09/09/2016 09:03 GMT+7

Trung Quốc đang làm gì ở Scarborough?

Tiến sĩ TRẦN CÔNG TRỤC
Tiến sĩ TRẦN CÔNG TRỤC

TTO - Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo sự xuất hiện của các loại phương tiện, tàu thuyền của Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough vào thời điểm này? 

Hôm 4-9, Bộ trưởng quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết máy bay của không quân nước này đã phát hiện số lượng tàu thuyền Trung Quốc xuất hiện ở Scarborough: “Sự xuất hiện của nhiều tàu thuyền bên cạnh tàu hải cảnh là điều vô cùng đáng quan ngại”.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo sự xuất hiện của các loại phương tiện, tàu thuyền của Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough vào thời điểm này?

Phải chăng đây là dấu hiệu khởi đầu cho một chiến dịch, được mang tên là “động thủ” trong Biển Đông hậu phán quyết của Tòa trọng tài ngày 12-7?

Hay đây chỉ là diễn biến tất yếu của một kế hoạch đã được tính toán từ lâu của Trung Quốc, nhất là kể từ sau khi Trung Quốc đã sử dụng sức mạnh để đẩy Philippines ra khỏi bãi cạn Scarborough?

Một vị thế “chân kiềng” ở Biển Đông mà Trung Quốc quyết tâm tập trung sức mạnh để chiếm đóng và bồi lấp giống như khu vực 6 thực thể ở Trường Sa trong mấy năm qua?

Theo nhận xét của tôi, có lẽ khả năng thứ 2 là có cơ sở hơn. Bởi vì, dù có phán quyết của Tòa trọng tài hay không thì những diễn biến nói trên đã và vẫn sẽ xảy ra theo đúng kịch bản, lớp lang mà Trung Quốc vạch sẵn từ trước.

Phán quyết Tòa trọng tài chỉ là cái cớ để Trung Quốc nại ra để đe dọa những ai đang chống lại bước tiến của họ.

Nhưng vào thời buổi hiện nay, liệu Trung Quốc có thật sự dám ra tay “động thủ” hay không? Đó vẫn nên là điều mà chúng ta cần phải tiếp tục theo dõi, nhận định...

Tuy nhiên, có một thực tế mà ngay những người Trung Quốc thuộc phái “diều hâu” cũng phải dè chừng. Đó là: nếu chiến tranh xảy ra vào thời điểm hiện nay thì không ai chiến thắng cả. Trung Quốc chắc chắn không thể thắng được cho dù họ có tiềm lực kinh tế, quân sự vượt trội đến đâu.

Đúng như phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Đối thoại Singapore lần thứ 38 do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) tổ chức: “Nếu chúng ta cho phép bất ổn xảy ra, đặc biệt là trong trường hợp xung đột vũ trang, sẽ không có người thắng hay kẻ thua, mà tất cả đều sẽ thua”.

Tàu hải quân ngụy trang tàu dân sự ở Scarborough

Việc Trung Quốc đưa tàu đến gần bãi cạn Scarborough ngay thời điểm đang làm chủ nhà Hội nghị thượng đỉnh G20 (khai mạc hôm 4-9 tại Hàng Châu) được giới chuyên gia đánh giá là một hành động khiêu khích “bất chấp” nữa của Bắc Kinh.

Theo Bộ Quốc phòng Philippines, các bức ảnh tàu Trung Quốc gần bãi cạn Scarborough được chụp ngày 3-9.

Đội tàu này gồm 4 tàu hải cảnh và 6 tàu khác mà Manila cho là tàu hải quân ngụy trang như tàu dân sự. Việc các tàu này xuất hiện ở bãi cạn được đoán rằng: Trung Quốc sẽ xây đảo nhân tạo ở đây.

Nếu như vậy, “đó sẽ là bước đệm để Trung Quốc lắp đặt rađa, máy bay và tên lửa có thể tiếp cận thủ đô Philippines và các căn cứ quân sự của Mỹ gần đó”, theo Bloomberg ngày 7-9.

“Đó sẽ là “chiếc đinh cuối cùng lên cỗ quan tài” cho những nỗ lực của ASEAN nhằm kiểm soát căng thẳng ở Biển Đông” - Bloomberg dẫn lời chuyên gia Zack Cooper của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế bình luận.

Trong diễn biến mới nhất, Trung Quốc thừa nhận việc có mặt của các tàu gần bãi cạn Scarborough, nhưng phủ nhận việc xây đảo nhân tạo tại đây.

Thông cáo của Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila khẳng định những chiếc tàu Trung Quốc đó “chỉ đang vận chuyển cát từ nơi này sang nơi khác mà thôi”.

Từ Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Ánh cũng khẳng định “tình hình ở bãi cạn Scarborough không có gì thay đổi”, và kêu gọi “chúng ta cần cẩn trọng với những mưu đồ phá hoại đến từ những người phát tán các thông tin vô cớ đó”.

Hành động bất chấp, sau đó lên tiếng phủ định và giở giọng kêu oan, đổ lỗi cho bên ngoài - không có chiêu trò nào là xa lạ với Bắc Kinh.

TRƯỜNG SƠN

Tiến sĩ TRẦN CÔNG TRỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên