01/09/2017 10:37 GMT+7

Trung Quốc có thể thay Mỹ lãnh đạo thế giới?

MINH TRUNG
MINH TRUNG

TTO - Trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng trỗi dậy và Mỹ chọn cách "lo thân mình trước" (America first), liệu có thể nói Trung Quốc sẽ sớm thay thế Mỹ dẫn dắt thế giới?

Trung Quốc có thể thay Mỹ lãnh đạo thế giới? - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump (phải) tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Florida vào tháng 4 năm nay - Ảnh: REUTERS

Trong bài phân tích trên tạp chí Forbes, học giả Yanzhong Huang thuộc tổ chức Hội đồng Quan hệ quốc tế (Mỹ) đã chỉ ra một số khía cạnh của hiện tượng "Con rồng Trung Quốc tỉnh giấc", vai trò và sự ảnh hưởng của nó đến thế giới.

Năm 1974, ông Đặng Tiểu Bình từng tuyên bố trước Liên Hiệp Quốc rằng "Trung quốc không phải, và sẽ không bao giờ trở thành siêu cường". 

Ngày nay, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể nghĩ ông Đặng đã… "nói hớ". Đến thời điểm cuối năm 2015, GDP của Trung Quốc đạt mốc 11,2 ngàn tỉ USD, chiếm 15% nền kinh tế toàn cầu (Mỹ là 24,5%)…

Một nước Trung Quốc khác

Nếu Trung Quốc duy trì được tốc độ tăng trưởng như mục tiêu đặt ra, đến năm 2024, nền kinh tế nước này sẽ lớn bằng Mỹ. Dù ngày đó chưa tới, một số học giả hàng đầu Trung Quốc đã dùng thuật ngữ "siêu cường" để mô tả vị thế nước này.

Song song với thay đổi về cấu trúc kinh tế, một bối cảnh chiến lược mới cũng xuất hiện kể từ ngày ông Donald Trump được bầu làm tổng thống Mỹ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không ngần ngại lên tiếng chỉ trích chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa tự cô lập; ông bình luận về dân chủ hóa quan hệ quốc tế, cam kết theo đuổi Thỏa thuận khí hậu Paris, kêu gọi thế giới đoàn kết để giải quyết các thách thức quản trị toàn cầu…

Tất cả những điều đó tạo nên sự tương phản với chính sách "America First" và nghị trình chống toàn cầu hóa của Tổng thống Trump.

Cuối tháng 1-2017, một quan chức ngoại giao cao cấp của Trung Quốc phát biểu rằng nước này có thể buộc phải đảm nhận vai trò lãnh đạo thế giới nếu Mỹ rời bỏ vị trí đó.

Trung Quốc có thể thay Mỹ lãnh đạo thế giới? - Ảnh 2.

Tổng thống Trump (góc phải) ngày càng muốn nước Mỹ trên hết và như thế sẽ để lại khoảng trống quyền lực cho Trung Quốc - Ảnh: REUTERS

Trong bài diễn văn tháng 2, ông Tập Cận Bình nói về việc Trung Quốc giữ vai trò "dẫn dắt cộng đồng quốc tế", hợp tác định hình lại một trật tự thế giới mới công bằng hơn.

Những tuyên bố trên gợi ý rằng giới chóp bu ở Bắc Kinh đang từ bỏ "chính sách nền tảng quốc gia" của ông Đặng Tiểu Bình hồi đầu thập niên 1990, rằng Trung Quốc "không bao giờ nên tìm kiếm vai trò lãnh đạo".

Mãi đến năm 2011, tầng lớp tinh hoa chính trị ở Bắc Kinh vẫn xem lời kêu gọi Trung Quốc nên gánh vác thêm trách nhiệm quốc tế là một phần của "âm mưu" cản trở sự phát triển của nước này. Nhưng phải công nhận là Trung Quốc sau đó đã có những nỗ lực lớn.

Về mặt viện trợ nước ngoài, Trung Quốc đã dần chuyển từ "người nhận" sang "người cho" từ năm 2010. Năm 2014, trong đợt bùng phát dịch nhiễm virus Ebola ở khu vực Tây Phi, nước này đã khởi động chiến dịch hỗ trợ nhân đạo lớn nhất trị giá đến 123 triệu USD.

Còn lâu để được như Mỹ

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những khoảng cách về năng lực ngăn Trung Quốc thật sự trở thành người lãnh đạo thế giới.

Trên hết, để duy trì một trật tự quốc tế tự do đòi hỏi Trung Quốc phải đổ ra một nguồn tài nguyên khổng lồ. Dù hiện đã là một quốc gia đi phân phát viện trợ, vẫn còn xa để Trung Quốc đuổi kịp nhiều quốc gia thành viên OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế).

Mỗi năm Trung Quốc chi khoảng 200-300 triệu USD cho các chương trình hỗ trợ sức khỏe toàn cầu, ít hơn nhiều so với 10 tỉ USD của Mỹ. Trừ khi chúng ta chứng kiến một thay đổi cực lớn trong chính sách viện trợ của Trung Quốc, nếu không thì đừng nói đến chuyện nước này thay thế Mỹ.

Thứ hai, Trung Quốc cần phải học cách dùng quyền lực mềm trong cách thể hiện vai trò lãnh đạo. Nhà báo người Anh Martin Jacques từng viết: "Khi Trung Quốc thống trị thế giới, đó cũng là lúc thế giới phương Tây kết thúc và một trật tự toàn cầu mới ra đời".

Không thể chối cãi sức ảnh hưởng của Trung Quốc đang tăng, nhưng sức ảnh hưởng này xuất phát nhiều hơn từ "quyền lực cứng" thay vì "quyền lực mềm" (sức thu hút văn hóa, mô hình phát triển…). 

Nhiều dự án quyền lực mềm phô trương của Trung Quốc, trong đó có các Viện Khổng tử mở ra khắp thế giới, không giúp ích mấy trong việc thúc đẩy hình ảnh đất nước.

Trung Quốc có thể thay Mỹ lãnh đạo thế giới? - Ảnh 3.

Cuộc sống của người dân vùng nông thôn Trung Quốc vẫn còn nhiều khó khăn - Ảnh: REUTERS

Cuối cùng, nền kinh tế đậm mùi chính trị của Trung Quốc cũng cản trở các nỗ lực dẫn dắt thế giới. Cùng với hàng loạt thách thức như ô nhiễm không khí, bẫy thu nhập trung bình… các nhà lãnh đạo Trung Quốc khó mà thuyết phục dư luận mang tài nguyên, của cải ra "đi lo chuyện thiên hạ".

"Ngưỡng nghèo của Trung Quốc vẫn ít hơn 1 USD/ngày, thấp hơn tiêu chuẩn toàn cầu của Ngân hàng thế giới là 1,25 USD. Làm sao anh trông đợi một quốc gia có ngưỡng nghèo chỉ 400 USD/năm đi cứu đói cho thế giới?" - một học giả Trung Quốc đặt câu hỏi này trên mạng xã hội gần đây.

Nói tóm lại, Trung Quốc còn một quãng đường dài phải đi trước khi có thể tự nhận là sự thay thế cho nước Mỹ trong vai trò lãnh đạo toàn cầu.

MINH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên