04/04/2023 15:23 GMT+7

Trẻ nhỏ nên dùng thuốc nhỏ mũi loại nào?

Mới đây một bé gái 6 tuổi được gia đình đưa đến khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ trong tình trạng mệt, rối loạn nhịp tim. Trước đó bé bị viêm họng cấp, được cho thuốc uống và nhỏ mũi, sau dùng thuốc nhỏ mũi bé than mệt và được đưa đi cấp cứu.

Bác sĩ khuyến cáo trẻ nhỏ chỉ nên dùng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi khi trẻ nghẹt mũi - Ảnh: BV

Bác sĩ khuyến cáo trẻ nhỏ chỉ nên dùng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi khi trẻ nghẹt mũi - Ảnh: BV

Tại bệnh viện, bé H.P.M. than mệt, các bác sĩ ghi nhận có rối loạn nhịp tim. Người nhà cho biết trước nhập viện bé có sốt nhẹ, ho, chảy mũi… nên có đến khám chữa bệnh tại một phòng mạch tư, được nội soi tai mũi họng, chẩn đoán viêm mũi họng cấp. Bác sĩ kê toa thuốc uống 2 ngày, kèm thuốc nhỏ mũi hiệu P.

Sau khi về nhà, bé được người nhà cho uống thuốc và nhỏ mũi; sau nhỏ mũi xuất hiện tình trạng buồn nôn, bé than mệt nên được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa - phó trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ - cho biết bệnh nhi được hỗ trợ thở oxy, truyền dịch và gắn điện cực theo dõi nhịp tim liên tục. Sau đó, nhịp tim bé phục hồi, tươi tỉnh trở lại, nhịp tim đều 90 - 100 lần/phút, được xuất viện sau hai ngày theo dõi.

Bác sĩ Nghĩa khuyến cáo, đây là trường hợp ngộ độc thuốc nhỏ mũi ở trẻ nhỏ. Vì thuốc nhỏ mũi hiệu P. là dung dịch nhỏ mũi dành cho người trưởng thành, trong đó có chứa thành phần chính là naphazolin.

Triệu chứng chính của ngộ độc naphazolin là cơ thể hạ nhiệt, tay chân lạnh, tim đập chậm, ra mồ hôi, buồn ngủ; nặng hơn nữa là co giật, hôn mê, đặc biệt nguy hiểm và dễ gặp phải ở trẻ em. Một số trường hợp ngộ độc nặng có thể dẫn đến tử vong, đặc biệt ở trẻ em dưới 3 tuổi.

Ở trẻ em, các triệu chứng chảy mũi, nghẹt mũi, hay khịt mũi là những biểu hiện của viêm đường hô hấp thường gặp, tuy nhiên ở trẻ nhỏ thường gây khó chịu làm trẻ khò khè, khó bú, quấy khóc. Do vậy cha mẹ cần chú ý việc vệ sinh mũi đúng cách sẽ làm cho trẻ dễ chịu hơn.

Dung dịch vệ sinh mũi được các bác sĩ nhi khoa khuyến cáo là nước muối biển đẳng trương (nước muối sinh lý) để vệ sinh mũi cho bé. Nước muối sinh lý có tác dụng làm ẩm niêm mạc mũi trong trường hợp không khí khô và ô nhiễm, long đờm, loãng đàm khi bị viêm mũi. Sử dụng nước muối sinh lý để làm thuốc nhỏ mũi cho bé rất an toàn và không có tác dụng phụ.

Đặc biệt ở trẻ nhỏ, người lớn không nên tự ý dùng thuốc nhỏ mũi, xịt mũi có chứa các thành phần: xylometazolin, oxymetazolin, naphazolin hay kết hợp oxymetazolin với dexamethason (một dạng corticoid), bởi đây là loại thuốc co mạch tại chỗ.

Các thuốc nhỏ mũi có hoạt chất co mạch, kháng viêm tại chỗ thường không được khuyến cáo dùng cho trẻ em, khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa nhi, vì dễ có nguy cơ gây ngộ độc. 

Cha mẹ nên dùng nước muối sinh lý vệ sinh nhỏ mũi, mắt, tai… Trong trường hợp trẻ viêm mũi, họng, tai, bụi ở mắt là an toàn nhất, bác sĩ Nghĩa khuyến cáo.

Bạn đọc có những thắc mắc về sức khỏe người lớn và trẻ em, dinh dưỡng, tiêm ngừa, chấn thương... mời gửi email đến hộp thư suckhoe@tuoitre.com.vn (để chính xác nội dung, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu). Chuyên mục Hỏi đáp cùng thầy thuốc sẽ chọn lọc và giúp bạn giải đáp.

Có kiêng tắm, kiêng nước khi trẻ bị bệnh thủy đậu?Có kiêng tắm, kiêng nước khi trẻ bị bệnh thủy đậu?

Thời điểm từ tháng 2 đến tháng 6 hằng năm thường xuất hiện dịch bệnh thủy đậu (dân gian gọi trái rạ) ở trẻ em. Nhiều người thấy trẻ bị nổi phỏng nước hay kiêng tắm, kiêng gió cho mau khỏi. Đúng không?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên