05/12/2019 09:02 GMT+7

Trời trở lạnh, người lớn, trẻ nhỏ làm gì đề phòng bệnh hô hấp?

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TTO - TP.HCM và nhiều địa phương trở lạnh, nhiều gia đình cả người lớn lẫn trẻ con đều bị ho, hắt hơi, sổ mũi... Đề phòng bệnh hô hấp cách nào?


Trời trở lạnh, người lớn, trẻ nhỏ làm gì đề phòng bệnh hô hấp? - Ảnh 1.

Trẻ điều trị tại khoa Hô hấp, bệnh viên Nhi đồng 2 TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Gần một tuần nay, không khí bắt đầu trở lạnh khiến các thành viên trong gia đình chị Lê Thị Nga (30 tuổi, ngụ P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, TP.HCM) ho, hắt hơi, sổ mũi nhiều. Đặc biệt, hai bé nhỏ bị sổ mũi dai dẳng suốt cả tuần chưa dứt dù được bác sĩ khám, uống thuốc.

Theo chị Nga, những ngày bình thường ngủ phải bật quạt, nhưng ít ngày nay không khí trở lạnh vào sáng hoặc chiều buộc gia đình phải thay đổi thói quen sinh hoạt. 

"Mấy ngày nay hầu như gia đình tôi không phải dùng đến quạt, kể cả ban ngày. Khi tắm rửa cho các con, tôi đều phải dùng nước ấm, thay các loại quần áo dài ống để tránh nguy cơ nhiễm lạnh" - chị Nga chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu - giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - cho rằng không khí lạnh tràn vào TP.HCM thường dễ gây ra các bệnh về đường hô hấp như viêm phổi, cúm. Đặc biệt với những người lớn tuổi, nếu trước đó từng bị bệnh phổi sẽ dễ dẫn đến viêm phổi cấp hoặc lên cơn hen suyễn. 

"Đa số các bệnh này thường xảy ra trong cộng đồng, phần lớn có các biểu hiện như ho, sổ mũi và tự khỏi nên không nhất thiết phải vào bệnh viện điều trị" - bác sĩ Châu nói và khuyến cáo nên giữ ấm khi đi ra đường. Đặc biệt với người lớn tuổi ban đêm ngủ cẩn thận, đừng để bị cảm lạnh.

Các chuyên gia y tế còn khuyến cáo cần có biện pháp đề phòng virút hợp bào hô hấp. Loại virút hợp bào hô hấp là tác nhân hàng đầu gây bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ em, chiếm 60 - 70% trường hợp mắc các bệnh lý hô hấp. 

Bệnh này bùng phát mạnh khi trời trở lạnh hoặc không khí ô nhiễm. Đơn cử tại Bệnh viện Nhi đồng TP có ghi nhận những bệnh nhi nhiễm virút hợp bào hô hấp phải thở oxy, thậm chí thở máy.

Tuy nhiên, đến nay loại virút này chưa có văcxin phòng ngừa cũng như thuốc điều trị đặc hiệu, nên chỉ có thể điều trị các triệu chứng suốt quá trình lây nhiễm. 

"Trẻ mắc bệnh có thể tự khỏi sau 3 - 5 ngày, nhưng cần được theo dõi sát để phát hiện những dấu hiệu nặng báo hiệu có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm" - bác sĩ Trịnh Hồng Nhiên, trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, cho biết.

"Với thời tiết này, để mọi người dân, đặc biệt là sản phụ, không bị cảm lạnh, khi nằm nên nằm ở những nơi tránh gió, không nên ra ngoài khi nhiệt độ giảm mạnh vào sáng và tối, mặc đồ giữ ấm, đội mũ, mang vớ với chất liệu thoáng nhẹ, tạo cảm giác dễ chịu" - BS Nguyễn Khánh Dương, khoa cấp cứu Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, khuyến cáo.

Tại sao bệnh đau nhức xương khớp thường chuyển biến xấu khi trời lạnh Tại sao bệnh đau nhức xương khớp thường chuyển biến xấu khi trời lạnh

Vào những ngày thời tiết chuyển lạnh, những người mắc bệnh xương khớp thường cảm nhận rõ những cơn đau, ê buốt gây cảm giác khó chịu và phiền toái trong cuộc sống.

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên