"Tôi rất bức xúc khi được biết Trường Bùi Thị Xuân chấm điểm bài làm học sinh dựa trên lượt like và share trên Facebook, Zalo", phụ huynh Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, TP.HCM, phản ánh với Tuổi Trẻ Online.
Theo phụ huynh, Trường Bùi Thị Xuân thông báo sẽ cho học sinh khối 10 đi xem kịch Yêu là thoát tội ở Nhà hát Trần Hữu Trang. Mỗi học sinh sẽ đóng 65.000 đồng. Sau khi xem kịch xong, các học sinh sẽ làm bài thu hoạch theo nhóm từ 8 đến 10 em.
Bài thu hoạch sẽ được chấm điểm như sau: Thang điểm đánh giá là 10 điểm. Trong đó nội dung cảm nhận vở kịch: 3 điểm; thiết kế bài thu hoạch đẹp: 3 điểm; đăng trên Facebook và Zalo cá nhân được trên 100 like: 2 điểm; share trên trang cá nhân đạt trên 50 share: 2 điểm.
"Tôi được biết là điểm bài thu hoạch sẽ được dùng để cộng điểm thưởng vào môn ngữ văn.
Tôi đồng ý cho con mình đi xem kịch. Nhưng tôi không đồng tình việc trường chấm điểm bài làm của học sinh dựa vào lượt like, share trên Facebook, Zalo.
Trong việc đánh giá học sinh, chỉ có thầy cô giáo mới đủ khả năng và đủ thẩm quyền chấm điểm bài làm của học sinh. Tại sao lại phải nhờ vào lượt like, share trên Facebook, Zalo?", phụ huynh này nêu.
"Với những học sinh không sử dụng hoặc ít sử dụng mạng xã hội thì lấy đâu ra lượt like và share để có điểm? Chưa kể độ tuổi của học sinh trung học là rất hiếu thắng. Các con ai cũng muốn mình có được nhiều lượt like, nhiều lượt share nên sẽ phải đi nhờ người này, người kia like giùm, share giùm. Rồi sẽ có học sinh không lo học mà lo đi đếm lượt like, lượt share trên Facebook, Zalo thì sao?", phụ huynh thêm.
Hiệu trưởng nói gì việc 'đếm' like Facebook, Zalo chấm điểm?
Ông Huỳnh Thanh Phú, hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, cho biết: "Tôi đã đi xem vở kịch Yêu là thoát tội 19 lần. Nhận thấy đây là vở kịch hay, ý nghĩa nên nhà trường mới tổ chức cho học sinh đi xem.
Đây là hoạt động không bắt buộc. Học sinh nào đi và làm bài thu hoạch theo nhóm thì sẽ được cộng điểm thưởng vào môn ngữ văn. Tức là mỗi nhóm học sinh sẽ làm một clip, sau đó đăng trên Facebook, Zalo. Tùy vào sản phẩm, các em sẽ được cộng từ 1 - 2 điểm vào bài kiểm tra thường xuyên của môn ngữ văn".
Về thắc mắc của phụ huynh trong cách chấm điểm cũng như việc yêu cầu học sinh phải đăng bài trên Facebook, Zalo, ông Phú cho rằng: "Đây là cách nhà trường giáo dục học sinh sử dụng mạng xã hội một cách văn minh.
Ngày nay, mạng xã hội đang tồn tại một cách khách quan, gây đau đầu cho các nhà quản lý. Với một số người, thông tin không đúng, thông tin phản động cũng like, cũng share. Thì nay việc học sinh Trường Bùi Thị Xuân đăng lên mạng xã hội những clip là sản phẩm văn hóa của mình là lan tỏa cái hay, cái đẹp…".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận