Nhằm góp thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu hiến kế này.
"Trong xã hội khi giao tiếp với nhau con người ngoài ngôn ngữ chính thống ra bao giờ cũng có từ "đệm" vào, nói nôm na là "nói tục chửi thề".
Chửi thề có khi là thói quen mà khi chính người phát ngôn cũng không nhận ra lời nói đó. Thông thường lời không hay đó xuất hiện lúc con người có khí chất nóng nảy khó kiềm chế và kiểm soát được lý trí của mình nên buông ra những lời thô tục.
Lần đầu tiên học sinh nói tục, chửi thề, bị phạt súc miệng nguyên xô nước hơn 10 lít bằng cái ly nhỏ xíu. Còn vi phạm lần kế tiếp thì nhà trường mời phụ huynh đến làm việc. Sau đó, nếu vi phạm sẽ bị hạ bậc hạnh kiểm ghi vào học bạ. Nếu nhà trường nào cũng nghiêm khắc như vậy, học sinh làm sao dám nói tục chửi thề"
Trần Văn Tám
Ngoài ra, hiện nay khi mạng xã hội phát triển, có khi người ta còn mượn mạng xã hội để "nói" tiếng lóng tranh luận với nhau điều gì đó. Thành phần tham gia văng tục, chửi thề không giới hạn đối tượng nào từ học sinh, ca sĩ, người mẫu, công chức….
Để giải quyết vấn nạn nói tục, chửi thề này tôi xin nêu hai biện pháp tích cực để hạn chế và có thể đi đến triệt tiêu tình trạng này đó là:
Thứ nhất, khi phát hiện trẻ ngọng nghịu thốt ra những tiếng đầu đời bắt chước người lớn văng tục, chửi thề, thay vì thấy bình thường hoặc cho đó là vô hại, các bậc phu huynh nên phản ứng ngay!
Đối với trẻ nhỏ, khi cha mẹ không tỏ ra một chút phản ứng, bày tỏ thái độ bằng cử chỉ nét mặt hay lời nói... cũng có nghĩa là đồng tình!
Tôi từng chứng kiến, có một số phụ huynh thấy con mình bi bô những từ ngữ "lạ" chẳng những không la rầy mà trái lại còn vỗ tay khen. Được nước, con trẻ càng "chửi" nhiều hơn.
Chắc chắn rằng, không bậc cha mẹ nào muốn con mình lớn lên khi nói chuyện "đệm" thêm những từ khó nghe, nhưng khi không uốn nắn, răn đe từ nhỏ vô tình hình thành thói quen trong trí óc còn non nớt ngay từ còn bé. Chuyện nói tục, chửi thề cứ ngày nào cũng lặp đi lặp lại, khi lớn lên trẻ khó mà bỏ được thói xấu đó.
Thứ hai, trách nhiệm của nhà trường. Ở trường, chính thầy cô giáo là người thường xuyên nhắc nhở không được nói tục, chửi thề vì đó là lời nói xấu.
Ngay nội quy ở nhà trường bao giờ cũng có điều quy định cấm học sinh và sẽ có hình phạt răn đe nếu vi phạm.
Tôi biết có một trường THPT ở huyện Củ Chi (TP.HCM) trường có tổ giám thị rất nghiêm khắc khi xử lý với học sinh vi phạm tội nói tục, chửi thề.
Cụ thể, lần đầu tiên vi phạm phạt học sinh súc miệng nguyên xô nước hơn 10 lít bằng cái ly nhỏ xíu. Còn vi phạm lần kế tiếp thì nhà trường mời phụ huynh đến nhắc nhở gia đình. Sau đó, nếu vi phạm sẽ bị hạ bậc hạnh kiểm ghi vào học bạ.
Chính vì nhà trường có biện pháp cứng rắn như vậy nên học sinh không dám quen miệng thói quen nói tục, chửi thề trong trường học.
Tóm lại, nếu ở mỗi gia đình các bậc cha mẹ, còn ở trường học các thầy cô giáo chú ý rèn nhân cách trẻ ngay từ nhỏ, biết chặn đứng, ngăn ngừa khi nghe trẻ nói tục, chửi thề thì lớn lên trong giao tiếp các em luôn tỏ ra là người có văn hóa có chuẩn mực đạo đức gương mẫu.
Làm sao hạn chế được việc nói tục chửi thề? Bạn có đồng ý với tác giả Trần Văn Tám: thói quen này rất khó bỏ và muốn đừng nói tục, chửi thề phải chịu khó uốn nắn ngay từ nhỏ! Hãy gửi ý kiến của mình quan phần bình luận dưới bài viết hoặc gửi về email: dandt@tuoitre.com.vn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận