Sáng 23-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, dự kiến chương trình giám sát năm 2025 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chọn 2 chuyên đề trình Quốc hội xem xét
Trình bày báo cáo về dự kiến các chuyên đề giám sát năm 2025, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho hay đây là năm cuối của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Năm 2025 là năm các địa phương sẽ tiến hành tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
Chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 và là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại khác của đất nước. Đây cũng là năm cuối nhiệm kỳ.
Theo quy định, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề trong cả nhiệm kỳ.
Sau khi cân nhắc nhiều mặt và để bảo đảm chất lượng, tính khả thi của chương trình giám sát, tổng thư ký Quốc hội kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất Quốc hội giám sát tối cao 1 chuyên đề tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5-2025) và Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát 1 chuyên đề tại phiên họp tháng 8-2025.
Từ kết quả lựa chọn chuyên đề của thường trực Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tổng thư ký Quốc hội xin được đề xuất 3 chuyên đề trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định lựa chọn 2 chuyên đề.
Cụ thể, chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường.
Chuyên đề 2: Việc phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nhân lực chất lượng cao.
Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và phát triển du lịch.
Điều hành sau đó, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết căn cứ kết quả bỏ phiếu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chọn chuyên đề 1 và chuyên đề 2, trình Quốc hội xem xét, quyết định lựa chọn một chuyên đề giám sát tối cao. Còn lại một chuyên đề sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát.
Theo dự kiến, Quốc hội bấm nút thông qua chương trình giám sát năm 2025 tại kỳ họp 7 vào tháng 5 tới.
Nhiều đổi mới, kết quả quan trọng
Trước đó, tổng thư ký Quốc hội nêu rõ năm 2023 và 2024 là hai năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành các nghị quyết về chương trình giám sát năm 2023, 2024 bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Các nghị quyết này là cơ sở quan trọng để các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội ban hành chương trình và thực hiện nhiệm vụ giám sát phù hợp.
Qua đó, hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội đã đạt được những kết quả quan trọng với nhiều đổi mới, cải tiến, bảo đảm tiến độ và chất lượng.
Cụ thể, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về hoạt động giám sát không ngừng được tăng cường, góp phần quan trọng tạo cơ sở pháp lý và định hướng hoạt động giám sát cho cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và những năm tiếp theo.
Trong đó, đáng chú ý, theo ông Cường, Quốc hội ban hành nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để kịp thời thể chế hóa các quy định của trung ương.
Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đảm bảo đúng quy định, sát thực tiễn với nhiều đổi mới.
Các vấn đề chất vấn được lựa chọn bám sát thực tiễn, "đúng", "trúng" những vấn đề "nóng", bức xúc nổi lên, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận