12/06/2014 12:39 GMT+7

Truyền thông thế giới: Trung Quốc "tự tạo thực tế" trên biển Đông

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TTO - Trên trang US News ngày 11-6, nhà phân tích Mark C. Eades của Hiệp hội Chính sách đối ngoại (FPA, Mỹ) khẳng định việc Trung Quốc tố Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc và khẳng định quần đảo Hoàng Sa “là lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc” cho thấy Bắc Kinh “tự tạo ra thực tế” trên biển Đông.

w10PFbrC.jpgPhóng to
Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam - Ảnh: nbcnews.com

Công bố trước quốc tế chứng cứ tàu Trung Quốc hung hãnĐuối lý, Trung Quốc quay sang đổ lỗiTruyền thông Trung Quốc thừa nhận tấn công tàu Việt Nam

“Cái gọi là chủ quyền không thể bác bỏ của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và biển Đông đương nhiên là có thể bác bỏ” - chuyên gia Eades viết.

Ông cho rằng các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương xích lại gần nhau và tăng cường hợp tác với Mỹ vì lo ngại sự hiếu chiến của Trung Quốc. “Nhưng đối với Trung Quốc, các nước láng giềng châu Á và Mỹ phạm tội khiêu khích và gây rắc rối. Thật là đáng tội nghiệp cho Trung Quốc, nạn nhân vô tội của các nước khác” - chuyên gia Eades giễu cợt.

Ông nhận định việc chính quyền Trung Quốc lớn tiếng phản đối đầy giận dữ vụ hải quân Việt Nam và Philippines giao lưu và chơi bóng chuyền trên đảo Song Tử Tây cho thấy cộng đồng quốc tế không thể coi Trung Quốc là một cường quốc thế giới.

“Chẳng quốc gia nào trên thế giới công nhận bản đồ đường chín đoạn của Trung Quốc ngoài chính họ.

Trung Quốc luôn tự vẽ ra phiên bản thực tế riêng dựa trên những ý đồ chủ quan của nước này mà không cần quan tâm đến việc khu vực và thế giới nghĩ gì.

Trên thực tế, Trung Quốc là bậc thầy sáng tạo ra những cuốn tiểu thuyết địa chính trị tưởng tượng rồi tự thuyết phục bản thân rằng đó là thực tế không thể bác bỏ.

Vấn đề là Trung Quốc chẳng thuyết phục được ai”.

Mark C. Eades (Hiệp hội Chính sách đối ngoại - FPA, Mỹ)

Báo Mỹ Wall Street Journal cho biết từ trước đến nay Trung Quốc luôn phản đối “quốc tế hóa” tranh chấp trên biển Đông. Do đó, việc Trung Quốc trâng tráo tố Việt Nam tại LHQ và tự tô vẽ mình là “nạn nhân” là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Bắc Kinh đang lo lắng về những tổn hại đối với hình ảnh và uy tín của nước này trên trường quốc tế.

Thời gian qua, báo chí và dư luận quốc tế đều mô tả Trung Quốc là “kẻ bắt nạt” trong khu vực, hoàn toàn trái ngược lại với hình ảnh “trỗi dậy hòa bình” mà Bắc Kinh cố tuyên truyền.

Wall Street Journal cũng chỉ rõ rằng địa điểm Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 cách bờ biển Việt Nam 150 dặm (240 km), do đó hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của Việt Nam theo Công ước Luật biển LHQ (UNCLOS).

Trao đổi với Tuổi Trẻ qua thư điện tử, nhà phân tích Bonnie Glaser của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) cũng đánh giá rõ ràng Trung Quốc đang lo ngại về uy tín quốc tế của nước này sau khi bị các nước khu vực và Mỹ tố cáo là kẻ gây chiến.

“Trung Quốc không muốn bị xem là nước chuyên vi phạm luật pháp quốc tế” - bà Glaser cho biết.

Chuyên gia Glaser cho rằng việc Trung Quốc gửi khiếu nại lên LHQ thay vì chấp nhận việc phân định chủ quyền biển Đông ở tòa án quốc tế là một chiến lược có ý đồ tinh vi.

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên