22/10/2016 08:39 GMT+7

Tự chủ tăng lương và tự do mở ngành

TS HOÀNG NGỌC VINH
TS HOÀNG NGỌC VINH

TTO - Đâu phải thế! Tự chủ đại học không phải chỉ để tăng lương và tự do mở ngành.

Tự chủ giáo dục đại học (GDĐH) và tự do học thuật là xu hướng phổ biến của GDĐH hiện nay ở nhiều quốc gia với mục đích nâng cao chất lượng, hiệu quả và cơ hội tiếp cận đến GDĐH của mọi người, đồng thời tăng cường năng lực cạnh tranh nguồn lực quốc tế và trong nước của các trường đại học.

Tự chủ GDĐH ở Việt Nam đã được nói đến chí ít cũng cách đây hơn một thập kỷ từ khi có nghị quyết 14/NQ-CP về đổi mới toàn diện GDĐH Việt Nam với việc xóa bỏ cơ quan chủ quản trường ĐH.

Gần đây, điều đáng mừng là một số trường được tự chủ thì thu nhập của giảng viên tăng thêm từ 50-100% so với mức lương (báo Tuổi Trẻ ngày 15-10-2016) nhờ mức học phí tăng lên, góp phần giảm áp lực ngân sách nhà nước và tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng hơn với các trường ĐH ngoài công lập.

Nhưng học phí tăng, thu nhập giảng viên tăng lên thì chất lượng đào tạo liệu có tăng lên không vẫn là câu hỏi chưa dễ trả lời đối với một số trường ĐH đang được tự chủ.

Mặc dù mức tăng học phí ấy vẫn còn thấp so với nhu cầu nâng cao chất lượng nhưng về mặt logic tài chính phải được minh bạch để xã hội nhìn vào đồng tiền bỏ ra đang được tiêu dùng có ý nghĩa.

Mới đây, báo Tuổi Trẻ ngày 19-10-2016 lại có bài “Ngành mới tăng vọt từ... tự chủ”, người đọc lại thấy rất lo ngại về điều kiện đảm bảo chất lượng và tính hiệu quả của đào tạo ĐH.

Một trường ĐH mở thêm 22 ngành mới và trường khác mở mới đến hàng chục ngành hoặc chuyên ngành. Có lẽ việc mở ngành đào tạo hiện nay ở Việt Nam dễ nhất quả đất.

Ở nước ngoài, để mở một ngành đào tạo mới hoàn toàn tự chủ nhưng phải tuân theo các thủ tục hết sức khắt khe như phải xác định rõ nhu cầu nhân lực ngành đào tạo, xác định “thị phần” đào tạo để giảm thiểu sự chồng lấn ngành gây lãng phí.

Mục tiêu đào tạo cũng phải thể hiện được cơ hội việc làm cũng như thu nhập sau khi ra trường, những điều kiện đảm bảo chất lượng về đội ngũ, về thực tập, về quan hệ ngành công nghiệp...

Mọi thông tin đó đều được nghiên cứu, điều tra khoa học và trình trước một hội đồng xem xét và phê chuẩn chỉ khi đáp ứng các yêu cầu.

Có lẽ ở ta người ta đang hiểu xã hội hóa giáo dục và thị trường cạnh tranh còn khá đơn giản và bàn tay vô hình hay hữu hình của quản lý nhà nước dường như đã bị quên lãng chăng.

Việc mở ngành đào tạo ĐH thoải mái liệu có phá vỡ quy hoạch mạng lưới cơ sở GDĐH, liệu có xảy ra sự cạnh tranh cả nguồn tuyển và nguồn lực giảng viên... để rồi dẫn đến sự lãng phí và rồi việc mở ngành như vậy có tuân thủ các quy định của cơ quan quản lý nhà nước về GDĐH?

Tự chủ ĐH và tự do học thuật nếu thiếu cơ chế kiểm soát, mọi việc không minh bạch, đóng kín trong khuôn viên của nhà trường sẽ có nguy cơ dẫn đến lợi ích, sự “sung sướng” cho một nhóm người này nhưng lại dẫn đến sự khổ sở, khó khăn của một số đông những người khác.

Người học đóng góp học phí cao nhưng cơ hội việc làm vẫn còn xa vời vợi thì tự chủ đó cần được xem lại trên cơ sở luật pháp và sự minh bạch, sứ mệnh và trách nhiệm giải trình của một cơ sở GDĐH.

TS HOÀNG NGỌC VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên