29/09/2021 12:33 GMT+7

Trung Quốc khoe tiêm kích 'tàng hình' xài động cơ nội địa

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Tiêm kích J-20 của Trung Quốc đã xuất hiện tại Triển lãm hàng không Chu Hải hôm 28-9 với động cơ được sản xuất trong nước thay vì mua của Nga. Việc Bắc Kinh tự chủ được động cơ J-20 được xem là một bước tiến lớn.

Trung Quốc khoe tiêm kích tàng hình xài động cơ nội địa - Ảnh 1.

Tiêm kích J-20 với động cơ nội địa thể hiện khả năng cơ động tại Triển lãm Chu Hải ngày 28-9 - Ảnh: REUTERS

Hôm 28-9, truyền thông Trung Quốc loan tin 2 máy bay J-20 xuất hiện tại Chu Hải đã sử dụng động cơ được sản xuất trong nước thay vì động cơ của Nga, nhưng không tiết lộ thêm chi tiết. Đây là lần đầu tiên người dân và thế giới nhìn thấy những chiếc J-20 có động cơ mới xuất hiện.

Theo Đài CNN, Trung Quốc sẽ xem đây là một cột mốc quan trọng trong nỗ lực biến J-20 thành đối thủ của dòng tiêm kích F-22 do Mỹ sản xuất.

Cả J-20 và F-22 đều thuộc thế hệ tiêm kích thứ 5, với các thiết kế góc cạnh và lớp phủ đặc biệt trên thân máy bay khiến radar khó phát hiện hơn, nên còn được gọi là các "máy bay tàng hình".

Một báo cáo năm 2017 của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ) cho biết Bắc Kinh đã luôn đau đầu vì bài toán động cơ cho J-20. Loại tiêm kích này phải sử dụng động cơ đẩy từ Nga, vốn được sử dụng trên các chiến đấu cơ thế hệ 4+.

Theo báo South China Morning Post hồi tháng 4-2021, Trung Quốc đang phát triển động cơ WS-15 để thay thế cho động cơ WS-10 trên các máy bay J-20 đời đầu. WS-15 được cho là có khả năng bay hành trình siêu âm trong thời gian dài.

Thời báo Hoàn Cầu của chính quyền Bắc Kinh dẫn lời một chuyên gia quân sự giấu tên tiết lộ sẽ có thêm nhiều đơn vị trang bị J-20 xuất hiện "trên khắp đất nước Trung Quốc", ám chỉ việc tự chủ được động cơ sẽ dẫn tới sản xuất hàng loạt loại tiêm kích này.

Trung Quốc khoe tiêm kích tàng hình xài động cơ nội địa - Ảnh 2.

Tiêm kích tác chiến điện tử J-16D tại Triển lãm Chu Hải 2021 - Ảnh: REUTERS

Triển lãm hàng không Chu Hải năm nay diễn ra sau hơn 1 năm bị trì hoãn vì COVID-19 nên có quy mô lớn và thu hút được sự chú ý của quốc tế. Theo Hãng tin Reuters, Bắc Kinh đã biến cuộc triển lãm 2021 thành một sự kiện phô diễn sức mạnh không quân.

Ngoài J-20 có động cơ mới, Trung Quốc còn hé lộ máy bay tấn công điện tử J-16D, một phiên bản của dòng J-16.

"J-16D là sự bổ sung mới rất quan trọng trong thứ tự chiến đấu của không quân Trung Quốc", biên tập viên Kelvin Wong của chuyên trang quốc phòng Janes nhận định. 

Việc sở hữu các máy bay tác chiến điện tử có thể ngăn các đối thủ của Trung Quốc tấn công nếu xảy ra giao tranh.

Các nhà phân tích tin rằng màn ra mắt của J-16D là tín hiệu cho thấy Trung Quốc đang tìm cách khắc chế các hệ thống phòng thủ của phương Tây, đặc biệt là đảo Đài Loan.

Trung Quốc xem Đài Loan là một phần lãnh thổ của nước này và liên tục gây sức ép trên nhiều lĩnh vực.

Không quân Trung Quốc đã nhiều lần huy động máy bay tiến vào vùng nhận dạng phòng không do Đài Loan tuyên bố, khiến hòn đảo này phải kích hoạt báo động không quân và hệ thống phòng thủ.

Mỹ siết xuất khẩu, Trung Quốc không có phụ tùng để phát triển máy bay nội địa Mỹ siết xuất khẩu, Trung Quốc không có phụ tùng để phát triển máy bay nội địa

TTO - Theo 3 nguồn thạo tin của Reuters, việc Mỹ siết chặt xuất khẩu công nghệ đã khiến Trung Quốc gặp khó khăn trong việc phát triển máy bay C919. Trung Quốc đặt tham vọng cạnh tranh với Airbus và Boeing bằng dòng máy bay này.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên