Liên quan đến vụ PGS.TS Lê Nguyễn Đoan Duy, trưởng khoa công nghệ thực phẩm Trường đại học Công Thương TP.HCM, bị giảng viên tố việc ông là giám đốc doanh nghiệp tư nhân, đang có nhiều ý kiến trái chiều.
Cần hướng tới "giảng viên doanh nhân" mới dạy tốt
ThS Trần Hoài Tâm - giảng viên thỉnh giảng, đồng thời cũng là giám đốc một danh nghiệp tại TP.HCM, cho rằng để giảng viên vừa công tác giảng dạy, vừa điều hành doanh nghiệp thật sự gian nan chứ không phải dễ, và không phải ai cũng có thể kiêm nhiệm cùng lúc như vậy được.
Thời đại 4.0, trong bối cảnh nhà nhà khởi nghiệp, khoa, trường khởi nghiệp... giảng viên cũng khuyến khích, thúc đẩy sinh viên nghiên cứu, sáng tạo và khởi nghiệp. Khởi nghiệp không phải chỉ có việc tạo ra được sản phẩm, mà phải thương mại hóa, bán được ra bên ngoài và xa hơn là tự mở doanh nghiệp kinh doanh về sản phẩm đó.
Điều đó đòi hỏi các thầy cô ngoài làm chuyên môn chuyên ngành, cần phải có kiến thức về quản trị, quản lý, thị trường... mới hướng dẫn hiệu quả cho sinh viên.
"Tôi cũng đang cố gắng hướng tới là một "giảng viên doanh nhân" như thầy Lê Nguyễn Đoan Duy. Doanh nghiệp phải điều hành, vận hành hiệu quả và đồng thời việc học nâng cao trình độ thì không được phép dừng lại.
Vậy mới đủ kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm hỗ trợ sinh viên và giảng dạy tốt", ông Tâm nói.
Theo ThS Trương Thị Ngọc Bích - giám đốc Trung tâm thông tin - truyền thông Trường đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM, nếu các trường sử dụng người vừa muốn có chuyên môn vừa muốn có kinh nghiệm thì nên có quy chế riêng và tỉ lệ hoặc KPI rõ ràng, không quy định chung chung.
"Thời buổi này, kinh tế cũng là bài toán sống còn, lương giảng viên hay cán bộ quản lý nếu chưa đảm bảo đời sống mà buộc họ phải bám trường, bám lớp chỉ được làm một việc, trong khi năng lực họ có thể làm thêm việc khác để cải thiện kinh tế, cứng quá cũng khó cho họ.
Ai làm giảng viên cũng đều muốn mình giảng dạy hiệu quả. Do vậy, cũng nên xem xét bối cảnh, giai đoạn và điều chỉnh các quy định của pháp luật phù hợp", bà Bích kiến nghị.
Luật không cho phép, trưởng khoa làm giám đốc gây xung đột lợi ích
Theo TS Đinh Thị Thanh Nga - trưởng bộ môn pháp luật hành chính - hình sự, khoa luật Trường đại học Sài Gòn, việc viên chức tham gia giữ các chức vụ quản lý hoặc người đại diện theo pháp luật của các doanh nghiệp ngoài nhà nước là điều viên chức không được làm theo Luật Doanh nghiệp, Luật Phòng chống tham nhũng và cả Luật Viên chức.
"Sở dĩ có sự quy định thống nhất trên vì viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc cho đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp các dịch vụ công. Khi đã chọn làm viên chức (chịu sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, làm việc cho đơn vị của Nhà nước) thì giảng viên phải tuyệt đối chấp hành pháp luật, tận tụy với công việc chuyên môn", bà Nga nhấn mạnh.
Cũng theo bà Nga, Luật Viên chức vẫn trao cho viên chức quyền được kinh doanh và làm việc ngoài thời gian quy định, được góp vốn nhưng không cho phép tham gia quản lý điều hành các loại hình doanh nghiệp như một sự ràng buộc về trách nhiệm cho sự lựa chọn làm viên chức và cho công việc chuyên môn của mình.
Bà Nga cho biết: "Viên chức vẫn được hoạt động nghề nghiệp ngoài thời gian của hợp đồng làm việc, được ký hợp đồng vụ việc với các cơ quan tổ chức đơn vị, được góp vốn vào doanh nghiệp nên giảng viên vẫn có thể phát triển chuyên môn qua gắn bó thực tiễn.
Nhưng khi đã là người quản lý chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh của cả một doanh nghiệp thì rõ ràng xuất hiện nguy cơ gây xung đột lợi ích, khó có thể đảm bảo được việc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của viên chức".
ThS Phùng Quán, trưởng phòng tổ chức - hành chính Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM), cũng cho hay: "Theo các quy định của pháp luật hiện hành, viên chức ngạch giảng viên thì không được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã.
Tuy nhiên cán bộ quản lý, giảng viên là viên chức có thể tham gia các hoạt động kinh doanh và làm việc ngoài thời gian quy định với sự cho phép của hiệu trưởng".
Trong khi đó, ThS Nguyễn Bích Thủy - giảng viên Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cũng cho rằng việc trưởng khoa một trường đại học làm giám đốc phát triển kinh doanh một tập đoàn, vừa làm đại diện pháp luật của chi nhánh công ty rõ ràng là trái với quy định của pháp luật.
"Ở khía cạnh khác, nếu đặt mình ở vai trò là người đứng đầu một trường đại học liệu có dễ dàng chấp nhận việc thuê một giám đốc doanh nghiệp về làm việc toàn thời gian tại trường không?
Ở góc độ giảng viên, sinh viên khi chứng kiến những việc thuộc về trách nhiệm quản lý khoa hay đứng lớp không hoàn thành thì họ có quyền nghi ngờ tinh thần trách nhiệm lãnh đạo. Nếu sai luật thì cần thẳng thắn thừa nhận và dũng cảm xin lỗi, cam kết khắc phục trong vai trò đúng trách nhiệm.
Việc trưởng khoa có kinh nghiệm hay mối quan hệ với doanh nghiệp là điều rất tốt và mang lại lợi ích khi phát triển chương trình đào tạo sát thực tiễn. Việc kết nối doanh nghiệp tốt cũng giúp sinh viên cơ hội thực tập, việc làm… Tuy nhiên khác với việc "một chân đạp hai xuồng", trưởng khoa đồng thời giữ cương vị quản lý ở doanh nghiệp", bà Thủy nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận