09/03/2017 09:40 GMT+7

Trung Quốc phê chuẩn 38 thương hiệu cho nhà Trump

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Cơ quan chức năng Trung Quốc vừa phê chuẩn sơ bộ việc đăng ký 38 thương hiệu mới của tập đoàn Trump, mở đường cho gia đình Tổng thống Mỹ phát triển kinh doanh tại nước này. 

Một tấm bảng quảng cáo về dịch vụ kinh doanh của Trump Organization tại Trung Quốc - Ảnh: AP
Một bảng quảng cáo dịch vụ kinh doanh của Trump Organization tại Trung Quốc - Ảnh: AP

Theo đài NBC, trong số 38 thương hiệu mới này, ngoại trừ 3 thương hiệu, còn tất cả đều gắn với tên của tổng thống Mỹ Donald Trump.

Các thương hiệu liên quan tới nhiều lĩnh vực kinh doanh từ khách sạn, bảo hiểm, làm đẹp, sân golf, tài chính, bất động sản, bán lẻ, cho tới nhà hàng, quán bar dịch vụ bảo vệ, hộ tống….

Các luật sư của tập đoàn Trump tại Trung Quốc đã nộp đơn đăng ký thương hiệu từ tháng 4-2016, tức thời điểm ông Trump đang vận động tranh cử và cực lực lên án Trung Quốc như một quốc gia thao túng tiền tệ và đánh cắp việc làm của người Mỹ.

Theo đài BBC, trước đợt phê chuẩn này, ông Trump đã sở hữu khoảng 70 thương hiệu tại Trung Quốc.

Động thái phê chuẩn hàng loạt thương hiệu của tập đoàn Trump đã làm dấy lên những quan ngại trong công luận Mỹ về các xung đột lợi ích giữa Tổng thống và việc kinh doanh của gia đình.

Có vi phạm Hiến pháp?

Nếu Tổng thống Trump nhận được bất cứ biệt đãi nào trong việc bảo vệ các thương hiệu của ông, điều này sẽ vi phạm Hiến pháp nước Mỹ. Hiến pháp Mỹ quy định rất rõ là các quan chức không được phép nhận bất cứ quyền lợi giá trị nào từ các chính phủ nước ngoài, trừ khi được Quốc hội phê chuẩn.

Ông Dan Plane, thuộc hãng tư vấn về quyền sở hữu trí tuệ Simone IP Services ở Hong Kong, bình luận rằng chưa bao giờ thấy hiện tượng có quá nhiều đơn xin đăng ký thương hiệu được phê chuẩn nhanh chóng như thế. Với ông, đó là sự bất thường.

Ông Richard Painter, người từng giữ cương vị luật sư cố vấn đạo đức dưới thời tổng thống George W. Bush, cũng cho rằng việc chấp thuận số lượng lớn thương hiệu như thế rõ ràng là "tín hiệu không bình thường".

Ông Painter giải thích: "Một thương hiệu, một bản quyền sáng chế hay một bản quyền thông do một chính phủ nước ngoài cấp chắc chắn không phải là một lợi ích vi hiến. Tuy nhiên với quá nhiều thương hiệu được chấp thuận trong khoảng thời gian ngắn như vậy, câu hỏi đặt ra là liệu có hay không sự dàn xếp cho một vài trường hợp trong số đó".

Bà Spring Chang, thành viên sáng lập của hãng luật Chang Tsi & Partners có trụ sở tại Bắc Kinh và cũng là hãng luật đại diện cho tập đoàn Trump Organization, đã từ chối bình luận về các thương hiệu của nhà Trump.

Tuy nhiên bà Chang giải thích thêm: "Cho tới nay tôi không thấy có bất cứ sự biệt đãi nào trong những trường hợp liên quan tới khách hàng của mình. Tôi nghĩ mọi việc rất công bằng và tiêu chuẩn kiểm tra cũng rất bình đẳng với mọi đơn đăng ký".

Ngay trước lễ nhậm chức Tổng thống, ông Trump đã ký bàn giao toàn bộ việc quản lý doanh nghiệp cho các con trai - một động thái mà giới quan sát đánh giá là "vẫn chưa đủ" để tránh được những xung đột lợi ích tiềm ẩn.
D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên