21/08/2016 08:10 GMT+7

Từ chơi chứng khoán sang chơi... xổ số

NGỌC BÌNH
NGỌC BÌNH

TTO - Hiệu trưởng một trường ĐH ví von nếu năm ngoái thí sinh bất đắc dĩ phải chơi chứng khoán thì với cách xét tuyển năm nay, thí sinh phải... chơi xổ số.

Khi Nguyễn Tiến Thành, học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, đoạt giải nhất cuộc thi viết quốc tế do báo The Atlantic và tổ chức phi lợi nhuận College Board đồng tổ chức, có người bình luận: Mùa thu đến, những chiếc lá lại lìa cành để đi tìm bến đỗ mới và những nhân tài lại chuẩn bị hành trang đi du học.

Thành được bảy trường ĐH ở Mỹ cấp học bổng và bạn chọn Duke University với mức học bổng toàn phần 30.000 USD cho bốn năm học.

Thông thường, những trường ĐH ở các nước tiên tiến khi tuyển sinh, cấp học bổng thường yêu cầu ứng viên nộp hồ sơ (có thể trực tuyến) gồm bằng cấp, bảng điểm, chứng chỉ tiếng Anh, chứng nhận đoạt giải thưởng các cuộc thi và hoạt động xã hội (nếu có).

Ngoài ra, hai yêu cầu khác cũng quan trọng không kém là ứng viên phải viết “Thư động lực” (Motivation letter) và có “Thư giới thiệu” (Recommendation) từ 2-3 người do ứng viên lựa chọn. Sau khi xem xét hồ sơ, ứng viên đủ điều kiện sẽ được mời phỏng vấn trực tuyến, trực tiếp để quyết định có được vào học hay nhận học bổng của trường hay không.

Xem cách tuyển sinh trên rồi nhìn bức tranh tuyển sinh ĐH, CĐ ở nước ta bao năm qua mà không khỏi ngao ngán. Sự ngao ngán dâng lên đỉnh điểm khi năm nay sau đợt 1 nộp hồ sơ xét tuyển, các trường ĐH lớn nhỏ đều ngơ ngác hỏi nhau thí sinh đang ở đâu khi nhập học không đủ chỉ tiêu?

Các trường danh tiếng với bề dày, truyền thống đào tạo như bách khoa, y dược, sư phạm... cũng cảm thấy khó hiểu trước bức tranh xét tuyển năm nay.

Không khó hiểu sao được khi lần đầu tiên trong lịch sử tuyển sinh ĐH, ngành bác sĩ đa khoa của Trường ĐH Y Hà Nội - ngành học mà nhiều năm qua những thí sinh điểm cao hàng đầu của cả nước chen chân giành từng suất vào trường - phải đối diện với tình cảnh “hụt” đến 50 chỉ tiêu/ngành.

Cũng là lần đầu tiên Trường ĐH Thương mại hết đợt 1 vẫn mong ngóng tuyển thêm cả ngàn thí sinh trong đợt tuyển bổ sung... Những sự kiện “lần đầu tiên” không hề mong muốn thật sự đang khiến nhiều trường ĐH choáng váng, bất ngờ trước một đợt tuyển sinh “kỳ lạ”.

Bao năm qua, nhiều chuyên gia đánh giá tuyển sinh vẫn là khâu yếu kém của ngành giáo dục. Từ năm 2002, khi cả nước bước vào “ba chung”, mỗi năm có khoảng 1 triệu thí sinh thi tốt nghiệp THPT, một tháng sau tiếp tục quày quả lên thành phố thi ĐH đã gây không ít áp lực, tốn kém tiền của cho gia đình và xã hội.

Năm trước là câu chuyện “nộp vào rút ra” bi hài được các báo miêu tả là... kỳ tuyển sinh kỳ dị. Năm nay, 12 năm kể từ khi “ba chung”, khoảng thời gian đủ để một đứa trẻ lớp 1 trở thành thí sinh trong kỳ thi ĐH, tuy xã hội đã bớt đi ít nhiều áp lực, công tác tổ chức đã nhẹ nhàng hơn, nhưng câu chuyện “thiếu trước hụt sau” lại đang khiến các trường như ngồi trên lửa.

Hiệu trưởng một trường ĐH ví von nếu năm ngoái thí sinh bất đắc dĩ phải chơi chứng khoán thì với cách xét tuyển năm nay, thí sinh phải... chơi xổ số. Và cũng chẳng khả dĩ hơn số phận thí sinh, chính các trường cũng lao đao khi rơi vào tình cảnh “đếm cua trong lỗ, đếm kiến trong hang”, tính toán thế nào cũng “hớ”.

Kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2017 sẽ có những thay đổi gì khi Bộ GD-ĐT đã lập một tổ công tác độc lập chuyên trách về thi THPT, về tuyển sinh ĐH? Một báo cáo mới nhất của Bộ GD-ĐT cho thấy nhiều sở GD-ĐT có văn bản muốn được chủ động tổ chức thi/xét tốt nghiệp THPT, còn các trường ĐH muốn được tự chủ tuyển sinh vào trường mình.

Như ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới, Bộ GD-ĐT hãy để các trường tự tuyển sinh cho mình vì hơn ai hết, trường mới biết mình cần thí sinh học lực thế nào, tố chất, kỹ năng ra sao cho từng ngành mà mình sẽ đào tạo.

Câu chuyện tự chủ nghe đã quá quen tai, nhưng hóa ra vẫn là ước mơ của các trường ĐH trong việc tuyển chọn thí sinh vào trường mình.

NGỌC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên