Ảnh: N.KHÁNH |
“Không có phương thức tuyển sinh nào là hoàn hảo được tất cả mọi người chấp nhận. Vì thế phải chấp nhận phương án ít bất cập nhất, được nhiều người đồng tình nhất. Tuyển sinh liên quan đến hàng triệu thí sinh, hàng triệu gia đình, là mối quan tâm của toàn xã hội. Đưa ra một giải pháp thỏa mãn được chừng đó người có liên quan là điều không thể. |
Thứ trưởng Bùi Văn Ga |
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngay sau khi các trường chính thức công bố điểm chuẩn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nhận định: Về cơ bản, quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Những điều chỉnh được áp dụng cho đợt 1 xét tuyển ĐH, CĐ năm 2016 đã phát huy những điểm tích cực, khắc phục những điểm còn hạn chế của kỳ tuyển sinh 2015.
Tuy nhiên, để công tác xét tuyển ĐH, CĐ được thực hiện tốt hơn nữa, theo tôi, các trường nói chung cần có sự phối hợp, liên kết với nhau trong tuyển sinh (như tuyển sinh theo nhóm trường) và từng trường nói riêng cũng cần xác định ngưỡng điểm nhận đăng ký xét tuyển phù hợp, không vì quá an toàn trong đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh của trường mình mà gây khó đối với thí sinh và các trường khác.
Năm 2016: Khó thỏa mãn
* Có ý kiến cho rằng vừa mới năm 2015 tuyển sinh ĐH thí sinh được thay đổi nguyện vọng ở đợt 1 và được quyền biết mức điểm các hồ sơ đã nộp. Vậy mà năm 2016 bộ lại thay đổi, khiến thí sinh khó chọn trường phù hợp với mức điểm, các trường lo tỉ lệ ảo cao. Quan điểm của ông trước nhận định này?
- Đúng là công khai thông tin đăng ký xét tuyển để thí sinh biết như đã áp dụng năm 2015 có cái hay là các em lựa sức trong chọn ngành, chọn trường, có thể điều chỉnh quyết định của mình, đảm bảo khả năng trúng tuyển cao nhất và các trường cũng không có ảo. Song giải pháp này buộc thí sinh phải theo dõi thông tin, gây áp lực tâm lý căng thẳng mà chính dư luận xã hội đã phản ứng, không đồng tình.
Giải pháp không thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển như đã áp dụng năm nay giải tỏa được áp lực tâm lý căng thẳng của năm 2015, nhưng thí sinh phải chấp nhận rủi ro và các trường chấp nhận ảo.
Tuy nhiên, cũng không vì thế mà thí sinh bị “đói” thông tin, không có kênh hỗ trợ, tiếp sức trong hành trình chọn trường, chọn ngành.
Khác với năm đầu tiên đổi mới tuyển sinh, phổ điểm kết quả thi năm nay được công bố công khai, cộng với việc tham khảo điểm chuẩn năm ngoái vào các trường, ngành yêu thích, thí sinh đối chiếu với kết quả thi mình đạt được để quyết định nộp đăng ký xét tuyển.
Việc cho phép thí sinh đăng ký hai trường, mỗi trường hai nguyện vọng trong đợt 1 và đăng ký ba trường, mỗi trường hai nguyện vọng trong mỗi đợt bổ sung là giải pháp giảm thiểu rủi ro cho thí sinh dù các trường phải chấp nhận một tỉ lệ thí sinh ảo nhất định.
Bộ cũng đã đưa vào quy chế nhiều biện pháp giảm ảo: khuyến khích tuyển sinh theo nhóm trường, cung cấp cho các trường dữ liệu thí sinh đăng ký vào các trường/ngành cùng đợt xét tuyển, yêu cầu thí sinh nộp giấy báo kết quả thi (duy nhất) trong vòng năm ngày kể từ khi trường công bố kết quả xét tuyển để khẳng định nhập học, không quy định điểm trúng tuyển đợt sau phải bằng hoặc cao hơn điểm trúng tuyển đợt trước...
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) ngày cuối cùng nộp hồ sơ đợt 1, năm nay không còn cảnh chen lấn như năm 2015 - Ảnh: NHƯ HÙNG |
Có nên tiếp tục kỳ thi “2 trong 1”?
* Thưa ông, thực tế để ứng phó với tỉ lệ ảo cao, một số trường không ngại tiết lộ phương án bù đắp chỉ tiêu là xác định điểm chuẩn thấp, số trúng tuyển cao hơn chỉ tiêu để sau này khi thí sinh quyết định nhập học sẽ “khấu hao” là vừa?
- Thống kê tại thời điểm trước khi các trường tải dữ liệu về xét tuyển cho thấy đã có 396.496 thí sinh đăng ký vào 602.747 lượt trường. Như vậy, có khoảng 75% thí sinh đăng ký xét tuyển cùng lúc vào hai trường trong đợt 1. Thí sinh ảo là tất yếu.
Trong cơ sở dữ liệu các trường tải về để xét tuyển, bộ đã cung cấp thông tin về tất cả các nguyện vọng mà thí sinh đã đăng ký trong cùng đợt để tham khảo, phán đoán và lọc ảo. Trong quy chế cũng đã bổ sung nhiều quy định hỗ trợ các trường khắc phục thí sinh ảo như đã nói ở trên.
Bộ đã khuyến khích các trường thống nhất với nhau tổ chức xét tuyển chung trong cả nước hay tham gia các nhóm xét tuyển ở các vùng miền để khắc phục hay giảm thiểu ảnh hưởng của thí sinh ảo, nhưng chưa được sự đồng thuận cao của các trường.
Bộ đã nhắc nhở các trường không được tuyển sinh vượt quá chỉ tiêu đã công bố để một mặt đảm bảo chất lượng đào tạo, mặt khác không gây khó khăn về nguồn tuyển đối với các trường khác.
Các trường tự chủ lựa chọn phương án xét tuyển thì đương nhiên phải chịu trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của quy chế tuyển sinh hiện hành, trong đó có quy định không được tuyển vượt chỉ tiêu.
Sẽ tiếp tục hoàn thiện Sau năm 2016, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH sẽ chuyển hướng thế nào, thưa ông? - Tuy nỗ lực đổi mới thi tuyển sinh tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ đã được ghi nhận, nhưng đúng là vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn. Băn khoăn phổ biến nhất là khó có thể đạt được hai mục đích một cách trọn vẹn với một kỳ thi như hiện nay vì yêu cầu của xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ khác nhau. Thứ hai, xã hội băn khoăn rằng trên thực tế chỉ có 60-70 trường ĐH có tính cạnh tranh cao trong tổng số gần 450 trường ĐH, CĐ, vậy có cần thiết tổ chức thi chung để phục vụ tuyển sinh cho tất cả các trường? Thứ ba, nhiều người cũng đặt vấn đề: có nên tiếp tục tổ chức thi theo kiểu truyền thống như hiện nay hay chuyển sang phương thức thi hiện đại với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin? Đến thời điểm này, bộ đã gửi công văn đề nghị các sở GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ đề xuất phương án thi/xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy cho năm 2017 và những năm tiếp theo. Tổ công tác của bộ đang tập hợp, phân tích các ý kiến đóng góp. Trên cơ sở đó sẽ tìm được phương án tối ưu nhất để đưa ra lấy ý kiến dư luận xã hội trong thời gian tới. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận