02/02/2017 15:21 GMT+7

Ông Trump đang nhường sân chơi cho Trung Quốc

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Tư tưởng "Người Mỹ trên hết" và chống toàn cầu hóa của Tổng thống Donald Trump đang tạo thêm cơ hội cho sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc gặp tại văn phòng của Liên Hiệp Quốc ở Geneva, Thụy Sĩ - Ảnh: Reuters

Sự xuất hiện của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Davos hồi tháng 1 năm nay mang theo một thông điệp quan trọng. Đó là lần đầu tiên một Chủ tịch nước Trung Quốc tham dự WEF, là chỉ dấu cho thấy một Trung Quốc đang chuyển mình mạnh mẽ trong bối cảnh một nước Mỹ đang muốn thoát khỏi vũ đài quốc tế.

Xông vào châu Phi

“Sẽ không ai giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh thương mại”, ông Tập đã khẳng định như thế trong bài phát biểu tại WEF.

Điều đó không hoàn toàn đúng. Khi nước Mỹ “gây hấn” với Mexico bằng một bức tường dọc biên giới và thuế, khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương cùng tuyên bố sẽ mang việc làm trở lại nước Mỹ, Trung Quốc đã đặt một chân vào vũ môn ở những nơi mà nước Mỹ đã và sẽ thất bại trong việc phát huy đúng tầm ảnh hưởng của nó.

Châu Phi, một lục địa giàu tài nguyên khoáng sản, nơi tồn tại của những quốc gia dân chủ - hòa bình và kém dân chủ - chiến tranh, nơi mà nước Mỹ trong hơn một thập kỷ đã không đoái hoài, là một ví dụ điển hình.

Nguồn tài nguyên quan trọng nhất của lục địa này phải kể đến là dầu mỏ và đất hiếm - thành phần chính hiện hữu gần như trong tất cả các thiết bị điện tử, từ điện thoại di động, xe hơi đến vũ khí công nghệ cao.

Mỹ - quốc gia có nền công nghiệp quốc phòng hàng đầu thế giới - khó lòng thoát khỏi nhu cầu về nguồn nguyên liệu này.

Thế mà Trung Quốc hiện là quốc gia khai thác đất hiếm nhiều nhất thế giới. Trung Quốc lại có "bài tẩy" là láng giềng CHDCND Triều Tiên - quốc gia đối đầu với Mỹ và là nước có trữ lượng đất hiếm nhiều nhất thế giới.

Hẳn nhiên nước Mỹ có các giá trị dân chủ của riêng mình và chính điều đó đã ngăn cản Washington hiện diện quá nhiều ở châu Phi, đây lại là cơ hội cho Bắc Kinh.

Hàng chục tỉ USD đã được Trung Quốc rót vào những dự án đường sắt, cảng biển, đường cao tốc ở lục địa đen. Chúng không những làm thay đổi bộ mặt cơ sở hạ tầng của nhiều nước, mà quan trọng hơn cả đã tạo dựng được những nền tảng cho sự hiện diện lâu dài những ảnh hưởng của Trung Quốc.

Lấn đến Mỹ Latin

Mỹ Latin - một khu vực từng bị xem là “sân sau” của Washington, đã bắt đầu mở cửa đón những luồng gió mới từ bên ngoài. Như một mệnh đề đối nghịch, nước Mỹ của ông Trump càng khép chặt cánh cửa bao nhiêu, Mỹ Latin sẽ càng rộng cửa đón mời những nước khác, bao gồm cả Trung Quốc và Nga.

Đẩy Mexico ra xa, Mỹ mất nhiều hơn là được và người được nhiều nhất là Trung Quốc. Mexico, một quốc gia láng giềng nhiều tiềm năng, đối tác thương mại lớn thứ ba của Mỹ, hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong cuộc chiến chống ma túy, giờ đang tìm cách “thoát Mỹ” và Trung Quốc nổi lên như một lựa chọn tiềm năng.

Các ngành công nghiệp ôtô, máy tính và lọc dầu của Mexico là miếng bánh ngọt cho các nhà đầu tư Trung Quốc - những người giờ đã có nhiều cơ hội hơn để chen chân vào các khoảng trống bị bỏ lại bởi các công ty Mỹ dưới sức ép của chính quyền mới phải rút về nước.

Quan trọng hơn, Bắc Kinh có thể sử dụng Mỹ Latin cho các mục tiêu chiến lược khác. Tham vọng của Trung Quốc về việc xây dựng một siêu kênh đào ở Nicaragua để cạnh tranh với kênh đào Panama đã dần lụi tàn trong thời gian gần đây.

Nhưng một Mexico thân thiện với Trung Quốc có thể thổi bùng lên một tham vọng khác: xây dựng một kênh đào khác ở eo đất Tehuantepec hoặc làm sống lại giấc mơ của người Mexico những năm 1990 về một tuyến đường sắt ngang dọc đất nước nối hai bờ đại dương.

Tất nhiên, sẽ mất một thời gian dài nữa để Trung Quốc có thể choáng hết những chỗ trống mà nước Mỹ sẽ rời đi.

Các định chế toàn cầu mà nước Mỹ tạo dựng như Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Thương mại thế giới sẽ không thể vì mất đi Mỹ mà sụp đổ nhanh chóng. Tương tự, những sáng kiến thúc đẩy vai trò toàn cầu của Trung Quốc sẽ không thể ngày một ngày hai mà thành công.

Người phương Tây có một câu rất hay “Thành Rome không thể xây trong một ngày”, ý mượn sự hoành tráng của thành Rome dưới đế chế La Mã khi xưa mà muốn nhắc nhở rằng việc gì cũng cần có thời gian để hoàn tất.

Người ta hẳn phải nên dành sự kiên nhẫn về thời gian đối với một chính quyền mới, nhưng hãy nhìn cách mà thế giới và người Mỹ phản ứng khi chỉ sau 10 ngày ông Trump nhậm chức. Đó chắc chắn không phải là sự biểu hiện của cái gọi là sự kiên nhẫn.

Những gì mà nước Mỹ có bây giờ cũng như thành Rome ngày trước, là thành tựu của hàng chục năm kiến thiết và bây giờ Trung Quốc đang bắt đầu xây dựng thành Rome của chính họ.

Thế giới đã bước vào thời kỳ toàn cầu hóa, thời mà Mỹ không phải là sự lựa chọn duy nhất của các nước khác. 

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên