Sáng 3-8, họa sĩ Lê Thiết Cương tổ chức triển lãm cá nhân với chủ đề Duyên, tại Nhà trưng bày triển lãm TP.HCM.
Đây là triển lãm cá nhân đầu tiên của anh tại TP.HCM.
Lê Thiết Cương và những mối nhân duyên
Nói về cái duyên tổ chức triển lãm ở TP.HCM, cũng là chủ đề của triển lãm, Lê Thiết Cương chia sẻ: "Quá trình chuẩn bị và thực hiện triển lãm Duyên thật sự rất "duyên" đối với tôi.
Trong một lần đi kiểm tra sức khỏe ở TP.HCM, tôi tình cờ gặp người bạn cũ từng là chủ một phòng tranh.
Giờ đây, cô ấy chuyển sang lĩnh vực di sản làng nghề thủ công truyền thống kết hợp hội họa đương đại.
Lần gặp gỡ tình cờ ấy gieo duyên cho tôi thực hiện triển lãm này. Với tôi, mọi thứ đều gói gọn trong chữ Duyên, đó là nhân duyên đưa tôi đến hội họa, cũng như thực hiện triển lãm đặc biệt lần này".
Thông qua triển lãm Duyên, họa sĩ Lê Thiết Cương không chỉ muốn giới thiệu những tác phẩm đặc biệt của anh dày công thực hiện, dồn nhiều tâm huyết mà còn thể hiện lòng biết ơn đối với cuộc đời, với những người anh có duyên gặp gỡ và đồng hành.
Triển lãm Duyên giới thiệu 34 tác phẩm, trong đó có 22 tranh và 12 tượng mỹ thuật ứng dụng, tái hiện các làng nghề truyền thống của Việt Nam.
Các bức tranh được họa sĩ Lê Thiết Cương thực hiện từ năm 2003 đến 2024 trên nhiều chất liệu, mang nét đặc trưng của anh như: tranh sơn dầu, sơn mài, bột màu vải màn bồi giấy dó, mực trên giấy dó, gốm mosaic…
Làng nghề thủ công truyền thống phải thay đổi để sống còn
Đặc biệt trong triển lãm Duyên còn trưng bày nhiều hiện vật, tái hiện các làng nghề truyền thống như bình gốm Bát Tràng, gốm Hương Canh hay các sản phẩm làm từ sắt, composite, đá, kính…
Đây cũng là những sản phẩm đặc trưng của Lê Thiết Cương khi khán giả chiêm ngưỡng, đó là chiếc ghế sắt nhiều màu sắc, tượng "Phật tức tâm", Hạt gạo…
Vị trí treo tranh, đặt tượng đều do Lê Thiết Cương quyết định, tạo nên một không gian đầy tính nghệ thuật nhưng tối giản như chính con người anh vậy.
Một điều khá thú vị trong triển lãm Duyên là khu vực chiếu phim giới thiệu các làng nghề truyền thống của Việt Nam như: làng sơn mài, làng tranh dân gian Đông Hồ, làng khảm trai xà cừ, làng dệt lụa, làng thêu Việt Nam.
Tác giả mong muốn góp một phần nhỏ vào việc tôn vinh, giữ gìn, phát huy những giá trị của làng nghề truyền thống đang dần mai một.
Sự kết hợp giữa hội họa đương đại và làng nghề thủ công truyền thống tạo nên nhiều điều mới lạ, thú vị cho người yêu hội họa và quan tâm đến sự tồn tại của các làng nghề truyền thống.
Lê Thiết Cương chia sẻ thẳng thắn về thực trạng làng nghề truyền thống hiện nay: "Các làng nghề sống thoi thóp, hấp hối hoặc đã chết đều chung một nguyên nhân chính là sản phẩm không hòa nhập, không bán được. Cuộc sống đổi thay, nhu cầu đổi thay, thẩm mỹ thay đổi nhưng mẫu mã của họ lại đứng im, bình chân như vại.
Theo tôi, thiết kế là yếu tố quan trọng nhất đối với bất kỳ làng nghề nào. Chỉ có mẫu mã mới, đa dạng, phù hợp với nhịp sống hôm nay mới có thể sống còn".
"Muốn bảo tồn và phát triển phải bắt đầu từ yếu tố con người: không có nghệ nhân, không có thầy thì không có thế hệ kế tiếp.
Nghệ nhân là di sản người, tinh hoa nghề, chúng ta phải tôn vinh họ bằng mọi cách, bằng danh hiệu và cả tiền.
Các nghệ nhân cần được chính quyền các cấp quan tâm, trân trọng, phải coi nghệ nhân là báu vật, là di sản địa phương.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng thay đổi quy định, chính sách có lợi nhất cho các làng nghề truyền thống và các nghệ nhân" - Lê Thiết Cương đưa ý kiến.
Triển lãm Duyên diễn ra từ ngày 3 đến 12-8, tại Nhà trưng bày triển lãm TP.HCM.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận