31/07/2019 09:09 GMT+7

Trở về đất mẹ - Kỳ cuối: Thầy giáo già và những tấm ảnh chụp bia mộ liệt sĩ

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - 63 tuổi, 11 năm nay, thầy giáo già ở Bình Dương miệt mài với những chuyến đi chụp ảnh mộ liệt sĩ ở hàng trăm nghĩa trang khắp cả nước, tạo thành kho thông tin để cung cấp cho thân nhân gia đình liệt sĩ tìm mộ đưa về quê nhà.

Trở về đất mẹ - Kỳ cuối: Thầy giáo già và những tấm ảnh chụp bia mộ liệt sĩ - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Sỹ Hồ chụp ảnh mộ liệt s ĩ ở nghĩa trang - Ảnh: NVCC

Tôi bận rộn suốt ngày. Có những ngày gần như không được đặt điện thoại xuống. 1-3h sáng vẫn có người gọi. Một ngày tôi nhận không dưới 100 tin nhắn Facebook. Mỗi ngày tôi làm việc 10-12 tiếng.

Ông NGUYỄN SỸ HỒ

Không chỉ có những người lính trong quân đội mới miệt mài, trăn trở với các chuyến đi đưa hài cốt liệt sĩ về quê hương, một thầy giáo già đã 11 năm nay cũng miệt mài với những chuyến đi chụp ảnh mộ liệt sĩ ở hàng trăm nghĩa trang khắp cả nước, tạo thành một kho thông tin để cung cấp cho thân nhân gia đình liệt sĩ tìm được mộ và đưa về quê nhà.

Đó là câu chuyện của ông Nguyễn Sỹ Hồ, 63 tuổi - một thầy giáo nghỉ hưu ở Bình Dương.

1.000 nghĩa trang và 500.000 tấm ảnh

"Tôi vừa xử lý xong 40.000 tấm ảnh chụp bia mộ liệt sĩ trong chuyến đi vừa rồi ở 128 nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh Quảng Nam và bốn nghĩa trang ở Đà Nẵng. Việt Nam có khoảng 600.000 mộ liệt sĩ có tên. Tôi đã chụp được gần 500.000 mộ" - thầy giáo già Nguyễn Sỹ Hồ cho hay.

Từ Quảng Nam trở vào Cà Mau có rất nhiều nghĩa trang liệt sĩ, ông cũng đã lặn lội tìm đến để chụp những mộ liệt sĩ có tên. "Quảng Ngãi có 117 nghĩa trang liệt sĩ, Bình Định 105, Phú Yên 28 nghĩa trang..." - ông Nguyễn Sỹ Hồ nhớ rành rọt.

Trong tháng 7 năm nay có 39 gia đình đã tìm thấy mộ liệt sĩ. Tất cả đều nhờ xem kho ảnh chụp mộ liệt sĩ trên trang Facebook của ông Hồ. Gần đây nhất, ngày 24-7-2019, thân nhân đã tìm thấy mộ liệt sĩ Đặng Xuân Quỳnh (quê Quảng Bình) và Mai Văn Niên (quê Bình Định).

Trước đó một ngày, mộ liệt sĩ Nguyễn Hữu Ngụ (Tây Ninh) và Nguyễn Văn Hoan (Quảng Trị) cũng được người nhà tìm thấy.

"Tôi coi niềm vui của gia đình liệt sĩ như niềm vui của chính gia đình mình - ông Hồ nói - Đó là động lực để tôi luôn cố gắng. Trung bình mỗi ngày có 1-2 thân nhân thông báo tìm được mộ liệt sĩ. Còn những ngày tháng 7 này thì một ngày nhận được 3-4 tin.

Đặc biệt có một ngày mà tôi luôn nhớ, ngày 17-7-2010, có bảy thân nhân tìm được mộ".

Người thầy giáo cười nhân hậu bảo: "Tôi bận rộn suốt ngày. Có những ngày gần như không được đặt điện thoại xuống. 1-3h sáng vẫn có người gọi. Một ngày tôi nhận không dưới 100 tin nhắn Facebook.

Mỗi ngày tôi làm việc 10-12 tiếng. Sáng dậy ngồi làm đến 11h30 - 12h vợ gọi mới vô ăn cơm, không ngủ trưa, chỉ ngả lưng 30 phút trên võng rồi làm tiếp.

Trong thời gian đi địa bàn thì khỏi nói. Trời chưa sáng đã có mặt ở nghĩa trang. Có khi 8h đêm vẫn chụp hình ở nghĩa trang, một tay cầm đèn pin rọi, một tay chụp ảnh".

Trở về đất mẹ - Kỳ cuối: Thầy giáo già và những tấm ảnh chụp bia mộ liệt sĩ - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Sỹ Hồ (bìa trái) giúp đưa hài cốt liệt sĩ ra xe để về quê nhà - Ảnh: NVCC

11 năm đi chụp ảnh mộ liệt sĩ

Ngay từ lúc còn đang dạy học, thầy giáo Nguyễn Sỹ Hồ đã tranh thủ những ngày không lên lớp, chạy xe máy đến từng nghĩa trang tìm mộ anh trai mình là liệt sĩ Nguyễn Đăng Khoa.

Năm 2008, ông Hồ mới tìm được mộ anh và sáu đồng đội hi sinh cùng ngày 16-4-1973 tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Đức Huệ (Long An).

"Cái cảm giác tìm được mộ người thân mình xúc động mãnh liệt lắm. Không từ ngữ nào diễn tả được. Nếu không có vợ và em tôi đi cùng, không biết chuyện gì xảy ra vì tôi xúc động quá, cứ khóc nghẹn không thở được, không làm chủ được mình.

Anh trai tôi là lính trung đoàn 271, sư đoàn 5, Quân khu 7, hi sinh vì bị phục kích. Khi tìm được, tôi mới biết anh hi sinh năm 1973" - ông Hồ cho biết.

Sau đó, nghĩ đến việc cần phải giúp các thân nhân khác biết được thông tin, ông Nguyễn Sỹ Hồ lập kênh riêng của mình là blog nguoiduado. Lúc đầu ông chụp ảnh các ngôi mộ có tên ở đơn vị anh trai mình, sau chụp các nghĩa trang toàn tỉnh Long An.

Sau vài tháng, ông mở rộng ra chụp các mộ liệt sĩ miền Bắc. Sau đó một năm thì không kể Bắc hay Nam, cứ mộ liệt sĩ có tên trong nghĩa trang là chụp.

Những năm đầu ông Nguyễn Sỹ Hồ làm rất thủ công, viết thư tay báo tin cho từng gia đình thân nhân đồng đội anh trai hay tin. Cứ một nghĩa trang ông viết 40-50 thư tay.

Ông Nguyễn Sỹ Hồ bảo: "Nhiều trường hợp cảm động lắm. Có những bà mẹ liệt sĩ đang ốm nằm một chỗ, khi biết tìm được mộ con liền nhổm dậy dọn bàn thờ để đón con về. Có trường hợp mẹ liệt sĩ yếu sắp mất nhưng khi đưa hài cốt con về, mẹ tỉnh dậy ra thắp hương.

Tôi nhớ mãi trường hợp liệt sĩ Lê Văn Huấn quê Thanh Hóa, chôn ở nghĩa trang liệt sĩ huyện Bù Đăng (Bình Phước). Khi nhận được thư báo, gia đình ngỡ ngàng. Bố anh Huấn chỉ có duy nhất anh ấy là con trai. Anh Huấn cũng có duy nhất đứa con trai tên Lê Văn Lâm.

Thằng Lâm sinh năm 1971. Mẹ cháu ở vậy nuôi con. Sau khi đọc thư tôi, đứa con trai và hai người bà con đón xe vào nhà tôi ngay. Trưa nắng chang chang, thằng con khóc não nề mà không ai có thể dìu nó ra khỏi mộ bố nó được. Tất cả mọi người đều khóc".

Đến năm 2012, ông lập trang web nguoiduado, trong đó cung cấp thông tin về danh sách các nghĩa trang khắp mọi miền đất nước, hàng trăm ngàn ảnh chụp bia mộ liệt sĩ. Từ năm 2008 đến nay, ông đã đến hơn 1.000 nghĩa trang để chụp ảnh mộ liệt sĩ.

Có khi một ngày ông chụp 7.000 tấm ảnh! Chi phí đi lại ông tự bỏ tiền túi. Riêng ở khu vực miền Nam, những nghĩa trang liệt sĩ các tỉnh miền Tây và lân cận TP.HCM thì ông chạy xe máy.

"Nhiều người cứ nghĩ nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn là lớn nhất chứ thực ra nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên (Tây Ninh) mới nhiều nhất, có gần 14.000 mộ. Tôi mất một ngày rưỡi mới chụp ảnh xong" - ông Nguyễn Sỹ Hồ cho hay.

Không chỉ lặn lội đến nghĩa trang khắp cả nước chụp ảnh bia mộ liệt sĩ, người thầy giáo già ấy còn sẵn lòng tự tay bốc mộ giúp thân nhân liệt sĩ. Không ít lần ông có mặt ở nghĩa trang lúc 1h, 2h sáng để giúp thân nhân bốc mộ.

11 năm nay, đã có hơn 10.000 người thân tìm được mộ liệt sĩ từ hàng trăm ngàn tấm ảnh chụp của ông Nguyễn Sỹ Hồ. Năm 2018, ông đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập là người chụp ảnh mộ liệt sĩ nhiều nhất Việt Nam.

Hàng chục ngàn giờ xử lý hình ảnh

10liệt sĩ kỳ cuối 2(read-only)

Ông Nguyễn Sỹ Hồ tỉ mỉ xử lý từng tấm ảnh chụp mộ liệt sĩ rồi đưa lên trang web để thân nhân tìm kiếm - Ảnh: MY LĂNG

Ông Nguyễn Sỹ Hồ cho biết: "Thời gian chụp ảnh không lâu bằng xử lý hình ảnh. Tôi dành cả hàng chục ngàn giờ làm việc.

Mỗi tấm ảnh đều được chú thích thông tin đầy đủ về liệt sĩ. Tên của mỗi tấm ảnh chính là tên của liệt sĩ (để người thân vào gõ tìm theo thứ tự chữ cái nhanh chóng và dễ dàng), được đồng bộ hóa hình ảnh giống nhau về kích thước và gắn logo nguoiduado rồi mới đăng lên trang web".

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên