Trung Quốc cấm triệt để dạy thêm vì lợi nhuận để giảm bớt áp lực cho trẻ em và phụ huynh - Ảnh: XINHUA
Theo Hãng tin Reuters, hành động này cho thấy Trung Quốc tiếp tục tăng cường nỗ lực loại bỏ tất cả các hoạt động dạy thêm vì lợi nhuận.
Trước đó, nhà chức trách đã ra quy định cấm dạy thêm vì lợi nhuận với các môn học trong chương trình giảng dạy ở nhà trường để giảm bớt áp lực cho trẻ em và phụ huynh.
Hệ thống giáo dục cạnh tranh ở Trung Quốc làm cho các dịch vụ dạy kèm rất phổ biến với các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, chính phủ nước này được cho là tìm cách giảm chi phí nuôi dạy trẻ trong nỗ lực thúc đẩy tỉ lệ sinh đang tụt dốc.
Năm 2018, Chủ tịch Tập Cận Bình đã chỉ trích việc dạy thêm "làm tăng gánh nặng tài chính lên học sinh và các gia đình", "phá vỡ trật tự giáo dục thông thường". Theo ông, "một ngành đòi hỏi sự tận tâm không thể bị biến thành ngành tìm kiếm lợi nhuận".
Sau khi có quy định cấm dạy thêm vì lợi nhuận, theo truyền thông Trung Quốc, phụ huynh và gia sư đều cố bằng nhiều cách khác nhau để lách luật. Một số công ty đã quảng cáo chương trình gia sư sống cùng nhà với mức lương lên tới 30.000 nhân dân tệ (4.650 USD) một tháng.
Bộ Giáo dục xác nhận trong thông báo về lệnh cấm mới: "Ở một số nơi, dạy thêm học thêm hoặc được tổ chức lén lút hoặc biến tướng để lách luật. Điều này đã ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách".
Việc lách luật bao gồm thuê gia sư tư nhân dưới danh nghĩa "dịch vụ dọn phòng", "đối thoại văn hóa" hoặc "gia sư sống cùng nhà" cũng như tổ chức các lớp học dưới danh nghĩa trại hè hoặc các chuyến tham quan học tập.
Bộ Giáo dục cho biết các trung tâm dạy thêm ở ngoài nhà trường, dạy các môn thuộc chương trình giảng dạy của nhà trường phải được cấp phép và thuê giáo viên đủ năng lực. Các cơ sở cũng không được phép tổ chức dạy thêm sau giờ học bằng hình thức trực tuyến sử dụng các nền tảng như nhắn tin hỏi đáp, học qua video với gia sư hoặc phát trực tiếp livestreaming.
Trước đó, chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu hạn chế giao bài tập về nhà và giới hạn giờ hoạt động của các gia sư trực tuyến.
Việc chấn chỉnh dạy thêm đã làm cổ phiếu của các công ty dạy thêm niêm yết ở Hong Kong và New York, như tập đoàn New Oriental Education & Technology Group và Gaotu Techedu Inc chao đảo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận