Đêm qua 15-4, trang Sài Gòn của tôi trên Facebook (có hơn 1 triệu người theo dõi) đăng tải ảnh chụp bãi xe ở một trường đại học, trong đó có tấm bảng "khu vực để xe nợ môn" (được phóng lớn) kèm câu viết: "Có cần tàn ác với người nợ môn như vậy không? Sinh viên IUH".
"Khu vực để xe nợ môn" là ảnh cắt ghép
Dù ảnh trên đăng trên mạng xã hội lúc nửa đêm nhưng ngay sau đó đã thu hút hàng ngàn lượt like (thích), bình luận và chia sẻ.
Với hình ảnh trên, phần lớn mọi người đều nhận ra đó là bãi xe của Trường đại học Công nghiệp TP.HCM, vì trên bảng có chữ IUH (tên viết tắt tiếng Anh của trường này).
Trong số các bình luận, rất nhiều người tỏ ra ngạc nhiên "không hiểu sao nhà trường lại đặt tấm bảng vô duyên như vậy?". "Tại sao nhà trường lại phân biệt đối xử với người nợ môn như vậy?", "Sao nhà trường tàn ác quá! Nợ môn thì sao? Sinh viên nợ môn cũng là con người mà?"...
Nhiều bình luận cho rằng: "Cái bảng đó nhìn là thấy tổn thương rồi. Rồi có cần phải trình giấy xác nhận nợ môn ra rồi mới được vào không?".
Tuy nhiên, cũng có người gắn tên bạn bè mình đang là sinh viên theo học tại Trường đại học Công nghiệp TP.HCM để hỏi: "Ủa có luôn hả? Tại tôi qua trường cũng nhiều mà đó giờ làm gì thấy bảng này? Bạn vô xác minh giúp tôi"…
Một số người khẳng định đó là ảnh cắt ghép. Đồng thời cho rằng việc cắt ghép ảnh như vậy gây hiểu lầm, ảnh hưởng đến nhà trường.
Ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhà trường
Qua tìm hiểu của chúng tôi, trưa 11-4 tấm ảnh trên được đăng trên trang Sinh viên IUH. Từ đó tiếp tục được chia sẻ, bình luận rầm rộ trên nhiều trang, nhóm học sinh - sinh viên của nhiều trường.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Trung Nhân - trưởng phòng đào tạo Trường đại học Công nghiệp TP.HCM - khẳng định ảnh trên là cắt ghép và trang Sinh viên IUH cũng không phải là trang chính thức của nhà trường.
"Ảnh trên có thể do ai đó chế ra để đùa thôi. Tuy nhiên, việc làm này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của nhà trường. Đặc biệt hiện đang cao điểm tuyển sinh của trường, hình ảnh này có thể gây hiểu lầm với học sinh và phụ huynh" - ông Nhân nói.
Liên quan sự việc trên, luật sư Nguyễn Văn Hậu - phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM - cho biết việc đăng tải thông tin giả mạo, trong đó có hình thức cắt ghép hình ảnh, clip để nói xấu cá nhân, tổ chức khác trên mạng xã hội đều là hành vi vi phạm pháp luật.
Quy định của pháp luật (hành chính và hình sự) đều có các điều khoản về vấn đề tự do ngôn luận nếu xâm phạm lợi ích hợp pháp của người khác sẽ bị chế tài và xử phạt. Nghị định 15-2020 quy định phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi, trong đó có việc cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Đồng thời buộc người vi phạm phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm. Nếu tiếp tục vi phạm, theo quy định của Bộ luật Hình sự, người đó có thể bị xử phạt 10 - 30 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Mức phạt cao nhất của hình phạt này từ 3-5 năm tù.
"Theo tôi, với ảnh cắt ghép nơi giữ xe nợ môn như trên là làm tổn hại hình ảnh và thiệt hại cho nhà trường vì đã gây hiểu lầm trong học sinh ngay thời điểm tuyển sinh này. Nhà trường hoàn toàn có thể có văn bản đề nghị Sở Thông tin - Truyền thông xử lý các trang mạng đăng tải thông tin xấu độc này" - ông Hậu nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận