Trung Quốc được xem là một trong những nhân tố có sức ảnh hưởng lớn nhất tới cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Đây là cuộc gặp trực tiếp giữa lãnh đạo Trung Quốc và Nga, lần đầu tiên từ sau khi Matxcơva khởi động "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine, vì vậy thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế và được cho là hai nước đang xích lại gần nhau giữa bối cảnh quốc tế hiện nay.
Gọi nhau là "bằng hữu"
Chiều 20-3 (giờ Nga), tức tối cùng ngày theo giờ Việt Nam, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Điện Kremlin gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Đón ông Tập tại Điện Kremlin, ông Putin đã gọi nhà lãnh đạo Trung Quốc là "một bằng hữu". "Tôi rất vui khi ông đã dành thời gian để đến đây", ông Putin nói và gọi việc ông Tập chọn Nga là điểm đến đầu tiên sau khi được bầu làm chủ tịch nước (nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp - PV) là một "biểu tượng".
Ông Putin sau đó phát biểu một cách ngoại giao rằng Nga "có hơi ghen tị" với sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc mấy năm qua. Ông cũng bày tỏ tin tưởng dưới sự lãnh đạo của ông Tập, Trung Quốc sẽ trở nên mạnh mẽ hơn nữa.
Ông Putin kế đó nói Nga đánh giá cao Bắc Kinh đã có "lập trường cân bằng" về vấn đề Ukraine và sẽ cùng nhau thảo luận về các đề xuất của Trung Quốc cho vấn đề này. Ông khẳng định nước Nga cởi mở với tiến trình đàm phán về Ukraine.
Sau phần phát biểu của ông Putin, thông qua phiên dịch viên, ông Tập đáp lại rằng ông Putin cũng là một bằng hữu của ông.
Theo ông, mối quan hệ Trung Quốc - Nga như hiện nay là một logic của lịch sử và cho rằng Bắc Kinh nên có quan hệ gần gũi với Nga. Ông cũng cảm ơn ông Putin vì những ủng hộ mà Nga đã dành cho Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc đề cập đến cuộc bầu cử tổng thống Nga vào năm 2024, tin chắc rằng người dân Nga sẽ tiếp tục ủng hộ ông Putin.
Tiếp cận cân bằng?
Với tư cách một cường quốc, Trung Quốc đã bày tỏ mong muốn đóng góp vào tiến trình đàm phán hòa bình ở Ukraine.
Trong bài viết được ông Tập ký tên gửi báo chí Nga trước chuyến đi, nhà lãnh đạo Trung Quốc nhắc lại "lập trường khách quan và vô tư, dựa trên giá trị của vấn đề, đồng thời tích cực thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình" của nước này.
Vẫn còn khá nhiều tranh luận về cách tiếp cận của Trung Quốc trong kế hoạch hòa bình 12 điểm được Bắc Kinh công bố tháng trước. Vì vậy giới quan sát kỳ vọng sẽ nhìn thấy những tín hiệu mới nhất cho đàm phán hòa bình sau cuộc gặp giữa ông Tập và ông Putin.
Hôm 20-3, Điện Kremlin cũng cho hay Tổng thống Putin sẽ nêu rõ quan điểm của Nga về cuộc chiến Ukraine trong cuộc gặp Chủ tịch Tập Cận Bình.
Trong mắt nhiều nước phương Tây, Trung Quốc cần chứng tỏ sự trung lập như đã nói về tình hình Ukraine, xét thực tế rằng mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Matxcơva đã ngày càng gần gũi hơn.
Trong thời điểm Nga chịu áp lực trừng phạt kinh tế của phương Tây, Trung Quốc xuất hiện như một đối tác hoàn hảo. Thậm chí một vài luồng ý kiến còn lo ngại việc Trung Quốc cung cấp vũ khí sát thương cho Nga, dù có ít bằng chứng chứng minh việc này.
Tại Nga, ông Tập được cho sẽ chọn cách tiếp cận cân bằng nhằm giải quyết hai vấn đề.
Thứ nhất, ông vẫn cần thuyết phục các đối tác kinh tế ở châu Âu về cách Trung Quốc xử lý xung đột. Có tin ông Tập sẽ điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sau khi kết thúc chuyến thăm Nga.
Báo Financial Times cho rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ "kiểm tra giới hạn về tình hữu nghị với ông Putin".
Tờ báo này dẫn lời bà Yu Jie, nhà phân tích cấp cao về Trung Quốc tại Chương trình châu Á - Thái Bình Dương của Chatham House, cho rằng ông Tập sẽ điện đàm với ông Zelensky bởi vì "Trung Quốc đơn giản không thể trở thành đối thủ của cả Mỹ lẫn châu Âu".
Thứ hai, ông Tập vẫn còn đó một giới hạn với Nga: vũ khí hạt nhân. Phía Nga đã không ít lần đề cập tới khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân, trong khi Trung Quốc nêu rõ lập trường phản đối chiến tranh hạt nhân.
Vì vậy, ông Tập sẽ tìm phương án vừa thúc đẩy mối quan hệ với Nga và giữ vai trò cầu nối, vừa tìm thấy sự đảm bảo về việc không sử dụng vũ khí hủy diệt này.
Chuyến đi của ông Tập diễn ra không lâu sau khi Bắc Kinh thành công trong việc làm trung gian giúp Iran và Saudi Arabia nối lại quan hệ ngoại giao. Một số ý kiến cho rằng Trung Quốc đang tăng cường vị thế và khỏa lấp khoảng trống do Mỹ để lại.
Diễn biến này rõ ràng không mấy lạc quan cho Washington trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung. Dư luận Mỹ vì vậy thể hiện sự hoài nghi cho khả năng Trung Quốc làm "đại sứ hòa bình" ở Ukraine.
Ukraine kêu gọi Trung Quốc gây sức ép
Chuyến đi thu hút sự chú ý lớn trên quốc tế khi nó diễn ra không lâu sau khi Tòa án hình sự quốc tế (ICC) phát lệnh bắt giữ ông Putin vì các vấn đề gây tranh cãi ở Ukraine.
Từ Kiev, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko cho biết nước này "đang theo dõi sát" chuyến thăm Nga của ông Tập.
Ông Nikolenko kế đó kêu gọi Trung Quốc "sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Nga" để khiến Matxcơva ngừng chiến sự ngay lập tức.
Tại London (Anh), người phát ngôn của Thủ tướng Rishi Sunak cũng thúc giục ông Tập "sử dụng cơ hội này để gây sức ép với Tổng thống Putin ngừng ném bom các thành phố, bệnh viện, trường học của Ukraine", theo Hãng thông tấn AFP.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận