Hoạ sĩ Lê Thiết Cương tại buổi ra mắt cuốn sách đầu tiên của anh - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN |
Buổi ra mắt sách ấm cúng với sự tham gia, chia sẻ của nhiều người bạn thân hoạ sĩ. Thấy là cuốn sách in riêng đầu tiên của Lê Thiết Cương, tập hợp 47 bài viết về văn hóa, nghệ thuật của họa sĩ 5 năm trở lại đây.
Kèm theo mỗi bài viết là những hình ảnh do chính hoạ sĩ chụp hoặc của các nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng trong nước và quốc tế như: Dương Minh Long, Hữu Bảo, Ngọc Thái, Trần Huy Hoan, Nguyễn Quốc Dũng, Đặng Xuân Trường, Eva Lindskog, Lawrence D’Attilio, John Ramsden…
Phần lớn bài viết trong Thấy đã được đăng trên hai báo là Nhân Dân hằng tháng và Nghệ thuật mới. Thấy lấy chất liệu từ đời sống hiện thực là một cái cổng làng, một ngôi chùa, một món ăn đến những bức ảnh, những bức tranh, những triển lãm…
Nhưng câu chuyện họa sĩ muốn gợi ra, nói đến lại chạm đến một hiện thực khác rộng hơn, đó là hiện thực của lòng người, của tâm tính con người trong sự đổi thay của đời sống. Ở đó những được - mất, sống - còn, quá khứ- hiện tại cùng hiện ra.
Mà dân hội hoạ viết ra chữ, thì đọc cứ phải nghĩ, phải tưởng tượng, bởi họ vẽ chữ. Trên đời này tôi chỉ tuân thủ nguyên tắc biết nhìn mới thấy. Lê Thiết Cương là một người trong số không nhiều lắm những người biết nhìn, bởi chỉ có biết nhìn thì mới thấy. |
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến |
Trong lời đề tựa cuốn sách, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cảm nhận: “Tôi đã tìm cách lẩn vào đôi mắt của hoạ sĩ Lê Thiết Cương để nhìn thấy những gì Lê Thiết Cương Thấy. Ông nhìn thấy phía sau và bên trong tận đáy những bức ảnh, những bức tranh, những món ăn, những lời thưa, chợ hoa Tết, một cái bàn thờ tự tạo, tiếng Việt xưa, những ngôi chùa, tiếng Nhà thờ lớn…
Tất cả những thứ ấy đang trôi trong đời sống của chúng ta và chứa đầy trong đó những vẻ đẹp Việt thuần khiết, thẳm sâu. Thế nhưng những vẻ đẹp ấy lại đang càng ngày càng bị săn đuổi và đe doạ bởi sự mù loà, thực dụng của con người. Có rất nhiều vẻ đẹp Việt chỉ còn trong quá khứ. Và cái Thấy của Lê Thiết Cương đã làm hiện ra một con đường cho chúng ta trở về với quá khứ”.
Hoạ sĩ Lê Thiết Cương trong buổi ra mắt Thấy - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN |
Chia sẻ về lý do là cây bút văn hoá cho nhiều tờ báo nhưng đến bây giờ mới ra sách?
Hoạ sĩ Lê Thiết Cương bày tỏ, dù đã có 20 năm viết, nhưng “không dám in” bởi từng nhìn thấy những cuốn sách ế của một công ty sách chất đầy cầu thang.
Đến khi chịu nghe sự thuyết phục của những người bạn bên báo Nhân dân, NXB Trẻ, Lê Thiết cương mới in sách nhưng với điều kiện duy nhất là “NXB hãy in sách cho tôi với tâm thế là đang in cho một kẻ thù, nếu thấy tác giả Lê Thiết Cương viết cuốn ấy có tác dụng nào đó. Còn tôi cấm tuyệt đối in với ý nghĩa bạn bè”.
“Người ta có thể thay đổi nhiều thứ, nhưng nên giữ lại những nét đẹp, những gì thuộc về vẻ đẹp của văn hoá Việt, truyền thống Việt, tinh thần Việt. Trong một bài viết, tôi có nói rằng, tất cả những cái thấy xong rồi để nuối tiếc cho văn hoá Việt đến ngày hôm nay bị rơi rụng đi rất nhiều… Đã đến lúc phải coi biên giới là một khái niệm mềm và mở. Văn hoá cũng là biên giới. Mất văn hoá là mất nước” hoạ sĩ chia sẻ về những bài viết trong cuốn sách.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên bình, để có được những chữ Lê Thiết Cương Thấy không dễ dàng chút nào. “Một thời chúng ta không được nói số ít, mà phải nói số nhiều như chúng ta, chúng tôi…Và thấy là thấy là thấy theo một hướng và không được thấy theo hướng khác…cho nên chữ thấy trong sách là một thắng lợi của chúng ta…”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận