23/03/2013 09:02 GMT+7

Truyền hình trả tiền: cuộc đấu lạ lùng

KHIẾT HƯNG
KHIẾT HƯNG

TT - Khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền (THTT) là quan điểm của Bộ Thông tin - truyền thông trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ hôm 20-3.

Quan điểm này đã “xua tan” những lý lẽ của Hiệp hội THTT VN (VNPayTV) nhằm ngăn cản các doanh nghiệp viễn thông gia nhập thị trường THTT.

tobLtqCO.jpgPhóng to
Các thiết bị lắp ráp truyền hình số được rao bán tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM. Việc có thêm đơn vị tham gia cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền sẽ có lợi cho người tiêu dùng - Ảnh: T.T.D.

Từ năm ngoái, sau khi hay tin các doanh nghiệp viễn thông như Viettel, VNPT, FPT có ý định nhảy vào cung cấp dịch vụ truyền hình cáp (một loại hình THTT), VNPayTV đã ngay lập tức có văn bản gửi tới các cơ quan chức năng, thậm chí đầu năm nay còn có văn bản gửi lên cả Thủ tướng nhằm ngăn cản việc cấp phép cho các doanh nghiệp viễn thông.

Hôm 12-3 vừa qua, VNPayTV tiếp tục có văn bản gửi Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, tổng Thanh tra Chính phủ. Mặc dù dưới danh nghĩa văn bản đề nghị làm rõ cơ sở pháp lý để cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình cáp cho các tập đoàn viễn thông, nhưng văn bản chốt lại chỉ kiến nghị dừng cấp phép cho Viettel - đơn vị đã chính thức nộp hồ sơ xin cấp phép lên Bộ Thông tin - truyền thông.

Đây là những động thái lạ lùng, bởi trong khi thị trường THTT chưa có sự cạnh tranh, người tiêu dùng vẫn phải chịu sự o ép giá cước của một số doanh nghiệp chiếm thị phần độc quyền thì việc có thêm đơn vị tham gia cung cấp dịch vụ sẽ rất có lợi cho người tiêu dùng, có lợi cho sự hình thành một thị trường THTT cạnh tranh.

Lý của ông bảo vệ độc quyền

Trong văn bản hôm 12-3, VNPayTV cho rằng thị trường THTT đang có dấu hiệu bão hòa, kinh tế VN đang gặp nhiều khó khăn, Nhà nước đang có chủ trương thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn kinh tế nhà nước, các đơn vị trong ngành truyền hình đang bắt đầu thực hiện lộ trình số hóa đến năm 2020 nên việc Viettel xin đầu tư cung cấp dịch vụ truyền hình cáp sẽ gây ra nhiều... hệ quả xấu!

Theo VNPayTV, các tập đoàn viễn thông nhà nước đầu tư sang truyền hình là không phù hợp quy hoạch và mục tiêu phát triển; bất cập về thị trường, về công nghệ, lãng phí đầu tư; gây ra những mâu thuẫn nghiêm trọng giữa những đơn vị tham gia thị trường THTT, gây thiệt hại hàng chục nghìn tỉ đồng mà các đơn vị này đã đầu tư. VNPayTV “cảnh báo” sự ra đời của một đơn vị cung cấp THTT như Viettel sẽ tạo ra nhiều vấn đề phức tạp mà các cơ quan quản lý sẽ phải xử lý trong thời gian tới.

VNPayTV còn cho rằng nếu Bộ Thông tin - truyền thông cấp phép cho Viettel thì bộ sẽ sai vì không thực hiện đúng quyết định phê duyệt quy hoạch truyền dẫn phát sóng phát thanh truyền hình đến năm 2020 (quyết định 22/2009/QĐ-TTg) và quyết định phê duyệt đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 (quyết định 2451/QĐ-TTg).

Thị trường chưa bão hòa

Trả lời Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Bộ Thông tin - truyền thông cho rằng việc các tập đoàn viễn thông lập hồ sơ xin cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình cáp là hoàn toàn bình thường và nếu đơn vị nào đáp ứng đủ các yêu cầu thì bộ sẽ cấp phép. Quan điểm của Bộ Thông tin - truyền thông cũng đã được thể hiện trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ ngày 20-3 khi cho rằng nên khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ THTT do xu hướng hội tụ công nghệ trên một sợi cáp viễn thông có thể cung cấp các dịch vụ thoại, Internet và truyền hình.

Theo Bộ Thông tin - truyền thông, VNPayTV đã trích dẫn không đầy đủ nội dung quy định tại quyết định 22 và 2451. Theo đó, việc chấm dứt phát sóng truyền hình analog tại năm thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2015 và chấm dứt phát sóng truyền hình analog mặt đất chỉ áp dụng với phương thức “phát thanh, truyền hình analog mặt đất”, không áp dụng đối với “truyền hình cáp analog”. Quyết định 22 chỉ quy định “ngừng việc sử dụng công nghệ truyền hình cáp analog trước năm 2020 để chuyển hoàn toàn sang công nghệ số”.

Văn bản của bộ cũng phản bác quan điểm của VNPayTV về việc thị trường THTT đã bão hòa khi cho rằng sau 10 năm phát triển, cả nước mới có khoảng 4 triệu hộ gia đình sử dụng dịch vụ THTT, đạt tỉ lệ 20% hộ dân, chủ yếu ở vùng thành thị, 80% còn lại tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa sử dụng dịch vụ này.

Do đó, Bộ Thông tin - truyền thông cho rằng nếu quy định các doanh nghiệp phải triển khai áp dụng công nghệ cáp số ngay thì sẽ tiếp tục ngăn cản người dân tiếp cận dịch vụ THTT do truyền hình cáp số đòi hỏi mỗi tivi phải đi kèm một đầu thu với giá khoảng 1,5 triệu đồng để thu tín hiệu truyền hình.

Ngoài ra, theo Bộ Thông tin - truyền thông, định hướng quy hoạch dịch vụ là ưu tiên cấp phép cho các doanh nghiệp có cam kết đầu tư để cung cấp dịch vụ trên phạm vi rộng, dịch vụ truyền hình số hoặc có cam kết lộ trình rõ ràng và khả thi về việc chuyển đổi hoàn toàn sang dịch vụ truyền hình số theo quy định của Nhà nước khi kết hợp sử dụng cả công nghệ số và tương tự.

Thực tế, một đại diện của Viettel cho biết đơn vị này xin cung cấp dịch vụ truyền hình cáp hoàn toàn theo công nghệ số, tức là không đi ngược lại chủ trương chung.

Về việc VNPayTV phản đối cấp phép cho các doanh nghiệp viễn thông, lãnh đạo của Bộ Thông tin - truyền thông cho rằng cấp phép hay không là thẩm quyền của bộ và bộ là cơ quan chịu trách nhiệm trước Thủ tướng. Theo vị lãnh đạo này, việc VNPayTV phản đối giống như chuyện có một miếng bánh nhưng nhiều người cùng muốn chia nhau, bây giờ có thêm một người nữa chen vào nên bị phản ứng là lẽ thường.

Theo thống kê, VN hiện có 18 triệu hộ gia đình có tivi, đạt tỉ lệ 90%. Trong số các dịch vụ truyền hình đang được cung cấp, truyền hình analog mặt đất (truyền hình quảng bá) chiếm 76,2%, truyền hình số mặt đất (gồm quảng bá và trả tiền) chiếm 12,5%. Hai dịch vụ THTT khác là truyền hình cáp chiếm 9,5%, truyền hình vệ tinh chiếm 1,5%.

Do ưu điểm về công nghệ nên truyền hình cáp là dịch vụ THTT phổ biến trên thế giới. Trong cơ cấu các hộ gia đình dùng THTT, truyền hình cáp chiếm 90% ở các nước phát triển và 65% ở các nước đang phát triển.

Tại VN, ba đơn vị chiếm 90% thị phần truyền hình cáp gồm VCTV (thuộc VTV), SCTV (liên doanh giữa VTV và Tổng công ty Du lịch Sài Gòn) và HTVC (thuộc Đài truyền hình TP.HCM). Tuy nhiên, ba đơn vị này chỉ có hơn 2,5 triệu thuê bao và phạm vi đầu tư chủ yếu tập trung vào những thành phố lớn, đối tượng khách hàng có thu nhập cao, chưa phát triển được tới các khu vực nông thôn.

KHIẾT HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên