12/02/2021 09:06 GMT+7

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai: Những day dứt, trăn trở nhắc nhở trách nhiệm của tôi

XUÂN TRUNG - ĐÀ TRANG - LÊ KIÊN  thực hiện
XUÂN TRUNG - ĐÀ TRANG - LÊ KIÊN thực hiện

TTO - "Tôi không biết hoạt động chính trị của mình đã gọi là chuyên nghiệp hay chưa, nhưng tôi là người tận tâm với công việc cho dù được tổ chức phân công bất cứ nhiệm vụ gì..."

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai: Những day dứt, trăn trở nhắc nhở trách nhiệm của tôi - Ảnh 1.

Trưởng Ban Dân vận Trung ương TRƯƠNG THỊ MAI - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Tôi không biết hoạt động chính trị của mình đã gọi là chuyên nghiệp hay chưa, nhưng tôi là người tận tâm với công việc cho dù được tổ chức phân công bất cứ nhiệm vụ gì

Bà TRƯƠNG THỊ MAI

Cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ Xuân Tân Sửu, bà Trương Thị Mai không nói nhiều về công việc với tư cách ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Ban Dân vận trung ương, mà chủ yếu về những câu chuyện đời thường, những kỷ niệm đọng lại với người đã gần 25 năm làm đại biểu của dân.

Thăm những người quét rác trước giờ giao thừa

* Thưa bà, bà thường dành thời gian nghỉ Tết Nguyên đán cho những việc gì?

- Tôi thường đi thăm một số cụ lão thành, hưu trí trước khi về đón tết ở Đà Lạt quê tôi. Đã hơn chục năm nay, trước thời khắc giao thừa, tôi đều đến thăm những người công nhân vệ sinh, người quét rác cuối cùng ở chợ Đà Lạt, trước khi họ về sum vầy với gia đình. Họ là những người làm sạch đẹp thành phố du lịch này trước khi làm sạch đẹp nhà mình đón tết.

Những ngày tết, tôi cũng dành thời gian thăm họ hàng, người thân, gặp gỡ chúc tết một số cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thanh niên nơi mình sinh sống, nơi mình đã từng làm việc, nhưng không phải với tư cách ủy viên Bộ Chính trị mà là đồng chí, đồng đội của nhau.

Đó là những lúc tôi được sống lại thời tuổi trẻ sôi nổi của mình và cũng là dịp được lắng nghe những câu chuyện của cuộc sống đời thường.

* Từng giữ nhiều vị trí khác nhau, đồng thời là đại biểu Quốc hội (ĐBQH) năm khóa liên tục ở các địa bàn ứng cử khác nhau, sự gắn kết với cử tri, đồng chí, đồng đội có ý nghĩa như thế nào đối với bà?

- Với cá nhân tôi, không chỉ đến khi làm ĐBQH mới gắn bó với cử tri, với quần chúng, mà từ khi còn rất trẻ, làm công tác thanh niên ở Lâm Đồng.

Thời đó đường sá đi lại rất khó khăn, có ngày đi bộ đến 50 - 60km vào vùng sâu vùng xa, đi từ sáng sớm đến tối mới đến nơi để vận động, tổ chức hoạt động mà gần như không có phương tiện gì, chỉ có trách nhiệm và tấm lòng… dần dần, mọi việc thuận lợi hơn.

Quá trình đó cho tôi cảm nhận sâu sắc: hoạt động của một ĐBQH không thể có động lực mạnh mẽ, trách nhiệm thực sự nếu không gắn kết với cử tri, với những vấn đề của người dân trong cuộc sống.

Đó là yêu cầu, trách nhiệm của mình. Nếu một ĐBQH không xem trọng điều đó thì cử tri bầu ra mình để làm gì? Sự quan tâm, kết nối ngày càng nhiều hơn giữa người dân với các hoạt động của Quốc hội đã khẳng định như vậy.

* Bà nhớ nhất những câu chuyện nào trong những lần tiếp xúc với cử tri?

- Tôi đã 25 năm làm ĐBQH nên có rất nhiều kỷ niệm khó quên, trong đó có những chuyện cụ thể tuy mình góp phần giải quyết xong rồi nhưng vẫn còn day dứt.

Lần đầu được ứng cử và làm ĐBQH ở Cà Mau, tôi nhớ mãi một vụ án rất đau lòng (hiếp dâm, giết người) xảy ra ở huyện Đầm Dơi, dù đã qua các cấp xét xử nhưng vẫn gây bức xúc xã hội, gia đình nạn nhân vẫn đi kiện, thậm chí đào cả hài cốt của nạn nhân lên.

Lúc đó tôi đang là bí thư Trung ương Đoàn, ĐBQH, đã cùng một số phóng viên tiếp cận, đưa kiến nghị của cử tri về vụ án lên báo, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cũng nhiều lần chất vấn vấn đề này tại Quốc hội.

Rồi tôi xin gặp viện trưởng Viện KSND tối cao Hà Mạnh Trí. Sau đó, cơ quan chức năng phải kỷ luật một số người tham gia quá trình tố tụng, người dân mới đồng tình. Hay câu chuyện ở Trà Vinh, một thầy giáo bị bắt oan và khép tội hiếp dâm, sau đó phải đình chỉ điều tra.

Tôi đã đề nghị cơ quan có trách nhiệm minh oan để thầy giáo đó được trở lại trường dạy học. Sau này anh ấy ra Hà Nội tìm gặp cảm ơn tôi. Những câu chuyện như vậy luôn nhắc nhở tôi trách nhiệm ĐBQH của mình. Vốn sống đó giúp tôi có thêm kinh nghiệm để ứng xử với vấn đề gặp phải trong công việc, trong cuộc sống.

* Đó là những câu chuyện thân phận con người, còn những chuyện quốc kế dân sinh, thưa bà?

- Sau năm nhiệm kỳ làm ĐBQH, điều tôi trăn trở nhất vẫn là những vụ khiếu kiện về đất đai. Có những trường hợp quyền lợi của người dân trong vùng quy hoạch "treo" kéo dài hết thế hệ này đến thế hệ khác vẫn chưa giải quyết được.

Giá đền bù đã được quy định là phải sát với giá thị trường, nhưng làm sao xác định được chính xác giá thị trường để người dân không thiệt thòi.

Đất ở ranh giới hai địa phương hay ranh giới đô thị - nông thôn luôn chênh lệch nhau rất lớn, xác định ra sao cho phù hợp với thị trường hoàn toàn không đơn giản… Mặc dù Luật đất đai đã sửa đổi nhiều lần nhưng đến nay tình hình thực tế vẫn tiếp tục đặt ra những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung mới giải quyết rốt ráo được.

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai: Những day dứt, trăn trở nhắc nhở trách nhiệm của tôi - Ảnh 3.

Bà TRƯƠNG THỊ MAI thăm và tặng quà cho bà con vùng lũ huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) - Ảnh: QUỐC NAM

Sau năm nhiệm kỳ làm ĐBQH, điều tôi trăn trở nhất vẫn là những vụ khiếu kiện về đất đai. Mặc dù Luật đất đai đã sửa đổi nhiều lần, nhưng đến nay tình hình thực tế vẫn tiếp tục đặt ra những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung mới giải quyết rốt ráo được.

Bà TRƯƠNG THỊ MAI

Bài học niềm tin từ thiên tai, dịch bệnh

* Năm 2020 trôi qua đầy biến động với biết bao thiên tai, dịch bệnh, bà có thể chia sẻ với bạn đọc về những cảm xúc, hình ảnh nào đọng lại trong bà?

- Với tôi, hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ có mặt kịp thời, vận động và tổ chức cho hàng trăm ngàn người dân đến nơi an toàn, sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy, thậm chí hi sinh cả tính mạng tại các tuyến đầu phòng chống dịch bệnh, ngay trong thiên tai, bão lũ, các sự cố nghiêm trọng hàng tháng trời để hỗ trợ, giúp đỡ người dân, tìm kiếm người mất tích… đã để lại những bài học rất sâu sắc về niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Đồng thời, chúng ta cũng thấy được tinh thần tương thân tương ái hết sức cảm động. Trong khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp và nhiều người dân vẫn chung tay đóng góp hàng ngàn tỉ đồng, trang thiết bị y tế, lương thực thực phẩm.

Chúng ta cũng chứng kiến hình ảnh cụ già đong gạo, hái rau trong vườn nhà, các cháu học sinh lấy tiền tiết kiệm trong những con heo đất, nhiều chị phụ nữ góp công gói bánh chưng gởi cho vùng bị thiên tai…

Đó là những hình ảnh hơn vạn lời nói, minh chứng cho truyền thống văn hóa tốt đẹp của người VN "bầu ơi thương lấy bí cùng" mà một người làm công tác dân vận như tôi rất thấm thía.

* Các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XIII đã nhận được sự góp ý của nhiều tầng lớp nhân dân. Trực tiếp tham dự các hội nghị đóng góp ý kiến cho văn kiện, chắc bà tiếp nhận được nhiều góp ý tâm huyết, xác đáng?

- Có những góp ý rất cụ thể và rất đáng suy nghĩ. Chẳng hạn có ý kiến phân tích về lợi ích của Đảng được đề cập trong văn kiện với lập luận rằng: Đảng ta luôn xác định mọi lợi ích của Đảng suy cho cùng cũng chính là lợi ích của nhân dân, cho nên có cần thiết đề cập tới lợi ích của Đảng hay không?

Khi tham dự các cuộc góp ý, tôi luôn ghi rõ tên người góp ý, nội dung góp ý vào dự thảo văn kiện, bảo đảm được tập hợp đầy đủ, chi tiết để gởi đến các cơ quan, bộ phận có trách nhiệm đánh giá, tiếp thu.

Nhìn chung, quá trình lấy ý kiến nhân dân đối với các dự thảo văn kiện đại hội Đảng tuy ở nhiều góc độ khác nhau nhưng đều mong muốn Đảng phải trong sạch, vững mạnh để đảm bảo lãnh đạo đất nước phát triển thành công. Cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm xứng đáng là công bộc của dân, hết lòng vì cuộc sống nhân dân.

* "Nhân dân" được thể hiện trong các văn kiện lần này có gì khác với những đại hội trước?

- Yếu tố "Nhân dân" bao quát trong toàn bộ các dự thảo văn kiện, từ Báo cáo chính trị đến Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và Báo cáo về công tác xây dựng Đảng. Suy cho cùng, cuộc sống của nhân dân chính là yêu cầu cao nhất đối với Đảng, một đất nước phát triển thì cuộc sống của nhân dân phải ấm no, hạnh phúc.

Các đột phá của Báo cáo chính trị trong Đại hội XIII đã bổ sung, nhấn mạnh vấn đề phát huy sức mạnh con người VN, văn hóa VN cho sự nghiệp đổi mới, phát triển.

Tiếp tục cụ thể cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ" và bổ sung phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng". Điều quan trọng đó là những vấn đề này phải đi vào cuộc sống một cách thực chất.

* Với cá nhân bà, hai chữ "nhân dân" thường gợi lên điều gì?

- Hai chữ "nhân dân" luôn gợi cho tôi nhớ đến câu nói của Bác Hồ trong tác phẩm Dân vận, đó là: "Bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân", và thấy rằng không chỉ nhận thức mà còn là hành động trong thực tiễn để quan điểm này ngày càng sâu sắc hơn.

Công việc gì cũng có thể cống hiến cho đất nước

* Sự phát triển mạnh mẽ của Internet đã kết nối hàng chục triệu người Việt Nam tham gia các mạng xã hội, bày tỏ ý kiến thông qua các mạng xã hội. Bà có thường vào các mạng xã hội để nắm bắt dư luận? "Đời sống" trên mạng xã hội đặt ra những gì với công tác dân vận, thưa bà?

- Hoạt động của mạng xã hội diễn ra hằng ngày, hằng giờ, không còn phân biệt thời gian, không gian, thành phần xã hội… Nhiều cộng đồng mạng hình thành, có những cộng đồng rất lớn, có những địa chỉ hàng trăm, hàng triệu người theo dõi…

Tôi vẫn thường dành thời gian trong ngày để tiếp cận những vấn đề mạng xã hội có nhiều quan tâm. Đó là một kênh không thể không quan sát, tham khảo để phục vụ cho công việc của mình.

Tất nhiên bên cạnh những mặt hữu ích và tích cực, mạng xã hội cũng có nhiều vấn đề rất đáng lưu ý, nhất là thông tin giả, kích động, cực đoan, vi phạm pháp luật tác động tiêu cực đến xã hội, nhất là giới trẻ, vì vậy công tác dân vận không thể không quan tâm vấn đề này.

Ban Dân vận trung ương hằng tuần đều có báo cáo phân tích những vấn đề quan tâm của mạng xã hội cùng với xu hướng, thái độ đối với những vấn đề đó để nghiên cứu, góp phần cho công việc sát hơn, kịp thời hơn với thực tiễn đời sống.

* Bà có thường nhận được những câu hỏi khó của các bạn trẻ về công việc và cuộc sống?

- Nhiều lắm! Các bạn trẻ hay hỏi tôi rằng: "Em có nhất thiết phải phấn đấu vào bộ máy nhà nước để được cống hiến nhiều hơn không?". Có không ít bạn băn khoăn: "Chưa hoặc không phải là đảng viên thì chúng em sẽ tham gia vào công việc chung của đất nước như thế nào?".

Tôi nghĩ rằng, với mỗi người VN yêu nước, dù ở bất cứ vị trí nào, công việc gì, bằng trí tuệ, tấm lòng và trái tim nhiệt huyết, đều có thể đóng góp cho xã hội.

Là bạn đọc lâu nay của báo Tuổi Trẻ, chứng kiến những gì đã làm được hơn 30 năm qua của chương trình "Vì ngày mai phát triển", trong đó đặc biệt là "Tiếp sức đến trường", nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn đã được giúp đỡ để tiếp tục ước mơ học tập, nhiều em trong số đó đã trưởng thành và trở lại đồng hành cùng chương trình, tạo sức lan tỏa ngày càng lớn. Chương trình đã chắp cánh, mang lại niềm hi vọng và hoài bão cống hiến cho đất nước của các bạn trẻ.

Trong số đó, tôi có biết một học sinh rất giỏi nhận được học bổng này, sau khi du học ở châu Âu trở về làm việc cho một công ty nước ngoài. Khi công ty trúng gói thầu một dự án công, bạn ấy nghiên cứu và đề xuất điều chỉnh làm lợi cho ngân sách hàng chục tỉ đồng...

Bây giờ đã thành đạt, bạn ấy luôn nhớ về sự giúp đỡ của chương trình để luôn tâm niệm phải sống có ích cho xã hội. Tôi từng kể câu chuyện này tại các diễn đàn với các bạn trẻ để truyền đi thông điệp rằng công việc nào, vị trí nào cũng có thể thể hiện tình yêu Tổ quốc, hành động để cống hiến cho đất nước, cho nhân dân.

Hồi nhỏ, tôi mơ ước làm nhà báo hoặc luật sư

* Làm một chính trị gia chuyên nghiệp có phải là sự lựa chọn của bà ngay từ thời còn là thanh niên không?

- Tôi không biết hoạt động chính trị của mình đã gọi là chuyên nghiệp hay chưa, nhưng tôi là người tận tâm với công việc cho dù được tổ chức phân công bất cứ nhiệm vụ gì. Hồi đi học phổ thông, tôi mơ ước làm nhà báo hoặc luật sư vì nghĩ rằng tính cách của mình có thể làm tốt công việc này.

Nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, không thể đi học xa mà học tại Đà Lạt thì ít ngành, nên tôi chọn sư phạm. Tôi nhớ hai năm đầu đi dạy học, được phân công dạy thực hành, lớp toàn học sinh cá biệt.

Cô giáo vừa trẻ tuổi, vừa thiếu kinh nghiệm sống nên rất vất vả. Sau này, các em trưởng thành, có công ăn việc làm, nhiều em vẫn nhớ đến tôi, nhớ đến những câu chuyện tôi đã từng nói với các em, quay lại thăm cô khiến tôi rất xúc động dù các em ấy chỉ nhỏ hơn tôi có vài tuổi.

Đến khi tham gia làm công tác Đoàn, trở thành ĐBQH rồi làm công tác Đảng, công việc cứ kéo tôi đi cho đến bây giờ.

Bà Trương Thị Mai thăm bà con vùng sạt lở ở huyện miền núi Quảng Nam Bà Trương Thị Mai thăm bà con vùng sạt lở ở huyện miền núi Quảng Nam

TTO - Huyện Nam Trà My, Quảng Nam là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ và sạt lở đất trong năm 2020. Tại đây đã có 19 người chết, 33 người bị thương, 13 người mất tích vẫn chưa tìm thấy.

XUÂN TRUNG - ĐÀ TRANG - LÊ KIÊN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0