc khi hiểu được tâm tư, nguyện vọng, ý chí, nghị lực và sức mạnh của nhân dân.
“Làn sóng cởi mở”
Trong tù, chúng tôi đã tổ chức các cuộc liên hoan ca nhạc và trò chơi thể thao. Cờ vua là môn được nhiều người ưa thích. Đội kịch của chúng tôi thường “công diễn” vào dịp Noel và đón năm mới. Trong tù không có sân khấu, không có hóa trang, chẳng có quần áo. Cái duy nhất chúng tôi có chỉ là lời thoại. Tôi không diễn nhiều nhưng có một vai diễn không bao giờ quên: đó là vai vua Creon trong vở Antigone của Sophocles. Trong tù tôi đọc khá nhiều kịch cổ Hi Lạp với sự thích thú đặc biệt. Những tính cách của các nhân vật chính diện đã làm tôi say sưa, ngây ngất quên cả thực trạng đớn đau rằng mình là người tù khổ sai chung thân. Đã có bao nhiêu anh hùng trong những tác phẩm nổi tiếng kia bất chấp mọi hoàn cảnh ngặt nghèo đó thôi.
Từ đầu năm 1977, do không phải lao động khổ sai ở mỏ đá, chúng tôi có nhiều thì giờ cho các hoạt động thể thao. Một trong những người canh tù đề xuất ý kiến lên làm sân tennis. Chúng tôi hưởng ứng và bắt tay ngay vào công việc. Một sân tennis có “kích thước tiêu chuẩn quốc tế” và là sân đất nện hạng sang đã hình thành. Chúng tôi dùng sơn kẻ đường giới hạn rất vuông vức. Quản trại mang đến một bộ lưới và như thế là chúng tôi nhanh chóng có ngay một sân Wimbledon ngay trong sân tù. Phong trào “rèn luyện thân thể” ở đảo Robben trở thành mẫu mực cho tất cả các nhà tù khác trong cả nước Nam Phi. Quản tù ở đảo Robben ủng hộ người tù khá nhiệt tình trong hoạt động này.
Năm 1978, nhà cầm quyền lại nhượng bộ thêm một lần nữa, họ đã thành lập trạm truyền thanh trong nhà tù, phát đi tin tức tổng hợp trong ngày đã được ghi vào băng từ. “Đài phát thanh” đảo Robben hiển nhiên hoặc là không đưa đầy đủ thông tin cần thiết hoặc cắt xén và xuyên tạc tình hình, thành ra những tin phát đi toàn là chuyện tốt đẹp cho chính phủ và mọi xấu xa bỉ ổi đều ở phía kẻ thù của họ. Tuy vậy trong những tin xuyên tạc ấy, chúng tôi đã có thể rút ra những kết luận hợp logic và theo phán đoán của chúng tôi. Năm đó chúng tôi được tin chính xác phát đi từ “đài phát thanh” đảo Robben rằng P.W.Botha trở thành người kế nhiệm thủ tướng John Vorters. Chúng tôi còn biết những tin tức rất đáng khích lệ mà nhà cầm quyền làm thinh: nhân dân Angola và Mozambique đã giành được độc lập từ tay thực dân Bồ Đào Nha trong năm 1975. Như vậy lịch sử đang sang trang và ủng hộ chúng tôi.
Trong “làn sóng cởi mở” này, đảo Robben đã có “rạp xinê”. Phòng chiếu là hành lang rộng nhất của nhà tù, màn ảnh là vải trải giường. Tuần nào chúng tôi cũng được thưởng thức sản phẩm của nghệ thuật thứ bảy. Bộ phim đầu tiên chúng tôi được xem ở trên đảo là một phim bạo lực, nhưng là phim câm, của Hollywood, sau đó đến phim Nữ hoàng Cleopatra với Richard Burton và Liz Taylor. Chúng tôi cũng được xem phim tài liệu. Bộ phim tài liệu để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi nói về vụ chiếc thiết giáp hạm HMS Prince of Wales cực kỳ hiện đại của “siêu cường trên biển” Ăng-lê bị không quân của quân phiệt Nhật Bản nhấn chìm xuống đáy đại dương. Một trường đoạn làm tôi thật sự suy nghĩ là cảnh thủ tướng Anh Winston Churchill khóc rưng rức khi nhận được tin về tai họa khủng khiếp này. Hình ảnh này đọng lại rất lâu trong ký ức tôi, nhắc nhở tôi rằng một chính khách đứng đầu một quốc gia, một đảng chính trị trong khoảnh khắc nhất định nào đó có thể bày tỏ sự mềm lòng của mình mà không hề bị nhân dân nước mình đánh giá là yếu hèn.
Những ngày sôi sục
Đảo Robben dường như ngày càng “mở cửa”, tuy nhiên không hề có dấu hiệu nhà cầm quyền thay đổi quan điểm của họ. Dù vậy, chưa bao giờ tôi nghi ngờ rằng sẽ có ngày mình được tự do. Tôi tin rằng thế giới đang đứng về phía chúng tôi, lánh xa kẻ thù của chúng tôi.
Từ năm 1980 chúng tôi đã được đọc báo. Nhiều tờ báo khi đến đảo đã bị kiểm duyệt cắt xén từng đoạn dài trước khi đến tay người tù. Một bài báo mà chắc chắn tôi không bao giờ được phép đọc, in trên tờ Johannesburg Sunday Post. Tựa đề bài in to, đậm: “Free Mandela!” (Trả tự do cho Mandela!). Tờ báo in cột phiếu trưng cầu ý kiến bạn đọc. Với mục này bạn đọc có thể cắt ra, ký tên mình vào, gửi về tòa soạn đòi trả tự do cho Mandela và bạn tù chính trị của ông. Ý tưởng này do Oliver Tambo và lãnh đạo Đảng Đại hội dân tộc Phi (ANC) ở Lusaka đề xuất, ANC quyết định phát động chiến dịch đòi tự do cho cán bộ của mình đang bị đày ải, cầm tù, nêu tên đích danh chứ không nói chung chung nữa.
Một năm trước đó, Ấn Độ đã trao tôi giải thưởng Jawaharlal Nehru và học vị danh dự. Điều này chứng tỏ thế giới đã không bỏ mặc những người Phi da đen ở Nam Phi. Đương nhiên nhà cầm quyền Nam Phi không cấp hộ chiếu cho Winnie và tôi sang Ấn Độ dự lễ trao giải. Sinh viên London bầu tôi làm thủ lĩnh danh dự của Hội Sinh viên thủ đô nước Anh. Cuộc bầu cử công khai được tổ chức ở các trường đại học. Tôi được 7.199 phiếu bầu, vượt xa số phiếu của công chúa Anne và nghệ sĩ bậc thầy Jack Jones. Trong những ngày sôi sục ấy, tôi thường dạo chơi trong sân tù nhiều hơn. Và tất cả các sinh vật, cây cỏ tôi gặp trên từng bước đi dường như cũng mỉm cười với tôi và tỏa sáng hơn, tươi vui hơn dưới ánh nắng mặt trời. Và nếu như ở cái góc tận cùng của thế giới này, nơi đã và đang hành hạ hàng vạn con người vô tội chỉ tâm niệm và hi sinh cả cuộc đời mình cho tự do và phẩm giá của con người mà vẫn có những nét đẹp đáng yêu thì tôi biết rất rõ rằng nhân dân tôi và cá nhân mình nhất định có ngày sẽ giành được tự do. |
Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Ra đảo Robben Kỳ 2: Không thể buông xuôi hai tay Kỳ 3: “Người phát ngôn” và “luật sư” trong tù Kỳ 4: Không khuất phục bất kỳ kẻ tàn bạo nào
___________
Kỳ tới: Tự do!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận