Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại một cuộc gặp năm 2017 - Ảnh: REUTERS
Trong hơn 1 năm căng thẳng thương mại kéo dài, Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc quay lưng với cam kết giải quyết các vấn đề vướng mắc giữa cả hai. Đáp lại, Bắc Kinh khẳng định đã đạt được "tiến triển đáng kể" trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, theo Bloomberg.
Tiếp cận thị trường
Khoảng 40% doanh nghiệp châu Âu cho biết Trung Quốc đã mở cửa thị trường hơn, theo một khảo sát do Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) tại Trung Quốc công bố hồi tháng 5-2019.
Theo EuroCham, số ngành bị giới hạn hoặc cấm đoán đã giảm xuống, cùng đó là lịch trình rõ ràng để xóa bỏ các giới hạn sở hữu trong ngành công nghiệp xe hơi và dịch vụ tài chính.
Tuy nhiên, tài liệu được Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Trung Quốc công bố trong năm nay lại nêu rằng các giới hạn trong việc tiếp cận thị trường vẫn ảnh hưởng hơn ½ thành viên của AmCham.
AmCham cũng cho biết các khó khăn thường tập trung tại mảng công nghệ, cũng như nghiên cứu và phát triển. Hơn 75% doanh nghiệp thành viên AmCham báo cáo gặp khó khăn trong những mảng này.
Sở hữu trí tuệ
Tuy nhìn nhận nỗ lực của Bắc Kinh trong việc cải thiện luật bảo vệ sở hữu trí tuệ, nhiều doanh nghiệp Mỹ vẫn cảm thấy những cố gắng này vẫn chưa đủ, theo AmCham.
Một sửa đổi trong Luật Nhãn hiệu (Trademark Law) hồi tháng 4 đã tăng khoản bồi thường đối với các trường hợp vi phạm. Theo ông Jacob Parker, phó chủ tịch cấp cao của Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - Trung Quốc tại Washington, sửa đổi này đã "điểm đúng các vấn đề cụ thể mà doanh nghiệp ngoại quan tâm".
Về phía mình, Bắc Kinh cho rằng chi trả cho phí bản quyền đã tăng chính là minh chứng cho việc họ đang đi đúng hướng. Trung Quốc năm 2018 đứng thứ 52 trong số 125 quốc gia thuộc bảng xếp hạng Chỉ số Sở hữu trí tuệ Quốc tế (IPRI), tăng từ hạng 55 vào năm 2016.
Công nhân làm việc tại một xưởng sản xuất hàng may mặc ở Trung Quốc - Ảnh: REUTERS
Chuyển giao công nghệ
Bắc Kinh đã chối bỏ các cáo buộc về việc cưỡng ép doanh nghiệp ngoại chia sẻ công nghệ, nói rằng đây là điều "hoàn toàn vô căn cứ".
Thế nhưng, một đạo luật về đầu tư nước ngoài có hiệu lực vào năm sau sẽ cấm các cơ quan chính quyền ép buộc doanh nghiệp chuyển giao công nghệ. Luật mới sẽ đi kèm cả các hình phạt hình sự đối với những quan chức tiết lộ hoặc làm rò rỉ các bí mật thương mại thu thập được trong quá trình phê duyệt giấy phép.
Dù vậy, các quan chức Mỹ vẫn cho rằng Trung Quốc đã từng hứa hẹn thay đổi nhưng chưa thực hiện được. Hồi tháng 5, EuroCham báo cáo rằng đạo luật trên của Trung Quốc "chứa các thuật ngữ quá rộng và xuyên suốt là ngôn ngữ mơ hồ", đây là điều tạo ra "nỗi lo làm ảnh hưởng đến sự tự tin của doanh nghiệp".
Chính sách công nghiệp
Đây được cho là vấn đề gai góc nhất vì tham vọng bắt kịp thế giới trong các ngành công nghệ cao được Trung Quốc xây dựng dựa trên các chính sách công nghiệp do nhà nước làm chủ đạo.
Tuy nhiên, giới lãnh đạo và các nhà làm luật Trung Quốc đã tỏ ra khéo léo hơn trước sức ép từ dư luận quốc tế.
Kế hoạch "Made in China 2025" cũng gần như biến mất trước công chúng. Đây là kế hoạch theo đuổi các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nội địa, nhất là các ngành công nghệ và kỹ thuật cao như viễn thông, vũ trụ, và trí tuệ nhân tạo.
Bloomberg nhận định cho tới nay, vẫn rất hiếm bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã thật sự thay đổi cách tiếp cận của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận