29/04/2018 07:35 GMT+7

'Trùm' tình báo Hàn Quốc rơi nước mắt trong thượng đỉnh liên Triều

HỨA HIẾU HOA
HỨA HIẾU HOA

TTO - Lặng lẽ lấy khăn chấm nước mắt sau lưng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ngày 27-4 là người đàn ông đã dành hơn 2 thập kỷ thúc đẩy các cuộc đối thoại giữa hai quốc gia.

Trùm tình báo Hàn Quốc rơi nước mắt trong thượng đỉnh liên Triều - Ảnh 1.

Giám đốc Cơ quan tình báo Hàn Quốc Suh Hoon lấy khăn lau nước mắt sau Tuyên bố Bàn Môn Điếm ngày 27-4 - Ảnh: REUTERS

Truyền thông thế giới ngày 27-4 đã bắt được khoảnh khắc ông Suh Hoon - giám đốc Cơ quan tình báo Hàn Quốc (NIS) - rơi lệ sau khi Tuyên bố Bàn Môn Điếm được công bố.

Hơn ai hết, ông Suh là người hiểu rõ giá trị của những gì đang xảy ra trước mắt mình sau hơn 20 năm kể từ lần đầu tiên dấn thân sang Triều Tiên.

Người đàn ông hai màu tóc ấy đã góp công không nhỏ vào thượng đỉnh liên Triều năm 2000 khi cha của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, lãnh đạo Kim Jong Il gặp Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung.

18 năm sau cuộc gặp lịch sử đó, nền móng mà ông Suh xây dựng đã đưa bán đảo Triều Tiên vào một giai đoạn mới.

"Sự góp mặt của ông Suh ở đó cũng đủ nói lên vai trò quan trọng của ông trong việc thiết lập hội nghị này" - ông Seo Yu Suk, giám đốc nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Triều Tiên (Hàn Quốc), nhận định.

Trùm tình báo Hàn Quốc rơi nước mắt trong thượng đỉnh liên Triều - Ảnh 2.

Ông Suh Hoon (bìa trái) trong phòng họp chính thức thượng đỉnh liên Triều lần 3 ngày 27-4 - Ảnh: REUTERS

Dày dạn kinh nghiệm

Ông Suh, 64 tuổi, được xem là người Hàn Quốc gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il (đã quá cố) nhiều nhất. Ông có vai trò đặc biệt trong hai hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2000 và 2007.

Năm 1994, Cơ quan Phát triển năng lượng bán đảo Triều Tiên (KEDO) được thành lập với vai trò như một thỏa thuận mà Triều Tiên đưa ra nhằm thực hiện lời hứa "đóng băng và tiến tới tháo dỡ chương trình hạt nhân" để đổi lấy các lò phản ứng nước nhẹ từ Mỹ và các đối tác khác.

Hai năm sau đó, ông Suh, người gia nhập NIS năm 1980, được phái tới Triều Tiên dưới vỏ bọc người đứng đầu văn phòng đại diện KEDO. Trong 3 năm ở miền Bắc, ông Suh đã tranh thủ thúc đẩy các cuộc đàm phán với các quan chức Bình Nhưỡng.

Sau khi trở về Hàn Quốc, ông Suh đã bí mật liên lạc với Bình Nhưỡng nhằm khởi xướng cho hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2000 giữa Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Il.

Trùm tình báo Hàn Quốc rơi nước mắt trong thượng đỉnh liên Triều - Ảnh 3.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il bắt tay Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo Hyun trong thượng đỉnh liên Triều lần 2 năm 2007 - Ảnh: AFP

Năm 2007, ông Suh lại thực hiện chuyến thăm đến Bình Nhưỡng nhằm chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ hai vào năm này. Một năm sau đó ông rời khỏi NIS, nơi ông gắn bó gần 30 năm.

Việc Tổng thống Moon Jae In lên cầm quyền năm 2017 đã mở đường cho sự trở lại của ông Suh. Ông được đề cử vào vị trí người đứng đầu NIS, với lời cam kết của người đứng đầu Hàn Quốc rằng "không ai là người thích hợp hơn" ông Suh trong việc hồi sinh mối quan hệ liên Triều.

Năm ngoái, phát biểu trước báo giới sau khi được đề cử trở lại NIS, ông Suh khẳng định Hàn Quốc cần có hội nghị thượng đỉnh liên Triều. Tuy nhiên ông cũng cho rằng "còn quá sớm để nói về một hội nghị thượng đỉnh liên Triều tiếp theo".

Quen trên, biết dưới

Tại Hàn Quốc, ông Suh Hoon được đánh giá là một chuyên gia hàng đầu về Triều Tiên. Ông cũng là một trong những người Hàn Quốc đầu tiên tiếp xúc với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Viết trong hồi ký năm 2014, ông Lee Jong Seok - cựu bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc, người đã từng sang Triều Tiên cùng ông Suh vào năm 2003 - gọi nhà tình báo này là "Nhà đàm phán số 1 với Triều Tiên".

Trùm tình báo Hàn Quốc rơi nước mắt trong thượng đỉnh liên Triều - Ảnh 4.

Ông Kim Jong Un bắt tay ông Suh Hoon sáng 27-4 tại Bàn Môn Điếm - Ảnh: REUTERS

Tháng 3 năm nay, ông Suh góp mặt trong đoàn ngoại giao gồm 10 quan chức cấp cao Hàn Quốc sang Bình Nhưỡng gặp ông Kim Jong Un.

Chuyến đi đã đem lại những kết quả ngoài sự mong đợi. Ông Kim Jong Un không những đồng ý gặp Tổng thống Moon mà còn khiến ông Suh và những phái viên khác như không tin vào tai mình: nhà lãnh đạo Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng đàm phán vấn đề phi hạt nhân hóa với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào cuối tháng 5 hoặc tháng 6 tới!

Ông Suh sau đó lại sắp xếp chuyến đi bí mật tới Bình Nhưỡng cho ông Mike Pompeo - giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA), từ ngày 31-3 tới 2-4, để gặp nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Ông Pompeo, người vừa trở thành ngoại trưởng Mỹ, đã có mối quan hệ tốt với ông Kim Jong Un sau một cuộc gặp "suôn sẻ", như lời Tổng thống Trump tiết lộ.

"Tôi nghĩ mạng lưới quen biết của ông Suh đã góp phần không nhỏ vào việc tổ chức những sự kiện này" - ông Moon Hong Sik, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Chiến lược an ninh (Hàn Quốc), nhận xét với Hãng tin Reuters.

Trùm tình báo Hàn Quốc không chỉ có quan hệ khá tốt với Ngoại trưởng Mỹ Pompeo mà còn quen biết cả ông Kim Yong Chol, người đứng đầu cơ quan tình báo Triều Tiên, chuyên gia Moon cho biết thêm.

Tuy nhiên Nhà Xanh từ chối bình luận về vai trò của ông Suh Hoon trong những sự việc trên. Cơ quan tình báo Hàn Quốc cũng không đưa ra nhận xét nào, theo Hãng tin Reuters.

Ông Kim Jong Un ăn tối với trùm an ninh Hàn Quốc Ông Kim Jong Un ăn tối với trùm an ninh Hàn Quốc Người giữ Người giữ 'linh hồn' chính sách đối ngoại Triều Tiên Kim Yo Jong - người vun tưới ‘mùa xuân liên Triều’ Kim Yo Jong - người vun tưới ‘mùa xuân liên Triều’
HỨA HIẾU HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên