Phái đoàn Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc hiện nay bao gồm ông Cảnh Sảng, cựu phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Ảnh chụp màn hình
Công hàm của Trung Quốc được đăng trên trang web của Ủy ban ranh giới thềm lục địa Liên Hiệp Quốc ngày 19-9 gồm 4 điểm chính, bắt đầu bằng việc tố các nước có động cơ bí mật khi diễn giải sai luật quốc tế.
"Trung Quốc phản đối việc sử dụng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 như một công cụ chính trị để công kích nước khác", phái đoàn Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) nhấn mạnh.
"Các quốc gia nên diễn giải và áp dụng các luật biển quốc tế, bao gồm UNCLOS một cách chân thành, toàn diện và chính xác. Mọi hành vi giải thích và sử dụng UNCLOS một cách phi lý, bất hợp pháp đều có động cơ bí mật", phái đoàn Trung Quốc tại LHQ lập luận, nhấn mạnh Trung Quốc là nước ủng hộ và tham gia tích cực vào quá trình xây dựng, cải tiến UNCLOS.
Bắc Kinh khẳng định ngay từ đầu công hàm đây là sự đáp trả đối với công hàm của ba nước Anh, Pháp và Đức (nhóm E3) ngày 16-9. Trong đó, nhóm E3 cho rằng yêu sách đường cơ sở thẳng và "quyền lịch sử" mà Trung Quốc đưa ra là không phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.
Nhóm E3 cũng kêu gọi duy trì sự toàn vẹn của UNCLOS và quyền tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, nhắc lại phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài quốc tế về Biển Đông đã bác bỏ yêu sách "quyền lịch sử" của Trung Quốc.
Tàu sân bay Liêu Ninh và các tàu chiến khác của Trung Quốc phô diễn sức mạnh trên Biển Đông - Ảnh: AFP
Công hàm của Trung Quốc kết thúc rằng nước này đang đóng góp cho hòa bình, ổn định ở Biển Đông và giải quyết tranh chấp "thông qua tham vấn hữu nghị với các nước liên quan trực tiếp".
"Các nước liên quan nên tôn trọng chủ quyền lãnh thổ, các quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như các nỗ lực chung của Trung Quốc và ASEAN nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông", công hàm của Trung Quốc nêu.
"Cuộc chiến công hàm" về Biển Đông - cách gọi hiện nay của nhiều người trước việc các nước liên tục gửi công hàm/công thư lên Liên Hiệp Quốc phản đối yêu sách phi lý của Trung Quốc - phát sinh sau một công hàm do Malaysia đệ trình lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc (CLCS) vào tháng 12-2019.
Sau khi Mỹ đưa ra lập trường mới về Biển Đông ngày 14-7, lần lượt các nước không nằm ven Biển Đông như Úc, Anh, Pháp và Đức đã gửi công hàm lên CLCS phản bác các yêu sách của Trung Quốc và chỉ ra những điểm không phù hợp với UNCLOS.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận