Đại tướng Kim Jong Un viếng linh cữu cha
Phóng to |
Quan chức CHDCND Triều Tiên viếng lãnh đạo Kim Jong Il tại cung điện Kumsusan - Ảnh:AFP |
Tại lễ tang, ông Kim Jong Il mặc bộ đồ kaki thường nhật và nằm trong một quan tài kính xung quanh là một thảm hoa đỏ và trắng. Nhiều nhà lãnh đạo của CHDCND Triều Tiên, trong đó có đại tướng Kim Jong Un, mặc đồ sậm trong lúc những người khác mặc quân phục, đã đến viếng lãnh đạo Kim Jong Il. Đài truyền hình trung ương Triều Tiên và Hãng thông tấn chính thức KCNA cũng đồng loạt kêu gọi người dân đoàn kết dưới sự lãnh đạo của “người kế nhiệm vĩ đại” Kim Jong Un.
Nhiều đơn vị quân đội CHDCND Triều Tiên đã dừng chương trình luyện tập mùa đông thường niên để quay về doanh trại.
Chính quyền Hàn Quốc đã “chia buồn với nhân dân CHDCND Triều Tiên” nhưng không gửi đại diện chính thức nào đến viếng tang vào ngày 28-12. Tuy nhiên, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Yu Woon Ik cho biết “gia đình cựu tổng thống Kim Dae Jung và cựu chủ tịch Tập đoàn Hyundai Chung Mong Hun sẽ được phép đến miền Bắc dự lễ tang”.
Chuyển giao quyền lực
Truyền thông Trung Quốc ngày 20-12 đã lên tiếng nhấn mạnh đến việc cần ủng hộ nhà lãnh đạo mới Kim Jong Un để đảm bảo “một cuộc chuyển giao quyền lực êm ái” ở Bình Nhưỡng. “Là một nước nhỏ, CHDCND Triều Tiên dễ bị tổn thương dưới áp lực của tình hình địa - chính trị hiện tại, Bắc Kinh nên là một hậu thuẫn mạnh mẽ và chắc chắn cho một cuộc chuyển giao quyền lực êm ái ở CHDCND Triều Tiên” - Thời Báo Hoàn Cầu viết.
“Ổn định” là thông điệp nhất quán mà Bắc Kinh muốn gửi đến Bình Nhưỡng được thể hiện rõ trên các tờ báo lớn của Trung Quốc, như nhận định của chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc thuộc Học viện Quan hệ đối ngoại (New York) Adam Segal. “Ưu tiên hàng đầu của Kim Jong Un sẽ là phát triển kinh tế. Kế đến là tập trung vào mối quan hệ với Trung Quốc và sau đó sẽ quan tâm đến việc giải quyết với Hàn Quốc và Mỹ. Bình Nhưỡng và Washington có thể sẽ tiến đến đối thoại trực tiếp dù chậm hơn” - chuyên gia về bán đảo Triều Tiên ở Đại học Đồng Tế, Thượng Hải Thôi Chí Ưng nói.
Giáo sư Choi Choon Heum thuộc Viện Hàn Quốc vì sự thống nhất quốc gia cho rằng sẽ có một cuộc chuyển giao quyền lực êm ái từ Bình Nhưỡng. “Kim Jong Un được cha đào tạo và có sự ủng hộ của Trung Quốc, sẽ không có vấn đề gì khó khăn khi lên nắm quyền. Song về lâu dài, nếu Kim Jong Un không nắm chắc quyền lực như cha thì đó mới là rắc rối - Thời Báo Hoàn Cầu dẫn lời giáo sư Choi.
Giới quan sát cũng bày tỏ quan ngại về khả năng CHDCND Triều Tiên sẽ tiếp tục phát triển hạt nhân. Thời Báo Hoàn Cầu cho biết Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak đã ra lệnh cho toàn thể nhân sự trong chính quyền Seoul phải luôn cảnh giác cao độ.
Trong khi đó, Nhà Trắng cho biết sẽ cùng với Hàn Quốc và Nhật Bản theo dõi sát tình hình hậu Kim Jong Il. Nhật đang muốn tổ chức cuộc họp tay ba với Mỹ và Hàn Quốc càng sớm càng tốt. Kyodo News cho biết Thủ tướng Yoshihiko Noda cũng kêu gọi quan chức Nhật giữ liên hệ chặt chẽ với Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc về tình hình trên bán đảo Triều Tiên.
Phóng to |
Thi hài cố lãnh đạo Kim Jong Il quàn tại cung tưởng niệm Kumsusan - Ảnh: AFP |
Trung - Mỹ - Hàn thảo luận
Ngày 20-12, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kim Sung Hwan. Trong cuộc điện đàm, Washington và Seoul đã nhất trí tiếp tục duy trì liên lạc với Bắc Kinh cùng duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Ngoại trưởng Dương Khiết Trì cũng cam kết Bắc Kinh sẽ hợp tác với CHDCND Triều Tiên nhằm đảm bảo ổn định và hòa bình trong khu vực.
Tân Hoa xã cũng cho biết cùng ngày khi đến viếng cố lãnh đạo Kim Jong Il tại Đại sứ quán CHDCND Triều Tiên ở Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã kêu gọi người dân CHDCND Triều Tiên hãy đoàn kết dưới sự lãnh đạo của đại tướng Kim Jong Un.
Ngày 20-12, đồng chí Lê Hồng Anh - ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư - đã dẫn đầu đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đến Đại sứ quán CHDCND Triều Tiên tại Hà Nội viếng đồng chí Kim Jong Il, tổng bí thư Đảng Lao động Triều Tiên. Trong sổ tang, đồng chí Lê Hồng Anh viết: “Vô cùng thương tiếc đồng chí Kim Jong Il - nhà lãnh đạo tối cao của nhân dân Triều Tiên, tổng bí thư Đảng Lao động Triều Tiên, chủ tịch Ủy ban Quốc phòng nước CHDCND Triều Tiên, tổng tư lệnh tối cao quân đội nhân dân Triều Tiên, người bạn thân thiết của nhân dân Việt Nam - đã từ trần. Chúng tôi tin tưởng rằng toàn Đảng, toàn dân Triều Tiên sẽ biến đau thương thành hành động, đoàn kết một lòng, xây dựng thành công đất nước Triều Tiên thịnh vượng”. Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh thay mặt Chính phủ; đoàn đại biểu Ban Đối ngoại trung ương do đồng chí Hoàng Bình Quân, trưởng ban, dẫn đầu; đoàn đại biểu Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do đồng chí Huỳnh Đảm, chủ tịch, dẫn đầu và các đoàn đại biểu Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Hà Nội, Hội Hữu nghị Việt Nam - Triều Tiên... đã đến viếng đồng chí Kim Jong Il, bày tỏ sự chia buồn sâu sắc đối với đất nước và nhân dân Triều Tiên. |
Các cơ quan tình báo của Hàn Quốc đã bị chỉ trích gay gắt vì không hay biết gì về tin tức lãnh đạo Kim Jong Il qua đời đến khi Bình Nhưỡng chính thức công bố thông tin. “Tổng thống Lee Myung Bak vẫn không biết gì cho đến khi Đài truyền hình trung ương Triều Tiên phát bản tin lúc 3g GMT ngày 19-12, tuyên bố ông Kim Jong Il qua đời trước đó hai ngày” - Yonhap dẫn nguồn tin giấu tên của Chính phủ Hàn Quốc xác nhận Seoul không hề có tin tình báo nào từ Bình Nhưỡng báo về sự kiện này. Tương tự, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan Jin đang họp với các nghị sĩ quốc hội đã phải vội quay về trụ sở Bộ Quốc phòng khi biết tin từ Bình Nhưỡng. “Mạng lưới tình báo của chúng ta đã thất bại: tin lãnh đạo CHDCND Triều Tiên qua đời mãi đến hai ngày sau mới biết. Đây là một ví dụ cụ thể về những lỗ hổng trong việc thu thập thông tin tình báo từ miền Bắc” - người phát ngôn của Đảng đối lập Dân chủ thống nhất Hàn Quốc Lee Yong Sup chỉ trích chính phủ. Hồi tháng 5-2011, các cơ quan tình báo Hàn Quốc từng bị chỉ trích vì không hề nắm được tin tức chuyến thăm Trung Quốc của cố lãnh đạo Kim Jong Il. |
Báo Le Monde thử đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến những tác động ngoại giao sau cái chết của lãnh đạo Kim Jong Il và giải đáp dựa trên nhận định của phóng viên Philippe Mesmer của báo thường trú tại Tokyo. Trích dịch một số câu hỏi và đáp. * Tương lai của cuộc họp sáu bên về vấn đề hạt nhân ra sao? - Cho đến sáng 19-12, mọi việc vẫn đang hướng về việc nối lại cuộc thảo luận sáu bên, vì CHDCND Triều Tiên và Mỹ sẽ phải gặp nhau vào ngày 22-12 tại Bắc Kinh và sẽ thảo luận, thậm chí quyết định nối lại cuộc đàm phán này. Trước đó, đã có không khí lạc quan bởi đã có một thỏa thuận mà Mỹ sẽ công bố vào ngày 19-12, trong đó Mỹ sẽ nối lại viện trợ lương thực cho CHDCND Triều Tiên để đổi lại việc ngừng làm giàu uranium. Tất cả những chuyện này sẽ không bị xóa bỏ hết, nhưng chắc là sẽ phải tạm thời ngưng lại. Chắc sẽ có những tín hiệu trở lại sau tang lễ. * Liệu sẽ có một cuộc xung đột mới giữa hai miền Triều Tiên sau cuộc chuyển giao quyền lực ở Bình Nhưỡng cho ông Kim Jong Un? - Khó nói, nhưng CHDCND Triều Tiên đã không muốn có một xung đột mới nào với Hàn Quốc, và nay tất cũng sẽ không bao giờ muốn. Bởi vậy, nếu việc chuyển giao quyền lực diễn ra êm ái thì nguy cơ nổ ra một cuộc xung đột lớn càng ít. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận