Ngày 19-5, giờ địa phương, tin tức chiếc trực thăng chở Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian rơi sau chuyến thăm biên giới Azerbaijan đã gây sốc cho các nước.
Đến 6h sáng 20-5 (theo giờ Việt Nam), vẫn chưa rõ tình trạng của ông Raisi.
Đài Al Jazeera đặt câu hỏi: "Liệu Iran có thể 'đón nhận' cú sốc nếu Tổng thống Raisi không thể thực hiện nhiệm vụ tổng thống hay không?".
Nhà phân tích chính trị cao cấp Bishara của Al Jazeera đưa ra câu trả lời: Hệ thống chính trị của Iran có thể đón nhận một "cú sốc" như vậy.
Nhà phân tích Bishara giải thích: "Rõ ràng, đây là một sự cố nghiêm trọng. Việc tổng thống và ngoại trưởng cùng có mặt trên chiếc trực thăng không phải là dấu hiệu tốt.
Nhưng dù vậy, kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979, Iran đã chứng tỏ được rằng nước này có đủ khả năng đối mặt 'mọi loại phát súng' chống lại mình, đặc biệt khi liên quan đến các nhà lãnh đạo chính trị".
Ông Bishara nhấn mạnh với hệ thống chính trị của Iran, không có chuyện "một người ra đi, toàn bộ hệ thống sụp đổ".
"Có một tầng lớp tinh hoa thực sự mạnh mẽ đang cai trị ở Iran, nhưng cũng có một hệ thống mạnh mẽ ở Iran đang phát triển trong 4 thập niên qua theo cách có 'kiểm soát và cân bằng' (check and balance)", ông lưu ý.
Theo điều 131 Hiến pháp Cộng hòa Hồi giáo Iran, nếu tổng thống nước này qua đời trong lúc tại nhiệm thì phó tổng thống thứ nhất (hiện là ông Mohammad Mokhber) sẽ lên thay, với sự xác nhận từ lãnh tụ tối cao Iran, người có tiếng nói cuối cùng trong mọi vấn đề của nước này.
Một hội đồng gồm có phó tổng thống thứ nhất, chủ tịch quốc hội và người đứng đầu cơ quan tư pháp phải tổ chức bầu cử tổng thống mới trong thời gian tối đa 50 ngày.
Ông Raisi được bầu làm tổng thống vào năm 2021 và theo kế hoạch cuộc bầu cử tổng thống nước này sẽ diễn ra vào năm 2025.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận