![Làm đường trên cao, song hành để ‘gỡ kẹt’ cho quốc lộ 13 - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/11/base64-1739256977534917685646.jpeg)
Quốc lộ 13 (cửa ngõ TP.HCM) đã quá tải và kẹt xe nhiều năm qua - Ảnh: CHÂU TUẤN
Những năm qua, quốc lộ 13 đoạn qua TP Thủ Đức (cửa ngõ TP.HCM) thường xuyên kẹt xe, nhất là vào giờ cao điểm. Để giải quyết tình trạng này, dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 13 vừa được Sở Giao thông vận tải hoàn thành báo cáo tiền khả thi và trình UBND TP.HCM thẩm định.
Quốc lộ 13 được mở rộng từ cầu Bình Triệu đến cầu Vĩnh Bình, TP Thủ Đức giáp Bình Dương, với tổng mức đầu tư khoảng 21.724 tỉ đồng, bao gồm lãi vay. Nguồn vốn nhà nước hơn 14.700 tỉ đồng, vốn huy động khoảng 7.017 tỉ đồng.
Quy mô dự án mở rộng đường từ 4-6 làn xe lên 10 làn, rộng 60m (với vận tốc 80km/h), trồng cây xanh, hạ tầng kỹ thuật dọc tuyến... Đồng thời dự án xây dựng một đường trên cao dài 3,2km có quy mô 4 làn xe, đường song hành hai bên (60km/h) giúp tách biệt dòng xe, hạn chế xung đột với các đường băng ngang.
Điều đặc biệt, dù quốc lộ 13 được làm theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao), nhưng chỉ thu phí đối với phần đường chính. Người dân vẫn có thể đi lại miễn phí trên đường song hành nếu không muốn vào đường trên cao. Điều này giúp tạo thêm sự lựa chọn, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân trong khu vực.
Ngoài ra tuyến đường sẽ có hai nút giao quan trọng khác mức, liên thông là Bình Triệu và Bình Lợi giúp xe có thể chạy thông suốt.
Thời gian làm từ 2025 - 2028. Còn thời gian dự kiến thu phí khoảng 21 năm 4 tháng.
Như vậy nếu đúng tiến độ, chỉ khoảng 3 năm nữa người dân TP.HCM và Bình Dương sẽ có tuyến đường thông thoáng, hiện đại để đi lại mà không còn lo cảnh ùn tắc kéo dài.
Việc nâng cấp tuyến quốc lộ 13 không chỉ giúp người dân đi lại nhanh hơn mà còn tạo cú hích cho kinh tế khu vực. Khi giao thông thuận lợi, kéo theo sự phát triển của dịch vụ, thương mại và bất động sản.
1.155 hộ dân ảnh hưởng mặt bằng khi nâng cấp quốc lộ 13
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, việc giải phóng mặt bằng, di dời, tái định cư với tổng diện tích dự kiến khoảng 15,60ha. Số hộ bị ảnh hưởng khoảng 1.155 hộ với số tiền bồi thường hơn 15.288 tỉ đồng (đã bao gồm phí dự phòng).
Trong đó, diện tích đất cần giải tỏa ở TP.HCM là 39,54ha (1.140 hộ dân ảnh hưởng), còn ở Bình Dương là 1,64ha (15 hộ dân bị ảnh hưởng).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận