Thông tin cảnh sát Hàn Quốc bắt tiếp viên hàng không Việt Nam nghi buôn lậu tinh dầu cần sa khiến mọi người nhớ lại chuyện bốn tiếp viên Vietnam Airlines mang 11kg ma túy tổng hợp ngụy trang trong hộp kem đánh răng chuyển từ Pháp về TP.HCM xảy ra trong tháng 4.
Thử gõ từ khóa "buôn lậu hàng không", đa phần đều liên quan đến một số phi công và tiếp viên. Họ xách hàng thuê được trả phí, một "nghề" cửu vạn hiện đại song lại là nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập nhưng trái ngược hẳn với chuẩn mực của tiếp viên, phi công - lao động đòi hỏi tiêu chuẩn cao, tuyển dụng khắt khe, được huấn luyện kỹ càng để có trách nhiệm với hãng và giữ gìn hình ảnh đất nước khi bay ở nước ngoài.
Xét cho cùng, phi công và tiếp viên có thu nhập khá so với mặt bằng chung. Nhưng không ít người vẫn tận dụng ưu thế nghề nghiệp, được đi từ nước này qua nước khác, để kiếm thêm thu nhập. Mẫu số chung là xách hàng thuê hoặc mua hàng mỹ phẩm, rượu, thuốc lá, nước hoa... bán lại để hưởng chênh lệch.
Từ những phi vụ làm thêm này, những vụ việc động trời đã xảy ra. Một số tiếp viên hàng không không chỉ tiếp tay mang ma túy vào nước mình mà "thò vòi" vào nước khác. Báo chí, truyền thông nước ngoài thông tin, tiếng xấu cứ lan xa.
Cá nhân phi công, tiếp viên hàng không vi phạm đương nhiên chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nhưng họ cũng gắn liền với hãng bay, rõ ràng ảnh hưởng đến thương hiệu, ít nhiều ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia. Vậy hãng bay liên quan có sốt ruột về chuyện này không?
Thực tế có rất nhiều quy định, chỉ thị ngăn ngừa phi hành đoàn xách hàng thuê được ban hành nhưng đâu lại vào đấy. Dường như quy định của ngành đã bị nhờn hay còn nguyên nhân nào khác?
Có người nói trong ngành luôn có một thế giới ngầm, trở thành lệ, đã là phi công, tiếp viên hàng không thì phải có xách hàng. Họ chấp nhận làm cửu vạn đánh thuê cho các đầu nậu, kể cả tự mình làm con buôn xuyên quốc gia với lợi nhuận cao.
Hầu hết các loại mặt hàng buôn lậu đều được cất giấu, ngụy trang trong vali của tiếp viên, phi công. Tồn tại cái lệ này là quá oan ức cho những phi công, tiếp viên hành nghề chân chính.
Nhưng cũng không thể phủ nhận cái lệ này cứ lặp đi lặp lại. Đổ lỗi cho thu nhập thấp? Chưa hẳn. Số đông phi công, tiếp viên khác đâu có xách hàng. Việt Nam có nhiều hãng bay nhưng người vi phạm sao chỉ rơi vào một vài hãng?
Có nhiều quy định nhưng không ngăn được nạn cửu vạn hiện đại này, vậy phải mổ xẻ nguyên nhân và tìm thêm giải pháp khác. Chẳng hạn trong ngành hàng không có những đồn thổi về luật ngầm phải chung chi trong tuyển dụng khi bị trượt, rồi trong bố trí ưu tiên lịch bay, loại tàu bay cũng phải có "phí".
Cần làm rõ những đồn thổi này, nếu chỉ là đồn thổi thì phải tìm nguyên nhân khác để dẹp cái "nghề" cửu vạn hiện đại này. Nếu có hơi hướng chung chi thì phải mạnh tay trị ngay để bớt đi nhu cầu kiếm tiền chung chi.
Rõ ràng, ngành hàng không nói chung, các hãng bay nói riêng phải làm nhiều hơn nữa, kể cả xử lý ngay người đứng đầu của bộ phận nhân sự, và có trách nhiệm giải trình đầy đủ với công luận. Không thể để cái "nghề" cửu vạn hiện đại nhưng xấu hổ này cứ tồn tại mãi làm phiền lòng mọi người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận