16/12/2017 10:29 GMT+7

Từ chuyện bắt buộc đội nón bảo hiểm 10 năm trước...

NGUYỄN MINH HÒA
NGUYỄN MINH HÒA

TTO - Mười năm trước, Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị quyết 32 quy định kể từ ngày 15-12-2007, người đi môtô, xe máy trên tất cả các tuyến đường đều bắt buộc phải đội nón bảo hiểm.

Từ chuyện bắt buộc đội nón bảo hiểm 10 năm trước... - Ảnh 1.

Nhớ lại thời gian trước khi Chính phủ ban hành nghị quyết này, người dân bàn tán xôn xao dữ lắm. Phe phản đối có phần lấn lướt phe ủng hộ với những lời lẽ rất thuyết phục.

Nào là mỗi cơ quan phải có một chỗ để nón bảo hiểm, nào là đi đâu cũng phải kè kè ôm cái nón vì sợ mất cắp, nào là tốn kém không cần thiết... Đến nỗi có những lúc tưởng như không thể ban hành và thực hiện thành công chínhsách này.

Nhưng rồi mọi chuyện dần đi vào nề nếp. Một phần nhờ sự chế tài quyết liệt của cảnh sát giao thông, nhưng phần quan trọng nhất là người dân nhận thấy lợi ích thật sự của việc đội nón bảo hiểm khi lưu thông. 

Tuy có bất tiện một chút, nhưng từ khi toàn dân đội nón bảo hiểm thì tỉ lệ người chấn thương sọ não do va, đâm xe giảm rõ rệt. Chỉ sau 3 năm, việc đội nón bảo hiểm khi ra khỏi nhà với người dân trở thành một thói quen thường nhật. 

Bây giờ, ai đó chạy xe ra đường mà đầu trần là tự mình thấy khó coi và thiên hạ nhìn vào thấy kỳ kỳ.Từ chuyện này cho thấy được hai điều thật hệ trọng:

- Thứ nhất, điều gì mà thấy đúng, mang lại lợi ích cho dân, cho nước thì kiên quyết làm.

Lúc ban đầu sẽ gặp khó khăn, nhưng rồi nhất định sẽ đạt được sự đồng thuận xã hội. Nhưng để đảm bảo rằng điều sắp thực thi ấy phải là đúng thì không phải bằng cảm nhận chủ quan hay từ mớ lý thuyết suông, mà phải từ các luận cứ khoa học thuyết phục, từ các minh chứng thực tế xác đáng và từ kinh nghiệm của các nước đi trước. Nếu không đúng dù cơ quan công quyền có cố đến đâu thì luật lệ, chính sách cũng bị bật ra.

- Thứ hai, con đường đi từ nhận thức đúng đến khi trở thành ý thức thường trực, hành vi thường ngày của hàng triệu người là điều rất khó khăn, cần phải có những phương pháp, lộ trình và giải pháp kỹthuật hợp lý.

Singapore được như ngày nay chính là họ đã biết thực hiện đúng quy trình này một cách bài bản và khoa học. 

Khi ông Lý Quang Diệu nhận thấy việc bán hàng rong, thả chó, bò chạy rông ngoài đường, xả rác bừa bãi nơi công cộng, khạc nhổ tùy tiện... là những thói quen cố hữu làm xấu bộ mặt của đảo quốc này, nếu không thay đổi thì "không sao ngẩng mặt lên được", do vậy buộc phải thay đổi.

Tất cả những công đoạn như khảo sát chuyên gia, trưng cầu ý dân, xây dựng kế hoạch, tìm kiếm nguồn lực, thử nghiệm thực địa được thực hiện chu đáo gần như hoàn hảo. Để đến trước giờ G thì chính quyền và nhân dân đã đạt được sự thông suốt hoàn hảo, đồng thuận chủ trương, trên dưới một lòng. 

"Để bắt đầu cố gắng trở thành một xã hội có học thức, có văn hóa trong thời gian ngắn nhất có thể: Đầu tiên, chúng tôi giáo dục và hô hào dân chúng. Sau đó, chúng tôi thuyết phục và lôi kéo số đông, chúng tôi lập pháp để trừng phạt những thiểu số ngoan cố. Điều này khiến cho Singapore trở thành một xã hội sống thú vị hơn".

Ông Lý Quang Diệu đã viết

Chính cách tiếp cận như thế mà hầu hết chính sách mà Đảng Nhân dân hành động và Chính phủ Singapore ban hành đều đạt đến đích.

NGUYỄN MINH HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên