Gắn mác thuốc "y học cổ truyền", những loại thuốc nam thuốc bắc không rõ nguồn gốc lại được bán tràn lan, gây ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của nền y dược học cổ truyền Việt Nam.
Nguy kịch vì thuốc y học cổ truyền "dỏm"
Mới đây, Bệnh viện Nhi trung ương tiếp nhận liên tiếp hai bệnh nhi nhập viện do cha mẹ dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc để chữa bệnh động kinh. Trong đó, có một bệnh nhi 3 tuổi mắc bệnh động kinh từ lúc 6 tháng tuổi.
Ba tháng trước, thấy bé co giật nhiều hơn, gia đình đi mua thuốc nam dạng viên không rõ nguồn gốc về cho bé uống. Tình trạng co giật không thuyên giảm, thậm chí trẻ xuất hiện kém ăn, da tái xanh, rối loạn ý thức. Lúc này, gia đình mới đưa trẻ vào viện khám.
Qua khám lâm sàng, kết hợp hỏi bệnh sử, các bác sĩ nghi ngờ bé bị ngộ độc chì. Kết quả xét nghiệm cho thấy bé bị ngộ độc chì rất nặng: nồng độ chì trong máu trên 100 µg/dL (ngưỡng được chấp nhận là dưới 10 µg/dL). Ngoài ra, bé còn bị thiếu máu nặng và giãn não thất.
Trước đó, bệnh viện cũng tiếp nhận bệnh nhi 9 tuổi ngộ độc chì nặng do gia đình cho dùng thuốc nam chữa động kinh.
Bác sĩ Đào Hữu Nam, trưởng khoa điều trị tích cực (Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương), cho biết ngộ độc chì vô cùng nguy hiểm. Khi xâm nhập vào cơ thể, kim loại này có thể gây ra nhiều bệnh lý về thần kinh, tim mạch, huyết học, dạ dày, đường ruột, thận... Thậm chí phải mất hàng chục năm mới có thể thải được chì ra ngoài cơ thể.
Không chỉ trẻ em, nhiều người lớn như ông D. (64 tuổi, trú Bắc Giang) cũng bị ảnh hưởng sức khỏe bởi thuốc gắn mác y học cổ truyền. Ông D. mắc bệnh viêm gan B, thay vì thăm khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ, ông lại tìm đến thuốc nam để chữa bệnh. Sau 5 tháng sử dụng thuốc nam, ông D. nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, ông D. được chẩn đoán suy gan cấp, xơ gan, viêm gan B mạn. Các bác sĩ đã giải thích cho người nhà bệnh nhân về tình trạng bệnh, tiên lượng rất nặng, nguy cơ hôn mê gan.
Tương tự, ông T. (64 tuổi, Hưng Yên) cũng mua thuốc được quảng cáo là thuốc y học cổ truyền để điều trị sỏi túi mật. Sau khi uống 10 ngày thuốc, ông T. xuất hiện mệt mỏi, chán ăn... Đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương để điều trị và được các bác sĩ chẩn đoán theo dõi viêm gan nhiễm độc, có viêm gan cấp.
Nguy hiểm khó lường khi không biết thành phần thuốc
Bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cho hay bệnh viện từng tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân ngộ độc, suy gan, suy thận... do sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc.
"Người dân khi uống bất kỳ loại thuốc gì đều phải tìm hiểu rõ nguồn gốc, không được uống thuốc hoặc các chế phẩm khi không biết rõ về nguồn gốc và thành phần. Nếu chẳng may đã uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc mà có biểu hiện mệt mỏi, khó chịu, tiểu vàng... cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời", bác sĩ Huyền khuyến cáo.
Thảo dược dùng không đúng cũng gây hại
Theo ThS.BS Vũ Văn Đại, khoa y dược học cổ truyền Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, trước khi tiếp cận với thuốc y học hiện đại, nền y học Việt Nam chủ yếu dùng thuốc y học cổ truyền.
"Đây là giải pháp mang tính tự nhiên, gần gũi, nhiều loại vừa là thuốc vừa là thực phẩm trong đời sống. Tuy nhiên, những vị thuốc này nếu không được bào chế đúng cách, không được kê đơn bởi thầy thuốc thì hoàn toàn có thể gây tác dụng ngoài ý muốn.
Thực tế, hiện nay vì mục đích trục lợi hoặc do trình độ hạn chế nên các vị thuốc của đông y đã bị người ta sử dụng bừa bãi, bào chế không đúng cách.
Thậm chí có nơi trộn thêm tân dược thuộc nhóm non steroid hoặc steroid để đạt hiệu quả nhanh mạnh nhưng gây hại cho sức khỏe người bệnh.
Việc tự ý mua và sử dụng các loại đông dược xuất xứ không rõ nguồn gốc, thuốc dỏm, thuốc kém chất lượng đã khiến không ít người bị ngộ độc, suy gan, suy thận, thậm chí tử vong... Điều này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của nền y dược học cổ truyền", bác sĩ Đại chia sẻ.
Theo bác sĩ Đại, thông thường những người mắc các bệnh mạn tính như xương khớp, đái tháo đường, tăng huyết áp... đòi hỏi việc sử dụng thuốc tân dược kéo dài khiến người bệnh mệt mỏi. Họ thường cho rằng thuốc đông y lành tính và mang tới hiệu quả cao. Vì vậy, dù chưa thăm khám, người bệnh đã vội "đặt cược" tính mạng, sức khỏe của mình mà không thể lường trước hậu quả.
Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng thuốc đông y làm từ thảo dược lành tính nên uống thuốc kéo dài cũng không ảnh hưởng. Tuy nhiên, bác sĩ Đại cho hay nguy cơ suy gan, suy thận khi dùng những loại thuốc này là rất lớn. Việc tự dùng thuốc kéo dài mà không có sự kiểm soát của thầy thuốc dẫn đến phụ thuộc thuốc, nghiện thuốc, tổn thương gan, thận cùng các cơ quan khác.
Khi sử dụng gây hại từ từ, không dễ để phát hiện, đến khi phát hiện được thì chức năng gan, thận đều đã giảm ở mức độ nặng, thậm chí xơ gan hay suy thận phải chạy thận nhân tạo.
Không tùy tiện dùng thuốc
"Cần phải ý thức rõ thuốc dù là tân dược hay đông dược không thể sử dụng tùy tiện, mà phải được khám và sử dụng theo kê đơn của bác sĩ.
Trong thuốc đông y có nhiều dạng bào chế như sắc uống, cao, đơn, hoàn, tán... nếu được bào chế chuẩn, sử dụng đúng cách, đúng liều sẽ đạt được tính hiệu quả và tính an toàn.
Tùy tình trạng biểu hiện ở người bệnh mà sử dụng bài thuốc khác nhau. Không có một bài thuốc nào có thể áp dụng "chữa bách bệnh" như những lời quảng cáo. Bởi vậy, người bệnh nên thăm khám và điều trị tại các bệnh viện y học cổ truyền, bệnh viện có khoa y học cổ truyền khi có nhu cầu sử dụng thuốc thảo dược", bác sĩ Đại khuyến cáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận