25/02/2023 08:32 GMT+7

Trung Quốc và đàm phán Nga - Ukraine

Ngày 24-2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố 12 điểm trong lập trường của Bắc Kinh về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Tổng thống Putin gặp nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị tại Matxcơva vào ngày 22-2 - Ảnh: AFP

Tổng thống Putin gặp nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị tại Matxcơva vào ngày 22-2 - Ảnh: AFP

Tài liệu này được đưa ra tròn một năm từ lúc Nga khởi động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine. Việc công bố lập trường đối với vấn đề Nga - Ukraine cũng trùng khớp với giai đoạn Trung Quốc thúc đẩy các hoạt động ngoại giao sau thời gian tập trung chống dịch COVID-19.

Các lệnh trừng phạt đơn phương và áp lực tối đa không thể giải quyết vấn đề, chúng chỉ tạo ra vấn đề mới. Trung Quốc phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương không có sự cho phép của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Tài liệu của Trung Quốc nêu quan điểm về các đợt trừng phạt đơn phương

Kêu gọi kiềm chế

Tinh thần chung trong tài liệu gồm 12 điểm của Trung Quốc về tình hình Ukraine là kêu gọi các bên kiềm chế, tránh leo thang căng thẳng hạt nhân, thúc giục đàm phán hòa bình và cho rằng cộng đồng quốc tế nên tạo điều kiện để tái lập các cuộc đàm phán ấy.

Nội dung trên phản ánh những phát biểu của quan chức Trung Quốc trước đây. Họ luôn nhấn mạnh Trung Quốc sẽ đóng vai trò mang tính xây dựng và kêu gọi đối thoại để giải quyết bằng phương pháp hòa bình.

Phương Tây không xa lạ gì với cách tiếp cận này. Họ đã kỳ vọng Trung Quốc là nhân tố có khả năng thúc đẩy các giải pháp hòa bình cho Ukraine vì Bắc Kinh vẫn duy trì mối quan hệ tốt với Nga. Lãnh đạo Nga - Trung đã khẳng định quan hệ hợp tác hai bên là "không giới hạn".

Nhìn chung, giới chức phương Tây phản ứng dè dặt đối với giải pháp 12 điểm của Trung Quốc. Một mặt, họ ca ngợi tín hiệu tích cực từ việc Trung Quốc đã lên tiếng, thể hiện vai trò quốc tế và cho biết sẽ nghiên cứu thêm về lập trường của Bắc Kinh.

Mặt khác, họ cũng thận trọng trước các hướng giải quyết của Trung Quốc. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen vào hôm 24-2 thậm chí cho rằng đó không phải "kế hoạch hòa bình" mà chỉ là một số "nguyên tắc" mà Trung Quốc chia sẻ. Nói như phát ngôn viên của Chính phủ Đức, điều tốt là Trung Quốc đã trình bày kế hoạch về Ukraine và thể hiện trách nhiệm, nhưng lưu ý rằng Bắc Kinh nên thảo luận kế hoạch 12 điểm ấy với Kiev.

Đây cũng là hướng đi được phía Ukraine tán đồng. Trước đó vào hôm 23-2, Tổng thống Vododymyr Zelensky cho biết ông mong muốn gặp gỡ phía Trung Quốc để thảo luận về giải pháp chính trị của Bắc Kinh.

Đồ họa: T.ĐẠT

Đồ họa: T.ĐẠT

Còn nhiều câu hỏi

Tuy nhiên, kế hoạch 12 điểm của Trung Quốc vẫn để lại nhiều dấu hỏi. Đơn cử, ngay trong điểm đầu tiên, Trung Quốc khẳng định phải tôn trọng chủ quyền của mọi quốc gia. Câu này có hai cách hiểu. 

Phương Tây yêu cầu Matxcơva phải tôn trọng chủ quyền của Ukraine và rút khỏi các vùng lãnh thổ đã sáp nhập. Trong khi đó, nếu một quốc gia khác thừa nhận bốn vùng lãnh thổ Ukraine sáp nhập vào Nga thì hàm ý của Trung Quốc sẽ được hiểu khác đi. 

Tóm lại, việc công nhận đâu là "hiện trạng" sẽ đóng vai trò then chốt cho đàm phán hòa bình. Ukraine nhiều lần tuyên bố sẽ không chấp nhận mất đất, còn Nga lại khẳng định bốn vùng sáp nhập sẽ mãi mãi thuộc về Nga.

Điểm thứ hai trong kế hoạch trên cũng dự kiến cần được thảo luận sâu. Trung Quốc kêu gọi tránh "tâm lý Chiến tranh lạnh", khẳng định rằng an ninh của một quốc gia không nên được theo đuổi bằng chi phí của một quốc gia khác. "An ninh của một khu vực không nên đạt được bằng cách tăng cường hay mở rộng các khối quân sự", tài liệu nêu.

"Các khối quân sự" có thể là điểm khiến Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khó hài lòng. Lâu nay, Nga vẫn khẳng định phải khởi động "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine cũng vì NATO liên tục mở rộng, đe dọa an ninh Nga. Quan điểm của Trung Quốc vì vậy đi ngược lại với lập trường của NATO.

Thêm vào đó, trong khi phương Tây bày tỏ lo ngại trước khả năng Trung Quốc cung cấp vũ khí sát thương cho Nga, Bắc Kinh cũng có những phát biểu chống lại "tiêu chuẩn kép" này. Hôm 23-2, Phó đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Đới Bình khẳng định việc gửi vũ khí tới chiến trường Nga - Ukraine không mang tới hòa bình. "Thêm dầu vào lửa sẽ chỉ làm tăng căng thẳng", ông nói.

Cụm từ "thêm dầu vào lửa" được các quan chức Trung Quốc lặp lại không ít lần trong những ngày qua. Nhà ngoại giao của Trung Quốc và Đức đã tranh luận tại Liên Hiệp Quốc quanh chuyện cung cấp vũ khí. Trung Quốc không hài lòng việc Mỹ cảnh báo rằng việc Trung Quốc cung cấp vũ khí sát thương cho Nga sẽ là "lằn ranh đỏ", trong khi chính Mỹ và NATO đã viện trợ vũ khí cho Ukraine.

Nói cách khác, rất có thể các vấn đề trên chỉ được giải quyết khi Trung Quốc đàm phán trực tiếp với Ukraine và phương Tây trong thời gian tới. Và tranh luận về cung cấp vũ khí liệu có ảnh hưởng tới việc viện trợ của phương Tây cho Ukraine?

Trung Quốc công bố lập trường giải quyết xung đột Nga-UkraineTrung Quốc công bố lập trường giải quyết xung đột Nga-Ukraine

Ngày 24-2, tròn một năm chiến sự ở Ukraine, Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố tài liệu nêu lập trường về các giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên