10/02/2017 21:01 GMT+7

Họa sỹ Lê Thiết Cương triển lãm Thơ Gốm

HỒNG LINH
HỒNG LINH

TTO - Chiều 10-2, tại Gallery 39 - Hà Nội, họa sỹ Lê Thiết Cương cùng NXB Trẻ ra mắt công chúng cuốn Thơ Gốm nhân ngày Thơ Việt Nam lần thứ 15.

Sách Thơ Gốm cùng với một số đầu sách khác do họa sĩ Lê Thiết Cương thiết kế  và minh họa trong những năm gần đây sẽ trưng bày tại không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong ngày thơ Việt Nam (11-2-2017). - Ảnh: H.L

Cuốn sách tập hợp hình ảnh 40 bức tranh trên gốm do họa sĩ Lê Thiết Cương minh họa những câu thơ, tác phẩm thơ của các nhà thơ như: Văn Cao, Hoàng Trung Thông, Lưu Quang Vũ, Đào Trọng Khánh, Hoàng Trần Cương,...

Dự án này được họa sĩ Lê Thiết Cương thực hiện, bên cạnh việc đưa thi ca vào hội họa còn nhằm tôn vinh và bảo tồn làng nghề gốm truyền thống Bát Tràng. Những tác phẩm gốm có tranh minh hoạ những câu thơ là những độc bản, do nghệ nhân làng Bát Tràng vuốt tay, nung bằng củi trong lò bầu truyền thống thay vì lò gas phổ biến hiện nay.

Thơ Gốm là cuốn sách được Lê Thiết Cương ấp ủ và thực hiện trong suốt 15 năm qua. Cùng với tập Trường thơ Hải Phòng (ra mắt tháng 1-2017), đây là hai cuốn sách nằm trong dự án nghệ thuật về thơ của họa sĩ Lê Thiết Cương.

Minh họa thơ không nên hiểu theo nghĩa đen. Thực chất đó là quá trình phiên dịch câu thơ ấy sang ngôn ngữ khác - ngôn ngữ hội họa. Tức là để thơ chuyển thành hình, thành màu, thành nét, thành bố cục. Và chỉ như thế nó mới tôn vinh được cả thi ca và hội họa.

Lê Thiết Cương

Họa sỹ Lê Thiết Cương đang giới thiệu với bạn đọc cuốn Thơ Gốm cùng các tác phẩm gốm tại triển lãm - Ảnh: H.L

Trong lời đề bạt của cuốn sách, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha đã viết: “Trong lịch sử nghệ thuật thế giới, có một cuộc phải lòng nhau giữa thi ca và âm nhạc cứ thế keo sơn từ gần ngàn năm nay. Thi ca và hội họa phải lòng nhau theo một kiểu khác. Đã có rất nhiều bức tranh được vẽ từ cảm hứng những bài thơ, những câu thơ.

Năm nay, nhân kỷ niệm 15 năm ngày thơ Việt Nam nhằm Tết Nguyên tiêu rằm tháng Giêng, họa sĩ Lê Thiết Cương lại có cuộc dan díu với thơ bằng cách chọn ra những câu thơ hay viết lên gốm cùng những bức tranh anh vẽ từ cảm hứng những câu thơ ấy.

Cuộc dan díu này không chỉ được đốt lên từ ngọn lửa tình yêu thi ca vô hình mà nó còn được đốt nóng từ ngọn lửa thực sự của lò gốm. Dấu tích giao hoan của thi họa in lên trên bình gốm mãnh liệt đến không thể dứt ra được, ngay cả khi đem đập vỡ các bình gốm đó thì nó vẫn còn rơm rớm trên những mảnh gốm vụn. Rơm rớm của cô đọng đến cùng cực tối giản.”

HỒNG LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên