Đỉnh Everest, đỉnh núi cao nhất thế giới, và các đỉnh khác của dãy Himalaya, quan sát trên máy bay trong chuyến bay từ Nepal vào tháng 1-2020 - Ảnh REUTERS
Lo ngại về khả năng lây nhiễm COVID-19 giữa các nhóm thám hiểm khi chinh phục đỉnh Everest, ngày 8-5, Chính phủ Trung Quốc cho biết sẽ thiết lập "dải phân cách" trên đỉnh núi này.
Hiện vẫn chưa rõ Trung Quốc sẽ dựng "dải phân cách" như thế nào trên một đỉnh núi vốn vừa nhỏ hẹp, vừa nguy hiểm như thế.
Tân Hoa xã dẫn lời người đứng đầu Sở Thể thao Tây Tạng cho biết một nhóm nhỏ gồm các hướng dẫn viên leo núi sẽ lên đỉnh Everest, thực hiện nhiệm vụ lập "dải phân cách" này để hạn chế nguy cơ lây nhiễm COVID-19 do tiếp xúc giữa những nhà leo núi xuất phát từ Nepal và Tây Tạng.
Hãng tin Reuters tỏ ra quan ngại về tính khả thi của nhiệm vụ này. Reuters đặt câu hỏi liệu nhóm hướng dẫn viên có thể dựng thành công "dải phân cách" không, hay sẽ bị kẹt lại khu vực tử thần từng ghi nhận nhiều trường hợp thiệt mạng do thiếu oxy.
Năm 2020, khi đại dịch bùng phát mạnh mẽ, Trung Quốc đã không cho phép các nhà leo núi nước ngoài chinh phục đỉnh Everest từ phía Tây Tạng do lo ngại nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Du khách đến khu thắng cảnh Everest ở Tây Tạng cũng bị cấm tham quan ở đây.
Các trạm dừng chân trên núi Everest phía Nepal đã ghi nhận những trường hợp nhiễm COVID-19 từ cuối tháng 4-2021. Nhưng do thiếu doanh thu từ du lịch, Chính phủ Nepal vẫn chưa hủy bỏ hoạt động leo núi mùa xuân.
Tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc và Nepal có sự khác biệt rõ rệt. Trong khi Trung Quốc ghi nhận thêm 12 ca nhiễm COVID-19 hôm 8-5 và tất cả đều là ca nhập cảnh thì Nepal lập "kỷ lục đen tối" với 9.023 ca nhiễm hôm 7-5.
Đỉnh Everest còn có tên gọi khác là đỉnh Chomolungma, là đỉnh núi cao nhất trên Trái đất với độ cao hơn 8.848m.
Đường biên giới Nepal - Trung Quốc chạy qua đỉnh Everest. Đường leo núi từ phía Nepal được đánh giá là dễ đi hơn đường phía Trung Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận