03/01/2019 16:20 GMT+7

Cảnh báo đột quỵ do đi thể dục sớm ngày trời lạnh

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Đã có hai bệnh nhân vào viện được xác định đột quỵ khi đi tập thể dục sớm trong những ngày trời lạnh vừa qua ở các tỉnh miền Bắc. Các bác sĩ cảnh báo nên chuyển thời gian tập vào những giờ trời ấm hoặc tập tại nhà.

PGS-TS Mai Duy Tôn, Bệnh viện Bạch Mai cho hay bệnh viện đã tiếp nhận một bệnh nhân bị đột quỵ ngay giữa đường đi thể dục sớm (khu vực đường vòng quanh Hồ Tây). 

Thời điểm bệnh nhân đột quỵ là sáng sớm, rất may có người đi tập ở phía sau nhìn thấy và đưa vào bệnh viện cấp cứu kịp thời.

Thống kê từ các bệnh viện trong những ngày đầu năm mới 2019, đây là một trong hai bệnh nhân đột quỵ trong lúc đang đi tập thể dục lúc sáng sớm.

Bác sĩ Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai, cho biết trong những ngày trời lạnh và ngày nghỉ vừa qua, mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 130 bệnh nhân vào cấp cứu nội khoa, trong đó có 30 - 40% trường hợp do đột quỵ.

Bác sĩ Chính cũng cho biết vào các ngày nghỉ lễ đầu năm, lượng bệnh nhân vào cấp cứu có giảm nhưng số bệnh nhân liên quan đến đột quỵ lại gia tăng. Trong đó, 80% do người nhà vận chuyển đến và không đảm bảo về kỹ thuật sơ cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân.

3 dấu hiệu chính nhận biết cơn đột quỵ

1, Người bệnh đột ngột hôn mê, tê bì tay chân, mất ý thức, mất thăng bằng, đau đầu dữ dội

2, Bệnh nhân đột ngột nói khó, không nói được hoặc mồm méo

3, Đột ngột mất hoặc giảm thị lực 1 trong 2 mắt

Khi có dấu hiệu trên, việc đầu tiên người nhà cần làm là gọi 115 để được cấp cứu ban đàu và 115 sẽ giúp bạn đưa người bệnh vào cơ sở y tế.

PGS-TS MAI DUY TÔN

TS Nguyễn Văn Chi - phó trưởng Khoa Cấp cứu A9 - cũng khuyến cáo không nên cho người nghi ngờ đột quỵ uống bất kỳ loại thuốc nào khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

"Thói quen của nhiều người Việt là khi thấy người thân trong nhà bị đột quỵ thường cho uống ngay viên An cung ngưu hoàng hoàn. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm cho người bệnh bởi khi bệnh nhân rơi vào đột quỵ thường rơi vào trạng thái rối loạn nuốt, uống nước còn khó nên việc uống viên thuốc to dễ bị chẹn đường thở", ông Chi cho biết.

Trong khi đợi xe cấp cứu, người nhà sơ cứu cho bệnh nhân bằng cách để phần đầu và lưng bệnh nhân nằm nghiêng 45 độ so với cơ thể để tránh thức ăn, đờm rơi vào mũi, miệng, phổi. Mở cổ áo kiểm tra hô hấp, nếu bệnh nhân ngừng tim phải xoa bóp tim ngoài lồng ngực.

Nếu người bệnh co giật, người nhà phải lập tức lấy chiếc đũa đã được quấn lớp vải để ngáng ngang miệng bệnh nhân, tránh để người bệnh cắn vào lưỡi.



LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên