Hội nghị WPNS năm nay do Trung Quốc làm chủ nhà, kéo dài từ 21 đến 24-4 với sự tham dự của lãnh đạo hải quân 29 nước khác bao gồm Úc, Campuchia, Chile, Pháp, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Mỹ, Anh...
Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, đô đốc Stephen Koehler, sẽ đại diện Mỹ tham gia, theo Hãng tin Reuters.
Các quan chức sẽ có một số cuộc đàm phán kín vào ngày mai 22-4, cùng các hội thảo về những chủ đề như giải quyết các thách thức an ninh hàng hải.
Họ cũng sẽ thảo luận về Quy tắc ứng phó với các va chạm ngoài ý muốn trên biển, một bộ hướng dẫn được xây dựng cách đây một thập kỷ nhằm giảm căng thẳng giữa các lực lượng hải quân trên biển. Bộ quy tắc này vẫn chưa được bổ sung các hình thức chiến tranh mới, trong đó có chiến tranh sử dụng thiết bị không người lái.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, cuộc họp sơ bộ vào tháng 1 rồi đã thảo luận về việc thành lập một nhóm công tác nhằm ngăn chặn các vụ va chạm của thiết bị không người lái trên biển.
Hội nghị WPNS năm nay diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước trên Biển Đông leo thang.
Mỹ, Nhật Bản và Philippines đã ký thỏa thuận hợp tác tại hội nghị thượng đỉnh ba bên vào tuần trước. Trong đó, các nhà lãnh đạo bày tỏ quan ngại về "hành vi nguy hiểm và hung hăng" của Trung Quốc ở Biển Đông.
WPNS bắt đầu trùng với cuộc tập trận chung quy mô lớn hằng năm giữa Mỹ và Philippines. Đây sẽ lần đầu tiên tập trận diễn ra bên ngoài lãnh hải Philippines, theo Reuters.
Hải quân Trung Quốc sẽ kỷ niệm 75 năm thành lập vào ngày 23-4 tới. Bắc Kinh đặt mục tiêu mở rộng hạm đội hải quân, xây dựng lực lượng đẳng cấp thế giới vào năm 2027 nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc.
Theo một số nhà phân tích, Trung Quốc sẽ sở hữu lực lượng hải quân lớn nhất thế giới vào năm 2035. Nước này đã biên chế hai tàu sân bay và đang chuẩn bị cho giai đoạn thử nghiệm trên biển của tàu sân bay thứ ba.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận