04/08/2021 12:19 GMT+7

Trường Tiền - chuyện chưa kể cây cầu lịch sử - Kỳ 1: Nhịp cầu nối đường thiên lý

MINH TỰ
MINH TỰ

TTO - Trường Tiền, cây cầu ra đời từ hơn một thế kỷ trước, đã trở nên nổi tiếng và quen thuộc với nhiều người. Nhưng có những chuyện của cây cầu cổ xưa ấy ít người biết hoặc biết không chính xác.

Trường Tiền - chuyện chưa kể cây cầu lịch sử - Kỳ 1: Nhịp cầu nối đường thiên lý - Ảnh 1.

Cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hương xây dựng ngay bến đò Trường Tiền - Ảnh tư liệu

Thiên ký sự này tìm những tư liệu chìm, nổi trong dòng thời gian hơn một thế kỷ với biết bao biến cố thăng trầm, để trả lại cho Trường Tiền những gì của chính cây cầu lịch sử ấy.

Trường Tiền là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hương (người Pháp thường gọi là sông Huế), dưới thời vua Thành Thái, nối liền con đường thiên lý Bắc - Nam cách trở đò giang suốt mấy thế kỷ, chấm dứt sự chia cắt ngay giữa kinh đô Huế.

Đây cũng là một trong những cây cầu sắt đầu tiên của Đông Dương được xây dựng bằng kỹ thuật mới vào cuối thế kỷ 19, với sự "kỹ trị" của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer.

Nên làm chiếc cầu sắt để tiện thông hành

Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 tại Hà Nội vẫn còn lưu giữ châu bản của triều Nguyễn thời Thành Thái, ghi lại diễn biến quá trình chuẩn bị xây dựng cầu Trường Tiền, lúc đó chỉ gọi đơn giản là "cây cầu sắt".

Ngày 11-8-1896 (năm Thành Thái thứ 8), Viện Cơ mật trình lên vua bản tấu, cho biết viện này đã trao đổi với "khâm sứ đại thần" tức là vị quan đứng đầu tòa Khâm sứ Trung kỳ - cơ quan đại diện của Chính phủ Pháp tại An Nam (lúc đó là ông Ernest Albert Brière) - bàn việc xây dựng cây cầu sắt bắc qua sông Hương trước kinh thành như đã dự định từ trước.

Tòa khâm sứ cho biết đã có hai bản thiết kế và giao cho Viện Cơ mật. Viện này xét rằng "dòng sông Hương trước mặt kinh thành là nơi quan lộ, dân chúng qua lại rất nhiều, xây dựng cây cầu sắt qua sông là rất tiện".

Sau khi nghe bàn bạc, vua Thành Thái liền ban chỉ dụ: "Chính trị nhân đức không gì quan trọng bằng gia ân cho dân. Gần đây, phàm tiến hành làm các cầu đường là để tiện cho dân vậy. Nay theo lời Viện Cơ mật tâu, nghĩ nên làm một cây cầu sắt để tiện thông hành. Vì phí tổn rất lớn nên phải chờ tính toán trù biện".

Tháng 9-1896 (năm Thành Thái thứ 8), Viện Cơ mật lại trình vua Thành Thái bản tấu mới, cho biết quan Toàn quyền Đông Dương (lúc đó là ông P.A. Rousseau) bàn rằng cây cầu này là công trình lớn, chi phí xây dựng do bản quốc (tức nước Đại Nam) lo, nhưng phủ toàn quyền cũng hết lòng giúp đỡ.

Quan Toàn quyền Đông Dương cũng đề nghị các loại vật liệu nên cho đấu giá và khoán ước với những người lãnh thầu để giảm bớt phí tổn. Việc này được bàn bạc ổn thỏa và vua truyền cho Viện Cơ mật chuẩn bị thi hành.

Theo dự tính của Viện Cơ mật và Tòa Khâm sứ Pháp, cây cầu sắt này có bề ngang là 5 thước 2 tấc, tổng chi phí khoảng 190.000 đồng.

Trường Tiền - chuyện chưa kể cây cầu lịch sử - Kỳ 1: Nhịp cầu nối đường thiên lý - Ảnh 2.

Vua Thành Thái và Toàn quyền Đông Dương P. Doumer trong một cuộc gặp gỡ ở Huế năm 1899 - Ảnh tư liệu

Cần làm cầu rộng, đừng lo chi phí tăng thêm

Việc chuẩn bị đang tiến hành thì tân Toàn quyền Đông Dương là ông Paul Doumer đến kinh đô Huế vào tháng 3-1897.

Sau khi nghe Tòa Khâm sứ và Viện Cơ mật báo cáo về việc xây dựng cây cầu sắt qua sông giữa kinh đô, quan toàn quyền liền bàn rằng cầu này là công trình lớn, nên làm cho rộng rãi để đi lại thuận lợi, chịu tốn kém một lần để yên ổn lâu dài, chính phủ bảo hộ (Pháp) sẽ hỗ trợ phần chi phí tăng thêm.

Đầu năm 1898 (năm Thành Thái thứ 10), Viện Cơ mật lại tấu lên vua cho biết chi phí để xây dựng cây cầu mở rộng này ước khoảng 500.000 đồng. Viện này đã chuyển cho quan bảo hộ số tiền 190.000 đồng theo dự toán cho chiếc cầu ban đầu. Số còn lại chính phủ bảo hộ sẽ trích tiền hỗ trợ. Một số vật liệu như ván, gạch, đá thì truyền cho Bộ Công trù tính.

Những thông tin trên đây được chép trong sách Đại Nam thực lục (chính biên đệ lục kỷ phụ biên) do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, cùng các châu bản triều Thành Thái hiện đang lưu tại Trung tâm lưu trữ quốc gia.

Một công trình vô cùng hữu ích

Trong cuốn hồi ký Xứ Đông Dương, Paul Doumer cho biết ông được tổng thống Pháp bổ nhiệm làm Toàn quyền Đông Dương vào tháng 12-1896, khi đang là bộ trưởng Bộ Tài chính. Tháng 2-1897, Doumer đến Sài Gòn, sau đó đi thẳng ra Bắc Kỳ, rồi từ Hạ Long đi vô Huế vào tháng 3-1897.

Những ngày ở Huế, ông chứng kiến quan lại của triều đình ở bờ bắc sông Huế, quan chức tòa khâm sứ ở bờ nam và dân chúng đều qua lại bằng những chiếc đò ngang. Bản thân ông khi vào gặp vua Thành Thái cũng phải vượt sông bằng chiếc tàu của tòa khâm sứ. Con sông không chỉ ngăn cách bờ bắc của triều đình với bờ nam có tòa khâm sứ và các cơ quan của Pháp, mà còn chia cắt cả con đường thiên lý bắc nam, người Pháp gọi là đường thuộc địa số 1.

Sau chuyến đi Sài Gòn - Hà Nội - Hạ Long - Huế, Doumer đã gửi về Bộ Thuộc địa bản báo cáo thứ nhất, trong đó nhấn mạnh: "trang bị cho Đông Dương công cụ kinh tế lớn mạnh, hệ thống đường sắt, đường bộ, kênh, cảng, những thứ cần thiết để phát triển xứ này". Ông đã diễn giải việc này đầy đủ hơn trong hồi ký của mình: "Ở một xứ sở như Đông Dương, bị chia cắt bởi những dòng sông lớn và rất nhiều sông suối nhỏ, số lượng và tầm quan trọng của những cây cầu cần xây dựng là rất đáng kể".

Cũng trong hồi ký này, Doumer đã nhắc đến việc xây dựng cây cầu sắt qua sông Hương. "Vào cùng thời điểm quyết định xây dựng cây cầu tại Hà Nội năm 1897, tôi cũng đã ra quyết định tương tự về một cây cầu có kích thước khiêm tốn hơn, song cũng vô cùng hữu ích, bắc qua sông Huế.

Cây cầu này không được dùng cho đường sắt, nó nối khu phố của người bản xứ tại Huế - Đại Nội bao gồm hoàng cung và các cơ quan chính quyền An Nam, nằm ở tả ngạn con sông - với khu phố của người Pháp và đường đi Đà Nẵng, đều nằm ở hữu ngạn... Cây cầu đã góp phần không nhỏ vào việc đem đến sức sống cho tỉnh lỵ Trung Kỳ".

Cuối năm 1900, chiếc cầu sắt bắc qua sông Hương đã hoàn tất. Nhà vua cùng quan Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer lên cầu cắt băng khánh thành. Chính người Pháp đã đặt tên là "cầu Thành Thái", niên hiệu vị đương kim hoàng đế mà bảy năm sau đã bị ép phải rời ngôi vua vì chống Pháp.

Cầu Trường Tiền khởi công và hoàn thành năm nào?

Nhiều tài liệu và sách báo đang lưu hành đều ghi: cầu Trường Tiền xây dựng năm 1897 và hoàn thành vào năm 1899. Thông tin này dựa vào sách Đại Nam nhất thống chí, bộ địa chí nước Đại Nam do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn vào thời Tự Đức, biên soạn lại vào thời Thành Thái và xuất bản vào thời Duy Tân (năm 1910).

Trong khi đó, sách Đại Nam thực lục (chính biên đệ lục kỷ phụ biên), bộ chính sử của nước Đại Nam cũng do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, được soạn vào thời Khải Định và Bảo Đại, thì ghi cầu khởi công vào tháng 10 năm Thành Thái thứ 10 (tức tháng 11-1898), đến tháng 10 năm Thành Thái thứ 12 (tức tháng 11-1900) khánh thành.

Tuy nhiên, trong báo cáo về "Tình hình Đông Dương từ năm 1897 đến năm 1901", Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer ghi rõ: công trình được khởi công vào tháng 5-1899, hoàn thành vào tháng 10-1900, thông xe vào ngày 18-12-1900.

Cả ba sử liệu chính thống nhưng lại ghi thời điểm xây dựng cầu khác nhau. Vậy thì chọn thời điểm nào là chính xác? PGS.TS Đỗ Bang - phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN - cho rằng cầu Trường Tiền do người Pháp trực tiếp tổ chức xây dựng và thi công, vì vậy căn cứ vào tài liệu của Pháp là phù hợp hơn.

Như vậy, nếu chọn tư liệu của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer thì công trình khởi công vào tháng 5-1899, hoàn thành vào tháng 10-1900.


***********

Hàng ngàn bài báo, hàng trăm cuốn sách, có cả từ điển viết về Huế, về cầu Trường Tiền lâu nay đều ghi cầu Trường Tiền do Hãng Eiffel (Pháp) xây dựng. Nhiều người truyền tụng cây cầu này cùng với tháp Eiffel nổi tiếng ở Paris là "anh em ruột" cùng "cha" là kỹ sư Gustave Eiffel. Nhưng các tài liệu lưu trữ trong văn khố nước Pháp đã cho thấy không phải như vậy.

>> Kỳ tới: Đi tìm tác giả cầu Trường Tiền

Ai mới là tác giả của cầu Trường Tiền? Ai mới là tác giả của cầu Trường Tiền?

TTO - Cầu Trường Tiền - biểu tượng của xứ Huế vắt ngang dòng sông Hương thơ mộng - thường được xem do Hãng Eiffel nổi tiếng của Pháp làm nên. Thế mà gần đây đã xuất hiện những căn cứ để 'bác bỏ' thông tin trên...

MINH TỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên